Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/06/2017

Trẻ đang mất mùa hè

​Trẻ đang mất mùa hè

Trẻ em vui chơi trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội

Nhưng việc này lại dẫn đến một bất ổn mới khi không học thêm thì trẻ không biết làm gì, phụ huynh không biết gửi con ở đâu trong dịp nghỉ hè.

Tuổi Trẻ trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.

TS CHU CẨM THƠ

(Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)

Trẻ phải hoạt động trong cộng đồng

​Trẻ đang mất mùa hè

TS Chu Cẩm Thơ: Trẻ em không có không gian và hoạt động phù hợp trong dịp hè 

- Không chỉ ở thành phố, mà ngay ở nông thôn, các em nhỏ nghỉ hè cũng không có không gian và hoạt động phù hợp, nên nhiều em tìm đến game, tìm đến những thú giải trí không lành mạnh, không an toàn.

Gia đình và các tổ chức xã hội đã thiếu trách nhiệm trong xây dựng, tổ chức các hoạt động cộng đồng, những hoạt động rèn kĩ năng, ý thức trách nhiệm cho con em mình. 

Và chính chúng ta đã làm mất đi cơ hội được phát triển toàn diện, các kĩ năng sống, xây dựng cộng đồng của trẻ, nói cách khác đã lấy mất đi của trẻ một mùa hè.  

* Nếu các trường mở cửa trong suốt dịp hè để đón học sinh quay lại với những hoạt động có ý nghĩa, hữu ích, hay đơn giản chỉ để trẻ được vào thư viện đọc sách, theo bà, ý tưởng này có hợp lý không?

- Tôi ủng hộ điều này. Với cơ sở vật chất sẵn có, trường học là nơi tổ chức hoạt động cộng đồng rất tốt.

Tuy nhiên, nhiều nơi, trường học không được sử dụng để sinh hoạt hè, vì nhiều lí do, trong đó có vướng mắc trong trách nhiệm sử dụng tài sản công, trách nhiệm và độ tin cậy của đơn vị tổ chức. Nhưng không vì thế mà việc sử dụng địa điểm nhà trường cho hoạt động hè là không khả thi.

Tất nhiên, chúng ta còn nhiều địa điểm công cộng có thể khai thác trong mùa hè cho trẻ hoạt động. Nhưng mở cổng trường trong dịp hè là một ý tưởng không tồi vì dễ thu hút được học sinh, mang lại sự yên tâm cho phụ huynh.

* Theo bà, có nên tổ chức và cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm hay khoa học về giá trị sống, kĩ năng sống trong dịp hè không, hay để trẻ được nghỉ hè theo đúng nghĩa?

- Mùa hè là thời gian hợp lí để rèn luyện các nội dung mà trong chương trình học chưa đáp ứng được, vì thế, các hoạt động trải nghiệm về giá trị sống, kĩ năng sống là cần thiết. Tôi cho rằng các hoạt động thể thao, giáo dục giá trị sống cần được ưu tiên, tiếp đó là giáo dục kĩ năng sống, trải nghiệm khoa học.

Nhưng nhất thiết trẻ phải hoạt động trong cộng đồng. Tôi thấy nhiều gia đình chọn cho con những khóa kĩ năng rất bổ ích, nhưng lại xa rời cộng đồng dân cư địa phương.

Thực tế này đã làm cho trẻ mất đi cơ hội thích nghi và điều chỉnh nhận thức, hành vi sống, giá trị sống trong môi trường gần mình nhất. Mặt khác, cộng đồng dân cư sẽ bị thiếu hụt các hoạt động gắn kết, và vì thế mai một văn hóa.

* Cần có cơ chế thế nào để chính quyền địa phương, các đoàn thê cùng vào cuộc trong việc phối hợp, tổ chức một mùa hè có ý nghĩa hơn cho trẻ em?

- Hiện nay, dựa vào lí do có sự thay đổi về nhu cầu nội dung sinh hoạt, những khó khăn về cơ sở vật chất, thời gian, nhiều nơi, đoàn thể đã không phát huy được vai trò và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, vẫn rất nhiều địa phương đã làm đúng chức trách, trên cơ sở coi hoạt động cộng đồng là vấn đề quan trọng trong phát triển văn hóa xẫ hội và giáo dục trẻ em. Nhiều nơi đã huy động các thành phần dân cư tham gia, đóng góp cả vật lực, nhân lực, trí lực. Làm như thế, trẻ em mới có điều kiện để được hưởng mùa hè đúng nghĩa.

Hơn nữa, tính chất trải nghiệm và hoạt động cộng đồng còn phát huy được chính vai trò làm chủ của trẻ em. Các em sẽ kết nối cha mẹ, người thân của mình, và có sáng kiến, có khả năng thực thi, tổ chức.

TS NGUYỄN THỊ NGỌC MINH

(Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội)

Nhiều trẻ bị bỏ rơi trong dịp hè

​Trẻ đang mất mùa hè

TS Nguyễn Thị Ngọc Minh: Rất nhiều trẻ đã bị bỏ rơi trong mùa hè

* Là một người gắn bó nhiều với các em nhỏ, theo bà, các thành phố lớn đang thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi vào dịp hè phải chăng do người lớn quá bận bịu hay còn nguyên nhân nào khác?

- Chúng ta đang vô cùng thiếu những sân chơi bổ ích, lành mạnh trẻ em, dù có điều kiện hay không có điều kiện, đều có thể tham gia.

