Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 02/01/2019

Tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Giờ học Ngoại ngữ tại Trường tiểu học số 2 Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Đức Minh cho biết khi có dự kiến về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD-ĐT đã ban hành các kế hoạch về đào tạo giáo viên theo lộ trình. Theo đó, từ năm 2019 bắt đầu bồi dưỡng cho giáo viên lớp 1 và các năm sau đó là bồi dưỡng cho giáo viên lớp 2 và lớp 6; lớp 3 lớp 7… Đội ngũ cốt cán sẽ được bồi dưỡng tập trung với sự chọn lọc theo chuẩn nghề nghiệp cần thiết cùng với các giảng viên ở T.Ư. Sau đó sẽ bồi dưỡng đại trà ở địa phương thông qua hệ thống quản lý trên internet và hỗ trợ của giáo viên cốt cán.

Khác với các cách thức tập huấn theo hình thức F1, F2… trước đây, giáo viên cốt cán không làm nhiệm vụ dạy lại mà chủ yếu tháo gỡ, kết nối, chía sẻ và kết nối với các giảng viên T.Ư để hỗ trợ các vấn đề của giáo viên địa phương. Giáo viên địa phương chủ yếu học và tự học thông qua mạng internet với gói bài giảng trên mạng.

“Với tất cả tinh thần chuẩn bị trước theo lộ trình, cùng với sự nỗ lực của giáo viên thì chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu”- ông Hoàng Đức Minh tin tưởng.

Đối với những vùng khó khăn, giáo viên sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ đội ngũ cốt cán nhưng vẫn lấy công nghệ thông tin (CNTT) làm nền tảng chính, cùng với các phương tiện thông tin khác, để học mọi lúc mọi nơi.

Ông Minh cũng cho biết thêm, theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới, năm 2020 bắt đầu từ lớp 1 và sau đó là lớp 6 nên Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo chọn giáo viên có kinh nghiệm nhất, có khả năng đáp ứng tốt nhất để dạy cuốn chiếu. Ở lớp 1 sẽ là các cốt cán và những giáo viên tốt nhất và sau đó, lớp 2 và lớp 6 cũng sẽ là những giáo viên có kinh nghiệm nhất.

Ở các địa phương, Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến các phương án cơ cấu giáo viên và cách tổ chức giáo viên sao cho hợp lý để không bị động trong vấn đề này. Bộ GD-ĐT đã cho rà soát, tính đến việc đào tạo lại, đồng thời phối hợp các tỉnh để có phương án đề xuất bổ sung kịp thời. Đối với những môn tự chọn ở phổ thông đã tính đến việc tuyển dụng kịp thời để phát huy tất cả các hoạt động, có thể triển khai phương án liên trường.

“Nguồn lực về đội ngũ giáo viên thì không lo thiếu, do chương trình mới sẽ có xu hướng giảm giáo viên. Đối với những môn học mới cũng đã có lộ trình để đào tạo, các trường sư phạm đã xây dựng những ngành đào tạo mới cho những môn học mới” - ông Hoàng Đức Minh chia sẻ.

Trước băn khoăn liệu triển khai tập huấn qua mạng có bảo đảm chất lượng hay không, ông Hoàng Đức Minh cho biết, cách thức tập huấn qua mạng đã được triển khai cách đây 4-5 năm khi làm Trường học kết nối. Bên cạnh đó, giáo viên đã tham gia và trải nghiệm rất nhiều dự án, chương trình sinh hoạt chuyên môn qua mạng. “Cho nên tổ chức bồi dưỡng qua mạng cùng các thiết bị CNTT đủ khả năng tương tác thì các giáo viên sẽ đủ nền tảng để đáp ứng đuọc yêu cầu tự học, tự bồi dưỡng” - ông Minh khẳng định.

Theo Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho Chương trình GDPT mới chính thức triển khai từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT hiện đang tiếp tục tổ chức và chỉ đạo các địa phương bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình GDPT mới; đồng thời thực hiện chương trình tăng cường năng lực của các trường sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.

Trên cơ sở Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, ngày 6-2-2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho "Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT" (Chương trình ETEP).

Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm do Chương trình ETEP đang hoàn thiện; tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác và Chương trình ETEP tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước.

Theo nhandan 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready