Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh: Chú trọng tuyên truyền luật và trợ giúp pháp lý lưu động
Đa dạng các hình thức TGPL
Công tác tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh đã nhiều năm, anh Phạm Công Minh cho biết: Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 lượt người dân tìm đến Trung tâm để xin tư vấn, TGPL. Hầu hết người dân ở rất xa, có những nơi cách thành phố Buôn Ma Thuột cả trăm cây số. Do đó, để việc TGPL cho người dân thuận lợi, hằng năm Trung tâm đều tổ chức các đợt TGPL lưu động, giải đáp pháp luật miễn phí cho bà con ở các xã vùng xa, vùng biên giới. Trước khi tiến hành các đợt TGPL lưu động, Trung tâm luôn phối hợp với địa phương đến từng hộ gia đình khảo sát nhu cầu TGPL của người dân, sau đó tổng hợp, định hướng nội dung tuyên truyền và bố trí cán bộ giải đáp thắc mắc cho người dân một cách thỏa đáng.
Đối với các cán bộ Trung tâm thì những chuyến TGPL lưu động đi là một hành trình lắm gian nan nhưng cũng đầy ý nghĩa. Kể về kỷ niệm lần TGPL lưu động tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo), chị Nguyễn Thị Xuyến (cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh) chia sẻ: “Hôm ấy trời mưa tầm tã, khi chúng tôi đang gồng mình vượt qua những đoạn đường xấu thì xe đột nhiên chết máy. Để kịp thời gian đến với bà con, mấy anh thanh niên trong đội phải cõng pa nô tuyên truyền lên lưng, còn chị em phụ nữ thì ôm tờ gấp, lội bộ hơn 3 km đường rừng vào buôn. Tới nơi bà con hầu hết không biết nói tiếng Kinh nên việc giao tiếp gặp nhiều trở ngại, nếu không có người bản địa phiên dịch giúp thì chúng tôi khó mà hoàn thành công việc. Có đôi lúc, hồ sơ đăng ký tư vấn TGPL lên tới 200 bộ, nhưng các cán bộ trong đoàn luôn vui vẻ nhiệt tình lắng nghe và giải đáp đến khi nào bà con hết thắc mắc mới thôi”.
Cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh tư vấn cho người dân tại huyện Ea Kar.
Bên cạnh TGPL lưu động, Trung tâm còn có nhiều hình thức TGPL miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người già cô đơn không nơi nương tựa như: tư vấn pháp luật tại nơi làm việc, tư vấn qua điện thoại, thư tín, tư vấn bằng văn bản, cử luật sư bào chữa tại phiên tòa khi có yêu cầu, kiến nghị giải quyết các vụ việc đã có hiệu lực pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người dân,... Ngoài ra, tại các buổi tư vấn, người dân còn được hướng dẫn chi tiết về thủ tục vay vốn ngân hàng, đăng ký kết hôn, việc họp bình xét hộ nghèo, làm giấy khai sinh cho con... và lồng ghép tuyên truyền pháp luật như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Hôn nhân gia đình,... Vì thế hoạt động TGPL ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân.
Hiệu quả từ hoạt động TGPL
Theo bà Phạm Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh thì: việc tuyên truyền Luật và TGPL được xem là một biện pháp để nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật của người dân. Việc đưa hoạt động TGPL lưu động đến vùng sâu, vùng xa đã giảm bớt thời gian và hạn chế chi phí đi lại cho người dân. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành luật của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 câu lạc bộ TGPL với số cộng tác viên (CTV) TGPL là 143 người, trong đó có 19 CTV là Luật sư,... Trong năm 2014, Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức 48 đợt TGPL lưu động đến 32 xã (trong đó có 31 xã nghèo) thuộc tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, số vụ việc TGPL là 1.612 vụ việc (tăng 63 vụ việc so với năm 2013) với hơn 3.087 người tham gia.
Thời gian qua, nhờ sự phối hợp giữa Trung tâm TGPL và các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan nên số vụ việc cử luật sư là CTV TGPL tham gia tố tụng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhất là các vụ việc mà người được TGPL là trẻ em, người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số. Điển hình như vụ 9 đối tượng người dân tộc Êđê ở huyện Krông Bông do đời sống khó khăn lại thiếu hiểu biết, đã phá rừng thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin lấy đất sản xuất. Trung tâm đã phối hợp cùng Đoàn Luật sư tỉnh bào chữa thành công cho 8 đối tượng được hưởng án treo, có cơ hội làm lại cuộc đời, phấn đấu trở thành công dân tốt…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay hoạt động TGPL lưu động vẫn gặp không ít khó khăn bởi việc hiểu biết pháp luật của người dân nhất là những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn mơ hồ. Nội dung bà con thắc mắc thường xoay quanh các vấn đề như tranh chấp đất đai, kiện tụng khiếu nại, phân chia tài sản… Mặc dù đã được Trung tâm phân theo từng lĩnh vực trả lời cụ thể nhưng hầu hết bà con tới tư vấn không mang đầy đủ giấy tờ và các tài liệu có liên quan nên cán bộ Trung tâm mất rất nhiều thời gian để xác minh, làm rõ. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân dẫn đến hoạt động TGPL chưa đạt được hiệu quả như mong muốn,... Theo bà Phạm Thị Minh Phương, để hoạt động TGPL trở thành cầu nối giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TGPL, phát huy vai trò nòng cốt của các trợ giúp viên pháp lý, đội ngũ luật sư và các CTV khác trong hoạt động TGPL. Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là ngành Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền Luật trợ giúp pháp lý, triển khai kịp thời Thông tư liên tịch số 11 và các văn bản về TGPL trong hoạt động tố tụng đến các đơn vị phối hợp để hỗ trợ tốt nhất cho người được thụ hưởng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước cho người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa…; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Câu lạc bộ TGPL tại địa bàn để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Theo Báo Đắk Lắk (CN)