TIẾP SỨC NGƯỜI TRẺ ĐI QUA ĐẠI DỊCH
Cha đã hơn 70 tuổi, nhà còn cô em gái đang học cấp III nên những ngày sắp tới Thới Khanh dù vẫn còn mang dáng vẻ học trò rồi sẽ là lao động chính của cả nhà.
Bộ đồ thợ hàn và giấc mơ kỹ sư IT
Đến nhà Khanh vào buổi trưa ngay lúc chị Minh Trang - chị gái Khanh - nấu bữa trưa cho cả nhà. "Tôi có gia đình riêng, không ở chung với cha mẹ nữa. Mẹ đi làm xa, cả tuần cha với hai đứa nhỏ tự nấu nướng cũng thương lắm nên tranh thủ ngày nghỉ tôi qua nấu giúp", chị Trang kể.
Chị làm công nhân một nhà máy gần đấy, nuôi con nhỏ nên cũng chẳng dư dả gì. Cha mẹ đã già, các em còn đang tuổi ăn học nên chị vẫn phải đỡ đần, gánh vác, nhất là sau hai năm đại dịch vừa qua.
"Cha cũng 70 rồi nhưng vẫn đi phụ công trình, ai kêu gì làm nấy nhưng từ hồi dịch không có người kêu làm. Gia đình khó khăn quá, không lo được cho thằng Khanh lên đại học nổi dù nó mê học lắm", chị Trang buồn buồn kể.
Trong căn nhà nhỏ ngay mé sông Soài Rạp, một bức tường treo kín những giấy khen của ba chị em Thới Khanh. Biết các em ham học, thương em nhưng đồng lương công nhân của chị Trang cũng không gồng gánh nổi để lo được học phí cho cả hai em. Bữa nay chị qua hỏi han khoản học phí đầu năm của bé út đang học lớp 12 để lo gom góp đóng cho em.
Khanh bảo mấy tuần nay bạn bè đã nhập học hết, còn mình theo cha đi học nghề hàn. Cha tính để bạn theo nghề hàn nên Khanh mới đề nghị được giúp bộ đồ hàn để làm nghề. Bữa giờ Khanh đi làm, cũng gom được dăm bảy triệu mà đâu có đủ. "Lo được một học kỳ rồi những kỳ tiếp theo nữa. Sang năm bé út cũng thi đại học, lo cùng lúc hai đứa đâu xuể nên phải để một đứa nghỉ", chị Minh Trang nhẩm tính.
Nhắc việc học, Khanh định xin bảo lưu kết quả, tranh thủ đi làm gom góp rồi năm tới đi học lại. "Năm nay em theo cha đi làm nghề hàn rồi gắng dành dụm sang năm đi học lại. Em nộp hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho gần nhà, không phải ở trọ", Khanh nói.
Chàng sinh viên kiêm "thầy giáo" dạy bơi
Cha mẹ đều lớn tuổi, không còn sức lao động nên suốt ba năm qua chàng sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Lao động xã hội cơ sở 2 Nguyễn Đức Tính đi dạy bơi để tự lo việc học. Được cái trung tâm cũng linh động thời gian, hôm nào lịch học sáng, xong là anh ra thẳng trung tâm dạy bơi, học chiều thì trung tâm ưu tiên cho đi dạy buổi sáng. Vất vả một chút nhưng nhờ vậy mà trang trải được việc học, lo thêm cho cha mẹ.
Nhưng dịch ập đến, mấy tháng trời Tính không thể dạy bơi, cả nhà khá vất vả. Thời điểm đó, anh tham gia với trung tâm an sinh của xã Xuân Thới Sơn lập danh sách hộ dân cần hỗ trợ, cùng bộ đội tiếp tế thực phẩm cho họ... Được hội nông dân giới thiệu nhận hỗ trợ sinh kế từ chương trình lần này, Tính xin hai con bò giống.
Hỏi Tính có biết nuôi bò không, không ngờ anh chàng học ngành luật kinh tế lại rất rành rẽ: "Ở đây xưa nay mọi người đều làm nông, sẵn vườn, sẵn cỏ không phải lo thức ăn nên cũng không tốn nhiều công. Cha mẹ sức yếu cũng phụ trông chừng được để tôi tiếp tục học và dạy bơi. Nuôi bò thịt thì chừng 12-18 tháng là bán được rồi", anh nói.
Hiện là chi hội phó chi hội nông dân ấp, Tính cũng thường xuyên hỗ trợ bà con nông dân trong xã. "Tôi đang học năm cuối, khoảng tháng 9 năm tới sẽ tốt nghiệp. Vừa đi dạy bơi, vừa nuôi thêm cặp bò, từ giờ đến lúc ra trường cũng bớt lo. Mình học luật kinh tế, ra trường có thể xin vào làm trong các doanh nghiệp", anh dự tính tương lai.
Theo tuoitre.vn