Sự thiếu thốn này có nguyên nhân từ rất nhiều yếu tố. Xét từ phương diện vĩ mô, nó liên quan tới việc qui hoạch đô thị, liên quan tới sự bùng nổ dân số trong các đô thị, khiến cho hệ thống công viên, vườn hoa, các khu vui chơi trở nên quá tải.

Nó cũng liên quan tới an ninh xã hội, an toàn giao thông, bởi các ông bố bà mẹ không thể yên tâm để cho con được tự do khám phá thế giới khi mà những mối lo ngại về tai nạn giao thông, bắt cóc trẻ em, xâm hại tình dục luôn là những câu chuyện ám ảnh.

Theo tôi, có một nguyên nhân nữa là do sự thiếu gắn kết trong cộng đồng ở các thành phố. Ở nông thôn, mọi người ràng buộc với nhau bằng quan hệ họ hàng, làng xóm, và chính sự ràng buộc, kết nối này đã tạo nên vành đai an toàn cho những đứa trẻ, khiến cho chúng có thể tự do đi lại trong một không gian rộng lớn mà không lo gặp phải quá nhiều nguy hiểm.

Sự thiếu gắn kết này cũng khiến cho các tổ chức đoàn thể tại địa phương như tổ dân phố, đoàn thanh niên… chưa thực sự phát huy được hết sức mạnh của nó. Vì những lí do này mà ở thành phố, rất hiếm có một sân chơi nào bổ ích, lý thú, an toàn mà lại miễn phí cho trẻ con. Người ta chỉ có thể trông chờ vào các dịch vụ. Hệ quả là, rất nhiều đứa trẻ đã bị bỏ rơi trong mùa hè.

* Nghỉ hè nhưng các em vẫn phải mang theo gánh nặng học thêm quá nhiều. Từ góc độ phụ huynh, quan điểm của bà về câu chuyện này ra sao?

- Tôi luôn cho rằng trẻ con cần được chơi. Nhu cầu chơi của trẻ thậm chí còn lớn hơn nhu cầu học rất nhiều.

Trẻ học được rất nhiều thứ bằng cách chơi. Vui chơi giải phóng năng lượng, tạo nên sự giải tỏa và cân bằng về cảm xúc, khiến cho chúng cảm thấy hạnh phúc, giúp phát triển tiềm năng bên trong mỗi đứa trẻ, cho chúng biết chúng thực sự là ai, dạy chúng các hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột...

Nếu nhu cầu này không được thỏa mãn, trẻ có thể cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, thậm chí có thể bị trầm cảm.

Việc nghỉ ngơi và vui chơi vào mùa hè không phải là vô ích, lãng phí thời gian mà thực sự là hoạt động cần thiết để tái tạo năng lượng, để trẻ có thể hào hứng bước vào một năm học mới. Nhiều em nói với tôi rằng: khi nghỉ hè con mới biết là mình thích đi học đến mức nào. Có nghĩa là nếu con không thực sự được nghỉ hè, con khó có thể cảm nhận được niềm vui được đến trường.

​Trẻ đang mất mùa hè

Trẻ em nông thôn chơi thả diều trên cánh đồng

* Dù dịp hè nhưng các bậc cha mẹ vẫn phải bận rộn đi làm thì có cách nào để tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em?

- Để tạo nên một sân chơi, tôi nghĩ cần có bốn yếu tố. Trước hết cần có 1 cái “sân”, tức là có không gian, một không gian đủ rộng, an toàn, đủ đa dạng để trẻ tò mò và tự do khám phá. Thứ nữa là cần có chơi, tức là có các dụng cụ, môi trường, hoạt động để trẻ có thể tương tác một cách vui vẻ.

Thứ ba là có bạn chơi, để chúng có thể học cách hợp tác, giao tiếp, giải quyết xung đột. Thứ tư là có thời gian chơi, một khoảng thời gian đủ để chúng có thể tự do lựa chọn hoạt động mà chúng thích.

Nhìn như vậy thì không nhất thiết phải gửi con vào các trại hè đắt tiền, đi tới những nơi xa xỉ hay là tham gia vào các hoạt động hoành tráng. Ngôi nhà cũng có thể là một sân chơi bổ ích, chỉ cần các bố mẹ sẵn sàng mở rộng cánh cửa nhà mình, đón nhận trẻ con hàng xóm và biến ngôi nhà trở thành một không gian an toàn cho trẻ vui chơi.

Thư viện cũng có thể là một không gian chơi nếu như ta thay đổi một chút cách nhìn về thư viện, nếu như thư viện không chỉ là nơi để đọc sách, mà còn là một không gian tương tác để trẻ có thể khám phá tri thức, trao đổi với bạn bè, học hỏi từ sách vở và học hỏi lẫn nhau.

Một hành lang chung cư hay một ngõ phố  cũng có thể trở thành một sân chơi hữu ích nếu bố mẹ chịu khó dành thời gian quan sát, hướng dẫn các con cùng chơi với bạn của mình.

Có một mô hình rất hay mà tôi nghĩ các bố mẹ có thể áp dụng, đó là mô hình “sân chơi hợp tác xã”, trong đó các bố mẹ cắt cử nhau mỗi người một buổi hướng dẫn, hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho các con khi vui chơi.

Mô hình này giúp tiết kiệm thời gian của bố mẹ mà vẫn có thể giúp các con có một sân chơi an toàn, lành mạnh. Như tôi đã nói, chính sự kết nối giữa các gia đình chính là một vành đai an toàn để biến bất cứ một không gian nào trở thành một sân chơi bổ ích cho các con.

Theo tuoitre

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready