Thi THPT quốc gia 2017: Đề xuất thành lập các trung tâm in sao đề thi
Quy định, các địa phương lo khâu in sao đề không phải là chuyện mới tuy nhiên, điểm mới của kỳ thi năm nay là đối với 2 tổ hợp môn KHTN và KHXH thí sinh sẽ thi 3 môn cùng lúc/ 1 buổi thi. Bên cạnh đó, mỗi phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau do đó nhiều địa phương khá lo lắng.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, năm nay thí sinh thi nhiều môn trong một buổi, mỗi phòng thi có nhiều mã đề nên địa phương khá lo lắng khâu in sao đề.
Theo ông Trung, năm nay việc in sao sẽ vất vả, tốn kém và nhiều bất trắc hơn. Cụ thể, trước đây khi chưa thi nhiều môn trắc nghiệm, nhiều mã đề như năm nay địa phương huy động 8-10 người lo việc này mà cũng “toát mồ hôi” vì lo cho đến môn thi cuối cùng. Ông Trung cho rằng, năm nay tuy chưa có kế hoạch cụ thể nhưng nếu bộ vẫn chốt phương án mỗi địa phương tự lo khâu in sao đề sẽ phải huy động lực lượng lớn hơn để đảm bảo chặt chẽ tất cả các khâu. Thời điểm này, tuy Bộ GD&ĐT chưa chốt phương án chính thức nhưng lo lắng nên sở cũng đã gửi công văn lên Ủy ban tỉnh để xin ý kiến về các đầu việc, trong đó có phương án cơ sở vật chất, khâu tổ chức, kinh phí để mua sắm máy móc, thiết bị chuẩn bị cho việc in sao đề cũng như chấm thi.
Ông Trung cũng phân tích, việc các địa phương tự in sao đề sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc đặt hàng các trường ĐH như mọi năm. Ông lấy ví dụ, năm trước, địa phương đặt hàng cho hai trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Tôn Đức Thắng chỉ hết số tiền khoảng 50 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tổ chức in sao đề, cán bộ phải cách ly, đảm bảo chỗ ăn ở nhiều ngày thì với số tiền trên không thể làm được”, ông Trung nói.
Ông Lưu Hải Tiền, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ, trong nhiều khâu tổ chức thi năm nay địa phương khá lo lắng khâu in sao đề. Theo ông Tiền, không phải địa phương chưa có kinh nghiệm in sao đề nhưng năm nay là năm có nhiều điểm mới, trong đó, có buổi thi 3 môn cùng lúc, mỗi môn thi có 24 mã đề dễ khiến người tổ chức lo lắng, rối trí dẫn đến làm sai. “Mà những việc liên quan đến đề thi, sai hay trộn nhầm lẫn một chi tiết nhỏ cũng có hậu quả lớn nên địa phương không thể không lo lắng”, ông Tiền nói.
Đề xuất trung tâm in sao đề
Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Tỉnh Tây Ninh ông Nguyễn Hữu Tài cũng cho rằng, đối với các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều kinh nghiệm trong việc này có thể không lo lắng nhưng đối với các địa phương máy móc, con người vận hành chưa chuyên nghiệp không thể tránh mối lo. Vì vậy, năm nay bộ nên thành lập một số trung tâm in sao đề thi đặt tại các tỉnh. Địa phương nào đủ kinh nghiệm, máy móc, con người để tự lo liệu được thì thôi còn địa phương nào còn trăn trở, băn khoăn có nhu cầu sẽ đặt số lượng đề cho các trung tâm này. Khi in xong, địa phương chỉ việc lo khâu vận chuyển, cất giữ đề thi.
Ông Nguyễn Hữu Trung cũng cho rằng, nếu phương án thành lập các trung tâm in sao đề thi đặt rải rác ở các địa phương được bộ phê duyệt, địa phương cũng sẽ ủng hộ phương án đặt hàng đề thi. Như vậy, sẽ giảm được rất nhiều kinh phí cũng như nhân lực cho khâu in sao đề và chỉ tập trung sức lực vào lo các khâu khác. Được biết, trong góp ý cho dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, một số địa phương đã kiến nghị, đề xuất với bộ có giải pháp cho các địa phương còn băn khoăn, lo lắng về việc này.
Theo tienphong