Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 19/06/2017

Thi THPT quốc gia 2017: Lo ngại sự chủ quan của giám thị

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại tỉnh Ninh Bình.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại tỉnh Ninh Bình.
PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga liên quan kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã đến rất gần. Các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã kiểm tra tại một số địa phương. Cho đến thời điểm này, đánh giá của ông về chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia như thế nào?

Ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của Bộ đã đi kiểm tra tình hình tổ chức thi ở một số địa phương. Nhận định chung là các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi gồm đầy đủ đại diện của các ban ngành và lãnh đạo các huyện, trường ĐH tham gia phối hợp.

Các địa phương cũng đã quan tâm đặc biệt đến công tác in sao đề thi, chuẩn bị chu đáo nhân lực và phương tiện kỹ thuật để đảm bảo in sao đúng kế hoạch và an toàn tuyệt đối. Việc tập huấn cán bộ tham gia công tác thi năm nay cũng được thực hiện rất chu đáo. Các Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nhiều lần, quán triệt những điểm mới, những điểm cần lưu ý khi tác nghiệp. Qua kiểm tra Bộ cũng đã nhắc các địa phương tập huấn thêm một lần nữa ngay tại điểm thi ngày 21/6 tới để tránh những sai sót. Lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi, không đọc kỹ qui chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng gây sự cố đáng tiếc…

Qua thực tế tại một số tỉnh, thành có thể thấy vẫn còn một số vấn đề chưa yên tâm liên quan đến bảo mật đề thi và tổ chức coi thi; một số điểm thi khá biệt lập như điểm thi trên đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô của Quảng Ninh… Chỉ đạo của Bộ cũng như khắc phục của địa phương về vấn đề này như thế nào?

Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi được thực hiện theo qui trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi. Tất cả những người được giao nhiệm vụ liên quan đến đề thi đều biết rằng, đề thi của kỳ thi THPT quốc gia khi chưa sử dụng là tài liệu mật nên khi thực hiện nhiệm vụ phải hết sức cẩn trọng. Những điểm thi xa nơi in sao phải nhận cùng lúc tất cả các đề thi để tập kết về điểm thi. Tại đây đề thi được những người có trách nhiệm gìn giữ cả ngày lẫn đêm. Qua các đợt kiểm tra, Ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của Bộ cũng lưu ý các địa phương tổ chức điểm thi thuận lợi nhất cho thí sinh ở những vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, cù lao… Các địa phương cũng đã dự phòng các phương án xử lý những tình huống khi có thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi cũng như việc đi lại của thí sinh, cán bộ coi thi tại những điểm thi này.

Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo thi của Bộ cũng như của các tỉnh thành còn điều gì chưa thực sự yên tâm, đặc biệt trong việc coi thi ở các bài thi tổ hợp? 

Sự khác biệt chủ yếu liên quan đến qui định coi thi các bài thi tổ hợp. Đây là điểm mới năm nay mà Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐSP tập huấn kỹ cán bộ làm nhiệm vụ coi thi. Những lưu ý quan trọng liên quan đến cách thức phát đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, kiểm tra mã đề thi của thí sinh, thu đề thi, giấy nháp các môn thi thành phần (trừ môn thi cuối của bài thi tổ hợp). Theo qui chế thì khoảng thời gian từ khi kết thúc môn thi thành phần thứ nhất đến khi bắt đầu làm bài thi môn thành phần thứ hai là 20 phút. Khoảng thời gian này khá dài để giám thị và thí sinh thực hiện các công việc chuẩn bị môn thi tiếp theo. Thí sinh tự do có thể không thi hết tất cả các môn thành phần của bài thi tổ hợp nên qui chế qui định các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những thí sinh này.

Trước đây địa phương đã chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều ý kiến nghi ngờ độ tin cậy của kỳ thi. Năm nay khi giao cho địa phương chịu trách nhiệm chính tổ chức kỳ thi liệu kết quả của kỳ thi có đảm bảo tin cậy, khách quan để các trường ĐH sử dụng trong tuyển sinh?

So với kỳ thi tốt nghiệp THPT mà địa phương chủ trì những năm trước đây thì phương thức tổ chức, điều kiện kỹ thuật thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm nay khác rất nhiều. Trừ môn văn, các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; chấm thi được thực hiện bằng máy quét; hội đồng thi, công tác coi thi có sự phối hợp giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học. Mỗi phòng thi năm nay chỉ có 24 thí sinh, ít hơn những năm trước (30-40 thí sinh/phòng thi) nên các cán bộ coi thi có thể quán xuyến phòng thi tốt hơn. Ngoài ra, chính thí sinh cũng tham gia giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi. Cũng như những năm trước, qui chế năm nay qui định thí sinh có thể mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Thí sinh có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật được phép mang vào phòng thi này để ghi nhận chứng cứ và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý. Tất cả những điều kiện đó đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, kết quả khách quan, trung thực để các trường ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển.

Cảm ơn ông.

“Trừ môn văn, các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; chấm thi được thực hiện bằng máy quét; hội đồng thi, công tác coi thi có sự phối hợp giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học”.   

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready