Tri ân những người “lái đò” đặc biệt ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Thầy Ninh Văn Dậu 10 năm kiên trì vượt núi băng rừng vận động học trò đến trường. Ảnh tư liệu.
Thầy Dậu vốn không phải người Tây Nguyên, thầy gốc Ninh Bình, đi theo tiếng gọi của núi rừng để lên miền đất đỏ gieo con chữ. Ngôi trường thầy công tác nằm ở xã La HDreh với điều kiện khó khăn, năm 2007, trường chưa được xây dựng, thầy trò phải đi học nhờ, bản thân thầy cũng phải ở nhờ nhà dân.
Bỏ qua rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và cả sự cô đơn nơi đất khách, thầy Dậu quyết định gắn bó với La HDreh dù có cơ hội chuyển trường để giúp các học sinh của mình biết viết đúng chính tả, đọc rõ chữ. Không ngừng đổi mới phương pháp dạy là những gì thầy thực hiện suốt 10 năm qua, nhưng đó chưa phải là sự vất vả lớn nhất mà phải kể đến những lần vượt núi, băng rừng để đến vận động trò trở lại trường học.
Với những cống hiến của mình, thầy Dậu đã được vinh danh trong Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/10 vừa qua.
Thầy Diệp Quốc Quang tại lớp học của mình. Ảnh nguồn Internet.
Cách đó không xa, tại ngôi trường THCS Cư Đrăm huyện Krông Bông (Đắk Lắk), người dân vẫn thầm cảm ơn sự tâm huyết của vợ chồng thầy cô giáo Diệp Quốc Quang (dạy Vật lý) và cô Lê Văn Thị Thanh Duyên (dạy Ngữ văn).
Với lòng nhiệt huyết và chữ tâm trong nghề, ngay khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk năm 2002, vợ chồng thầy cô đã tình nguyện về công tác tại trường Trung học cơ sở Cư Đrăm.
Vốn là một trường khó khăn với 70% là người dân tộc thiểu số nhưng thầy cô vẫn dành hết tình cảm cho học trò để chăm lo, dạy dỗ cho các em. Không chỉ thay đổi phương pháp học tập để phù hợp với tâm lý học trò, vợ chồng thầy cô còn đưa học sinh về bồi dưỡng miễn phí cho các em, giúp các em củng cố kiến thức, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Với sự tâm huyết này, cô Duyên và thầy Quang đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; 9 lần đạt giải Nhất hội thi Giáo án điện tử cấp huyện; 13 lần được công nhận Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Cô Trần Thị Tuyết - nguyên Phó hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn 1 Vĩnh Thuận. Ảnh nguồn Internet.
Xuôi vào thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) mọi người vẫn luôn ngưỡng mộ vợ chồng cô Trần Thị Tuyết - nguyên Phó hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn 1. Cô từng là giáo viên ở Tiền Giang về huyện Vĩnh Thuận dạy học theo lời mời gọi của của lãnh đạo huyện này từ năm 1988.
Theo tiếng gọi, vợ chồng thầy cô lên đường đến Vĩnh Thuận dạy học. Do có con nhỏ nên thầy cô được cấp nhà tại trường. Có chỗ ở, thầy cô chuyên tâm vào giảng dạy, ngoài ra thầy cô còn đăng ký dạy những lớp còn thiếu giáo viên. Giai đoạn đầu về trường, thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, phòng học được cất tạm, chát vách bằng lá dừa, bàn học được đóng tạm bằng gỗ cây tự đốn.
Khó khăn như vậy nhưng thầy cô vẫn tâm huyết với nghề, để đến nay dù đã nghỉ hưu, hơn 30 năm gắn bó, cô Tuyết vẫn luôn tự hào là một người giáo viên nhân dân.
Thầy giáo trường làng Trần Xuân Hiệp- giáo viên dạy Toán Trường THPT Tiến Thịnh. Ảnh nguồn Internet.
Ngược ra Hà Nội, thầy giáo trường làng Trần Xuân Hiệp giáo viên dạy Toán Trường THPT Tiến Thịnh, huyện Mê Linh được các học trò vô cùng yêu mến với những bài giảng gần gũi, sáng tạo.
Với những sáng kiến của mình, thầy Hiệp đã giúp cho ngôi trường nhỏ tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn cho đầu tư thiết bị giảng dạy, thay vào đó chỉ phải bỏ ra vài trăm nghìn đồng/máy mà vẫn không hề thua kém máy hiện đại.
Xuất phát từ nỗi trăn trở học trò trường làng không có điều kiện cơ sở tốt để học tập, thầy Hiệp đã luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo thiết bị dạy và học. Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, thầy Hiệp đã sáng tạo thành công sản phẩm “Thiết bị chiếu phiếu học tập” và giành được giải Nhất của Hội thi thiết bị Đồ dùng học tập tự làm cấp thành phố.
Không chỉ sáng tạo trong học tập, thầy Hiệp còn được biết đến là người tiên phong trong các phong trào “Nhà giáo đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Hằng năm, thầy đều tham gia dạy miễn phí cho học sinh yếu, giúp đỡ các học trò có hoàn cảnh khó khăn.
Chắc hẳn, khi còn ê a tập viết, đánh vần, mỗi cô câu học trò đều có trong lòng một người cha, người mẹ thứ hai. Đó là những giáo viên đã gieo tri thức cho những tháng năm đầu đời. Rồi tuổi thơ cũng qua, chiếc cầu kiều dẫn tới tri thức đã để lại sau lưng, biết bao thế hệ học trò đã lớn lên, rời trường mà chẳng buồn ngoảnh đầu lại. Nhưng những người thầy, người cô vẫn lặng lẽ, âm thầm với sự nghiệp trồng người. Nhưng vẫn có những người thầy cô để lại trong lòng học sinh những bài học, ấn tượng chẳng bao giờ phai mờ. Họ không chỉ cho các em con chữ, tri thức; họ đã để lại cho học sinh cả một di sản với những bước ngoặt của cuộc đời.
Theo tienphong