Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 20/05/2015

Tiếng Anh trên văn bằng VN: Sai vì khác chuẩn mực quốc tế

Sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đủ kiểu sai

Từ năm 2009, Bộ GD-ĐT có quy định văn bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ ghi tiếng Việt song song tiếng Anh. Những năm sau đó, liên tục xuất hiện những sai sót về tiếng Anh trên văn bằng.

Mới đây, bằng tốt nghiệp ngành dược sĩ của Trường trung cấp Bách khoa Bình Dương in “pharmacy” thành “farmacy”.

Năm 2014, bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi của 18 sinh viên (SV) ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Tây Nguyên cũng bị ghi sai chính tả. Theo đó, dòng tiếng Anh ở chỗ xếp loại tốt nghiệp ghi thừa một chữ “r” (verry good thay vì very good). Nơi ghi ngày, tháng, năm cấp bằng ghi “Dak Lak, 26 August 2014”, trong khi đúng phải là “Dak Lak, August 26th 2014”.

 
 
Bỏ hay giữ tiếng Anh trên bằng tốt nghiệp?

Trao đổi với khoảng 10 người ở nhiều chức vụ và công việc khác nhau, từ lãnh đạo các trường ĐH đến SV, từ người học trong nước đến người nước ngoài, có 8 ý kiến cho rằng trong giai đoạn hiện nay nên có phần tiếng Anh trên bằng tốt nghiệp, đặc biệt bằng ĐH. Lý do đưa ra là để thuận tiện cho người đi du học và làm công ty của nước ngoài đỡ phải đi công chứng - nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Ý kiến ngược lại cho rằng nếu viết tiếng Anh sai như hiện nay thì ghi vào chỉ thêm phiền phức, gây xấu hổ và cũng không cần thiết.

 

Năm 2011, bằng tốt nghiệp của SV ngành công nghệ thông tin khóa 2007 - 2011 Trường ĐH Sài Gòn bị sai tên chuyên ngành từ “information” thành “infomation” (thiếu chữ “r”). Cũng trong năm này, ngày 5.11.2011, sau lễ phát bằng, nhiều SV ngành công nghệ sinh học Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm khóa 2007 - 2011 (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) phát hiện tên ngành học ở phần tiếng Anh thay vì ghi “Biotechnology" thì trên bằng lại ghi "Biotechnogy". Đến năm 2013, bằng thạc sĩ Học viện Báo chí và Tuyên truyền ghi sai từ tiếng Anh “Derector” (viết đúng là Director)...

Không hiểu được

Theo PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, lỗi này có thể xảy ra ở 2 trường hợp. Một là phôi bằng có vấn đề nhưng điều này khá hy hữu. Hai là lỗi kỹ thuật do người chịu trách nhiệm biên soạn in thêm vào bằng, có thể do trình độ tiếng Anh hạn chế, cũng có thể do lỗi đánh máy, hoặc xui rủi, lỡ tay khi đánh máy...

Nhưng đây chưa phải là lý do căn cơ vì nếu thế thì không có sai sót này sẽ có sai sót khác.  

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cho rằng tiếng Anh trên bằng tốt nghiệp cần phải viết đúng theo kiểu tiếng Anh. Cách làm hiện nay của Bộ GD-ĐT là theo song ngữ, dịch kiểu từ - đối - từ (word - for - word). Vì thế mới xảy ra nhiều sai sót ngớ ngẩn như thực tế đã thấy.

Bà Phương Anh đề nghị nên và thiết kế lại mẫu bằng hiện nay của VN để phù hợp với thế giới. Bộ có thể thu thập và xem xét các mẫu văn bằng của các nước nói tiếng Anh, đưa yêu cầu cho các trường về những chi tiết cần có và giao cho các trường tự thiết kế và tự in. 

