Tư vấn thi THPT: Môn giáo dục công dân, ôn và thi thế nào?
Theo cô Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, môn Giáo dục công dân chính thức là một môn thi trong tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp THPT. Do đó, thầy trò ở trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa nói riêng và thầy trò ở các trường THPT trong toàn quốc nói chung có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Trong đó, những thuận lợi như giáo viên có động lực lớn để thêm yêu nghề và tích cực đổi mới giảng dạy khi môn giáo dục công dân được đưa vào là môn thi chính thức của một kỳ thi mang tầm vóc quốc gia; đồng thời xã hội đã có nhìn nhận tích cực hơn đối với môn học vốn bị coi là “môn phụ” này;
Thầy trò có “kim chỉ nam” để học tập và ôn luyện khi nhận được sự chỉ đạo từ cấp trên sớm và kịp thời: Bộ GD&ĐT công bố minh họa sớm, sát với nội dung kiến thức và có định hướng rõ ràng đối với bộ môn. BGH nhà trường cũng đã có những chỉ đạo kịp thời qua việc khảo sát nguyện vọng của học sinh để giáo viên bộ môn có hướng ôn tập sát và hiệu quả nhât.
Nội dung kiến thức của bộ môn giáo dục công dân tập trung vào chín chủ đề: ngắn gọn, gắn liền với thực tiễn. Vì thế học sinh dễ dàng ghi nhớ và tư duy để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Do đó đa số học sinh được hỏi đều hào hứng và tự tin với môn thi mới này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các trường cũng gặp không ít khó khăn. Vì là năm học đầu tiên được đưa vào vào là môn thi chính thức của một kỳ thi mang tầm vóc quốc gia và thi dưới hình thức trắc nghiệm nên việc biên soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho học sinh ôn tập gặp không ít khó khăn; tài liệu tham khảo chưa nhiều.
Mặc dù phạm vi kiến thức chỉ tập trung chủ yếu trong chương trình của lớp 12 nhưng những nội dung không dễ, khá dàn trải nên việc ôn tập đối với học sinh gặp không ít khó khăn
Không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm
Trước những thuận lợi, khó khăn nêu trên, cô Hương cho rằng, học sinh cần nắm chắc những nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 12 và chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giảm tải của GD&ĐT.
“Học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa mà cần ghi nhớ những vấn đề mấu chốt để từ đó biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét, đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn xã hội và áp dụng trả lời theo yêu cầu của câu hỏi” – cô Hương nhấn mạnh.
Đồng thời, cô cho rằng học sinh cần tăng cường thời gian luyện tập với hệ thống đề thi mẫu và hệ thống ngân hàng đề của bộ môn do các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cung cấp và hướng dẫn.
Trong khi làm bài, theo cô Hương học sinh cần đọc kỹ đáp án trắc nghiệm và yêu cầu của câu hỏi để xác định được đáp án đúng.
Sử dụng phương pháp loại trừ để có thể xác định được đáp án nhiễu
Vận dụng những kiến thức thực tế và sử dụng phân tích những tình huống để xác định đáp án đúng đối với những câu hỏi tình huống
Đọc toàn bộ đề, trả lời những câu hỏi nhận thấy dễ và biết chắc chắn đáp án đúng trước.
Dành thời gian cho những câu hỏi cần tư duy và phân tích tình huống mang tính thực tiễn cần và dễ nhầm lẫn.
Theo tienphong