Thiếu giảng viên hướng dẫn thực hành
Việc thực hành tại trường rất quan trọng để giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn đáp ứng công việc thực tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Giảng viên lý thuyết kiêm luôn thực hành
Vì Bộ GD-ĐT không có văn bản quy định cụ thể số lượng, trình độ giảng viên (GV) thực hành nên hầu hết GV các trường ĐH lâu nay đều vừa dạy lý thuyết vừa kiêm luôn hướng dẫn thực hành. Chỉ có một số trường có những ngành kỹ thuật, trang bị phòng thí nghiệm, nhà xưởng mới có bộ phận GV thực hành chuyên sâu riêng.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Đúng là GV thực hành hiện nay còn một số hạn chế. Các ngành thuộc khối kinh tế thì GV vừa dạy lý thuyết vừa hướng dẫn bài tập, thực hành luôn. Chỉ khối công nghệ mới có thêm GV thực hành riêng, vì những ngành này đòi hỏi kiến thức chuyên môn về máy móc, thiết bị cũng như tay nghề cao…”.
Ngay cả ở các ngành kỹ thuật, việc thực hành cũng hết sức hạn chế. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định: “Giờ thực hành ở đa số các trường đều quá ít, thiết bị lạc hậu. GV thì chỉ dạy trong trường, cứ dùng mãi kiến thức đó, máy móc đó năm này qua năm khác, không làm nghề thực tế bên ngoài nên không cập nhật, nắm bắt được sự thay đổi. Cuối cùng thì sinh viên ra trường vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
Cán bộ quản lý đào tạo của một trường ĐH ngoài công lập thừa nhận: “Một số trường ĐH nghĩ ra cách giữ sinh viên vừa tốt nghiệp để đảm nhận các tiết thực hành cho sinh viên. Chuyên môn của họ chưa vững, kinh nghiệm thực tế cũng không có, làm sao đáp ứng được yêu cầu?”.
Phải tạo cơ chế cho giảng viên trải nghiệm
Nếu như có trường chọn cách giữ sinh viên mới tốt nghiệp lại làm GV hướng dẫn thực hành, thì một số trường lại mời những người có kinh nghiệm đang làm việc tại doanh nghiệp về để giúp sinh viên tiếp cận với những đổi mới bên ngoài. “Cả hai cách này đều chưa giải quyết được tận gốc việc sinh viên tốt nghiệp vẫn phải đào tạo lại từ đầu, vì chỉ đáp ứng được khoảng 30% yêu cầu về kỹ năng làm việc”, vị cán bộ trường ĐH dân lập trên nói.
Vị cán bộ này nêu quan điểm, các trường cần phải tăng tiết thực hành lên. Hãy tạo điều kiện cho GV được ra ngoài làm việc, thường xuyên xuống doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt công nghệ mới, nâng cao chuyên môn, thu thập những tình huống thực tế có ích cho các bài học…
Còn việc mời chuyên gia bên ngoài vào nói chuyện chuyên đề thì tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng chỉ được vài buổi, không thường xuyên, cũng không phải hướng dẫn thực hành gì. “Phải có dạy trải nghiệm, học trải nghiệm thì mới được. Nghĩa là GV phải được trải nghiệm thực tế để có kiến thức nóng hổi cho sinh viên… Ngay cả môn lý thuyết cũng phải có những tiết thực hành. Tuy nhiên, ở nhiều trường trang thiết bị thiếu, lớp quá đông, không đạt yêu cầu”.
Tiến sĩ Dũng lấy ví dụ về các trường ĐH ở nước ngoài có sự phân loại GV rõ ràng. Đó là GV lý thuyết gồm những người có học hàm học vị cao như tiến sĩ, giáo sư, còn trợ giảng sẽ hướng dẫn sinh viên làm bài tập, thực hành… “Những tiết học lý thuyết có thể một lớp lên tới hàng trăm sinh viên, nhưng đến giờ thực hành thì mỗi nhóm chỉ có 30 em. Trong khi ở ta, giờ lý thuyết cũng như giờ thực hành, quá đông sinh viên mà GV vẫn chỉ có một. Cần phải tăng cường lực lượng GV này lên”, ông Dũng cho biết thêm.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng những ngành có GV chuyên trách việc thực hành thì không cần phải có học vị cao, quan trọng nhất là tay nghề giỏi, có kinh nghiệm thực tế và được tạo điều kiện tăng thêm thu nhập để họ gắn bó với trường. Hiện nay một giờ hướng dẫn thực hành GV chỉ được chi trả bằng 60 - 80% một giờ dạy lý thuyết.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, GV được yêu cầu mỗi năm phải có 300 giờ hoạt động hỗ trợ giảng dạy, trong đó phải có những khoảng thời gian thực tế bên ngoài để tăng khả năng hướng dẫn thực hành. Ngoài ra, GV cũng được tạo điều kiện để làm thêm tại doanh nghiệp, làm dự án… để có thêm kinh nghiệm.
Theo thanhnien