Từ năm 2011, trên website cá nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đã có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, văn bằng là niềm hãnh diện của SV tốt nghiệp. Đó cũng là một “chứng từ” thành công sau nhiều năm dùi mài kinh sử. Văn bằng tốt nghiệp còn là một tài liệu mang tính pháp lý. Trong quá trình hội nhập quốc tế, SV cầm văn bằng xin học bổng nước ngoài. Một văn bằng mà trong đó tiếng Anh viết không chuẩn, sai sót quá nhiều là điều không thể chấp nhận được, vì người ngoài sẽ cười mình. Do đó, văn bằng cần phải thiết kế theo chuẩn mực quốc tế.

Xếp loại cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay cả về việc có nên tồn tại phần này trên văn bằng và cách dịch sang tiếng Anh. Hiệu trưởng một trường công lập lớn tại TP.HCM cho rằng bằng VN ghi loại giỏi là “Very Good” nhưng một số nước là “Excellence”, “Very Good” chỉ là khá. Xếp loại xuất sắc của chúng ta là “Excellence” thì có nước là “Outstanding”...

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đề nghị những từ tiếng Anh trên bằng như việc xếp loại SV nên làm theo thông lệ quốc tế, thay vì chỉ đơn thuần là dịch từ phần tiếng Việt như hiện nay.

Cũng theo GS Tuấn, ở một số nước như Úc, Anh, Mỹ... không có hạng tốt nghiệp trên văn bằng. In như thế gây mặc cảm cho SV.  Nếu người tuyển dụng muốn biết thêm chi tiết, họ yêu cầu gửi hồ sơ, bảng điểm, chứ nhìn qua hạng “Trung bình” thì ai biết đó là hạng gì.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập cũng cho biết, nhiều nước không xếp loại bằng, chỉ có bảng điểm. Người này cho rằng lý do phải có xếp loại trên văn bằng có lẽ xuất phát từ chuyện VN không căn cứ năng lực thực tế nhiều mà dựa vào bằng cấp.

Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Nghề Việt - Mỹ, cho hay ở nước ngoài, bằng tốt nghiệp rất nhân văn, không thể hiện xếp loại để SV khỏi mặc cảm. Nếu SV đó xuất sắc quá thì trường ghi thêm vài chữ để SV này có thêm cơ hội. Công ty tuyển dụng chỉ cần biết người ứng tuyển đã tốt nghiệp và xem bảng điểm. Có xếp loại vào bằng tốt nghiệp cũng  không giải quyết được gì.

Ý kiến

Nhiều chi tiết không cần thiết

Bằng tốt nghiệp của VN có nội dung tương đối dài dòng, phức tạp, trong đó có nhiều chi tiết không cần thiết. Trong khi bằng của New Zealand được trình bày chỉ trên một mặt giấy khổ A4, có các thông tin: tên, logo chính thức của trường, cấp cho ai, khóa học, tên khóa học, ngành học. Bên dưới là con dấu nổi và chữ ký, tên của hiệu trưởng.

 Trịnh Mai Hạnh 
(Du học sinh vừa nhận bằng thạc sĩ tại ĐH Victoria, New Zealand)

Nên ban hành quy đổi xếp loại

Về tên gọi, nếu Bộ GD-ĐT đã ban hành danh mục ngành đào tạo tiếng Việt thì phải kèm theo tiếng Anh. Về chuyên ngành, các trường phải chịu trách nhiệm. Về xếp loại nên ban hành quy đổi xếp loại giữa VN với một vài chuẩn phổ biến trên thế giới hoặc cần xây dựng lại cách xếp loại đúng với thông lệ phổ biến.

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình
(Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen)

Nên cấp 2 loại bằng

Tôi từng học tại Học viện Ngoại giao, trường có cấp đến 3 xác nhận theo 3 ngôn ngữ. Xác nhận miễn phí bằng tiếng Việt. SV có thể yêu cầu thêm xác nhận bằng tiếng Anh, cũng như tiếng Pháp (hoặc tiếng Hoa). Xác nhận này làm rất chuyên nghiệp, tiêu chuẩn và nhìn rất có giá trị. Vì vậy, trong giai đoạn hội nhập, nên cấp 2 bằng tốt nghiệp bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau.

Nguyễn Khoa Hồng Thành
(Phó giám đốc Công ty truyền thông Emerald)

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready