Thiếu tự học, khó đạt kết quả cao
Học sinh Trường trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trong giờ học nhóm - Ảnh: Đòa Ngọc Thạch
|
Thế nhưng cái chính mà nhiều phụ huynh và cả học sinh (HS) không chú ý là kết quả học tập chẳng phải ở sự đầu tư thật nhiều thời gian cho việc học thêm mà ở chỗ HS có tự xây dựng được phương pháp học tập thích hợp hay không.
Ở cấp độ THPT, để có phương pháp học thật tốt, cần chú trọng 3 yếu tố sau:
Không gian học tập riêng
Hay gọi nôm na là góc học tập. Thực ra không phải đến bậc THPT mới có không gian học tập riêng, mà ngay từ lúc tập viết những chữ đầu tiên đã được bố trí rồi. Nhưng nói hơi cường điệu thì nếu ở tiểu học thường là không gian mở (học tập gắn liền với sinh hoạt gia đình), thì đến bậc THPT cần có không gian đóng.
Các tiêu chí xây dựng góc học tập gồm: cách ly sự ồn ào, sinh hoạt của gia đình; đảm bảo ánh sáng, không khí thoáng mát; trang bị những học cụ cần thiết kết hợp với giải trí lành mạnh; trình bày, bố trí những kiến thức tạo ra sự trực quan sinh động... Ngoài ra phải chú ý đến kích cỡ của bàn ghế để có tư thế ngồi học thoải mái. Thực tế là nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến điểm này. Chỗ học của con em là bàn sinh hoạt chung của gia đình hoặc là giường ngủ của chúng. Thế nên các em thường mất tập trung, học hành qua quýt, hoặc là nằm học để rồi chóng ngủ và kiến thức chẳng đọng lại gì.
Thời gian biểu hợp lý
Thời gian biểu này là sự kết hợp và phân chia một cách khoa học toàn bộ thời gian sinh hoạt, học tập. Trong đó có thời khóa biểu học ở trường, các buổi học ở ngoài, học năng khiếu... Thời gian biểu càng chi tiết (sáng - trưa - chiều - tối) thì càng hiệu quả. Phải có sự sắp xếp hợp lý giữa học tập, vui chơi, giải trí. Thời gian biểu phải phản ánh được những mục tiêu nào đó mà người học cố gắng đạt được với từng giai đoạn cụ thể chứ không phải chỉ đơn giản giải quyết những yêu cầu trước mắt. Đối với HS, phải coi đây là mục tiêu để phấn đấu và cố gắng hoàn thành. Để từ đó xây dựng lại thời gian biểu ở mức yêu cầu cao hơn. Đối với phụ huynh, thời gian biểu là cơ sở để kiểm tra việc học của con mình, chứ không phải như thực tế một số cha mẹ HS, vì quá bận tâm đến công việc, mà ngay cả hôm nay con mình học gì ở trường cũng không biết, không biết hỏi ai...
Tạo phương pháp tự học
Thực tế chứng minh rằng những người thành công trong việc học là những người có phương pháp tự học. Câu chuyện của phụ huynh nói trên, rằng con em họ học hết cả thời gian tại trường, tại trung tâm mà vẫn không tấn tới là bởi vì thiếu sự tự học.
Tự học giúp HS chủ động mày mò, tìm hiểu, phát hiện, kiểm chứng tri thức. Lúc đó các em sẽ hiểu và nhớ kiến thức tốt hơn, chứ không phải học hết cả thời gian sáng chiều nhưng vẫn chỉ là sự thụ động tiếp thu một chiều. Tự học được xây dựng trên đặc trưng của từng bộ môn nhất định. Nhưng nói chung đó là từ sự tiếp thu kiến thức từ giáo viên đến việc vận dụng nó để giải quyết bài tập, bài thực hành và khả năng tự sử dụng sách tham khảo, sách nâng cao...
Để đánh giá lực học của một HS chỉ cần nhìn vào 3 mức này đã thấy rõ: HS yếu, trung bình thường ở mức độ mơ hồ và hiểu được kiến thức giáo viên truyền đạt; HS khá có thể giải quyết tốt các yêu cầu bài tập thực hành; trong khi đó HS giỏi thì có thể tự học những kiến thức ở sách nâng cao.
Ngoài việc dành bao nhiêu thời gian cho việc tự học, HS phải lưu ý khi sử dụng sách tham khảo. Nó là con dao 2 lưỡi. Cách sử dụng tốt nhất là lựa chọn tài liệu đủ độ tin cậy. Nên nhớ rằng nó là tài liệu bổ trợ kiến thức chứ không thay thế được cho sách giáo khoa, bài giảng của giáo viên. Sử dụng nó khi đã thông hiểu, giải quyết hết những kiến thức, những yêu cầu ở trường; không lấy nó làm công cụ đối phó, trợ giúp cho việc học... Chỉ khi ấy thì tài liệu tham khảo mới hữu ích cho việc tự học.
Ba lời khuyên về các yếu tố trên rất cần thiết cho HS, như một cái kiềng 3 chân, thật vững chắc để có được hiệu quả trong học tập. Việc còn lại là phải biết cách đặt nồi lên để có những bát cơm chín tới ngon lành.
Theo thanhnien