Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 27/09/2016

Thi THPT Quốc gia 2017: Thầy, trò đều hoang mang!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chủ đề thi THPT Quốc gia cuối tuần qua bỗng nhiên “nóng” lên khi thông tin TPHCM đề xuất Bộ G&ĐT cho nơi đây được thi và xét tốt nghiệp riêng bắt đầu từ năm 2017. Theo đó, TPHCM sẽ tổ chức thi và xét tốt nghiệp năm 2017 trong ngày 2 và 3/6/2017 với thi 3 môn: Ngữ văn (120 phút), Toán: 120 phút, Ngoại ngữ: 90 phút (đối với hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế).

Nghe đến thay đổi này, Lương Hải Yến, học sinh lớp 12A1 trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM tỏ ra hoang mang khi kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến nhưng liên tục nhận hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Thấy Dự thảo thi của Bộ GD&ĐT chuyển môn Toán, Sử và Địa từ tự luận qua trắc nghiệm, các bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội em đã thấy bất ổn rồi nay lại nghe TPHCM tổ chức thi riêng để xét tốt nghiệp. Em không biết nên tin vào đâu”, Yến nói và cho biết rất mong sớm có quyết định chính thức để học sinh ổn định tâm lý, từ đó có định hướng ôn tập, làm quen với cách thi mới.

Loay hoay phương pháp dạy

Thầy Trần Văn Quỳnh, Tổ phó tổ Toán trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM cho biết, với những thay đổi này các giáo viên lâu năm có thể thích nghi được nhưng nhiều giáo viên trẻ, kinh nghiệm chưa có rất vất vả để truyền đạt cho học sinh kiến thức. “Nếu thi trắc nghiệm thì phương pháp học sẽ thay đổi, các bài tập, bài thi sẽ chuyển sang dạng câu hỏi trắc nghiệm, điều này đòi hỏi phải có thêm nhiều kỳ thi thử để học sinh làm quen”, thầy Quỳnh phân tích.

Cô Nguyễn Thị Thu Oanh, giáo viên môn Giáo dục Công dân (GDCD) trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh lo lắng bởi môn này lâu nay gần như bị lãng quên thì nay được “gọi tên” trong thi cử khiến cô trò trở tay không kịp.

Theo cô Oanh, môn GDCD là môn học đại cương, kiến thức nào cũng liên quan chút ít nên bình thường dạy rất khó, học sinh thì không hứng thú, xem nhẹ. “Trong chương trình học 12, môn GDCD 1 tuần chỉ có 1 tiết, trong khi mỗi bài học 3- 4 tiết nên hiện chưa biết phải dạy thế nào, trọng tâm ra sao để học sinh có kiến thức đi thi. Giáo viên và học sinh chúng tôi hiện nay rất bị động”, cô Oanh lo lắng và kiến nghị trước khi đổi mới cần phải có lộ trình cụ thể chứ không thể đùng phát làm ngay được.

Cô  Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, quận 1 cho biết, trước những thay đổi của kỳ thi sắp tới nhà trường đã nhiều lần làm công tác tư tưởng, trấn an tâm lý cho phụ huynh và học sinh. Nơi đây cũng mời một giảng viên dạy Toán của trường Đại học Sư phạm TPHCM đến tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học và ra đề theo hình thức trắc nghiệm.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready