Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 14/06/2017

Tuyển sinh ĐH 2017: Xử lý mạnh tay các trường vượt chỉ tiêu

Thí sinh chuẩn bị cho một mùa tuyển sinh với nhiều điểm mới. Ảnh: Nghiêm Huê.

Thí sinh chuẩn bị cho một mùa tuyển sinh với nhiều điểm mới.

Từ 2017, được phép tuyển sinh quanh năm

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay là năm thứ ba trong quá trình đổi mới thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký xét tuyển sớm hơn hai năm trước. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong tổng số 866.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia có gần 73.9% thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH.

Trong số đó, có 50% chỉ đăng ký từ 1 – 3 nguyện vọng (có 13%  trong số này chỉ  đăng ký 1 nguyện vọng), 30% đăng ký 3-5 nguyện vọng. Từ 6-10 NV là 18%. Như vậy  có 98% thí sinh  đăng ký từ 1-10 nguyện vọng.  2% thí sinh còn lại đăng ký từ  11 nguyện vọng trở lên trong đó, có 0.3% đăng ký trên 15 nguyện vọng, có 1 thí sinh đăng ký nhiều nhất là 48 nguyện vọng.

“Khi làm phần mềm xét tuyển, chúng tôi cũng băn khoăn là không biết dự kiến đến bao nhiêu nguyện vọng. Chúng tôi đã dự tính đến 50 nguyện vọng, nhưng may mắn chỉ có một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng” - bà Phụng vui vẻ chia sẻ.

Bà Phụng cũng cho hay, điểm mới năm nay là sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, giúp thí sinh tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào những trường, ngành mà mình yêu thích phù hợp với năng lực. Chỉ có thí sinh được điều chỉnh, còn các trường không được phép điều chỉnh.

“Nếu hai  bên cùng “chạy” thì không biết gặp nhau ở đâu. Vừa qua ĐH Y Phạm Ngọc Thạch định điều chỉnh nhưng sau khi cân nhắc lại  cùng với quan điểm của Bộ đã không điều chỉnh nữa”- bà Phụng nói.

Mặt khác, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cũng cho biết năm nay, hầu hết chỉ tiêu của các trường được giải quyết trong đợt một. Đợt xét tuyển bổ sung không còn quá quan trọng với các trường. 

“Bắt đầu từ năm 2017, các trường ĐH được phép tuyển sinh quanh năm. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các trường chỉ tuyển 2 kỳ hoặc 3 kỳ là cùng, phù hợp với lịch học tín chỉ của các trường là có 2 kỳ chính và một kỳ phụ” – bà Phụng  khẳng định.

Nguồn tuyển tiếp tục giảm

Do năm nay thí sinh chỉ  trúng tuyển một nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điểm nên tỷ lệ ảo năm nay thấp hơn 2016. Chính vì vậy, bà Phụng khuyên các trường ĐH không thể mang kinh nghiệm các trường năm trước sang năm nay để phòng ảo.

“Với công cụ hỗ trợ của năm nay, nếu các trường tuyển sinh vượt nhiều sẽ xử lý mạnh tay hơn. Vì Bộ đã hỗ trợ công cụ xét tuyển, hỗ trợ phần mềm, hỗ trợ theo nguyện vọng của các trường là mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng” – bà Phụng cho hay.

Cho đến giờ, nhóm xét tuyển phía Bắc đã có 57 trường tham gia, nhóm phía Nam có 72 trường tham gia. Đây là một thuận lợi trong công tác lọc ảo của các trường.

Tuy nhiên, dưới góc độ một trường ĐH, ông Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho biết thực tế năm 2016, trường tuyển được 61.5% so với chỉ tiêu đăng ký. Đây là con số thấp lần đầu tiên trong lịch sử của trường. Trước lo lắng của trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng có hai nguyên nhân khiến nguồn tuyển của các trường giảm.

Thứ nhất là số lượng thí sinh dự thi giảm tự nhiên. Trước đây, có năm, cả nước có tới 1,7 triệu thí sinh dự thi ĐH thì giờ, con số này của cả nước chỉ còn khoảng trên 600.000 thí sinh.

Thứ hai là phân luồng đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực. Nhiều thí sinh đủ điểm vào ĐH nhưng đã lựa chọn học nghề. “Đây là  khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ cũng đang tiến tới quy hoạch mạng lưới các trường ĐH. Những trường không đảm bảo chất lượng sẽ giải thể hoặc sáp nhập. Trường top trung bình được giao quyền tự chủ.

Trường top cao thì có thể được nhà nước đầu tư để trở thành đầu tàu phát triển. “Tự chủ  giai đoạn đầu nhiều người  lo lắng vì có hiện tượng vượt rào. Nhưng chúng tôi tin đó chỉ là hiện tượng thời gian đầu. Khi thông tin minh bạch hơn, người tiêu dùng thông minh hơn, thì chính các trường sẽ phải lo cho chất lượng của mình, lo cho người học” – bà Phụng khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, trong quy chế, có một số chính sách chỉ áp dụng cho năm 2017 như điểm sàn, tỷ lệ khối thi truyền thống. Còn có những quy định phải  thực hiện từ 2018 trở đi như trong đề án tuyển sinh, đó là các trường phải công bố  tỷ suất đầu tư cho một sinh viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm, điểm sàn…

Theo tienphong 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready