Thi THPT quốc gia 2017: Chọn bừa một đáp án có thể trượt tốt nghiệp
Các đề thi minh họa (được công bố vào ngày 5/10/2016), đề thi thử nghiệm (được công bố vào ngày 20/1/2017) và hôm qua là đề tham khảo, đều được thực hiện theo cùng một quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa của Bộ GD&ĐT. Mỗi đề thi sẽ đảm bảo khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để đánh giá học sinh đạt kết quả tốt nghiệp THPT (ở mức độ nhận thức: nhận biết và thông hiểu), 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh (ở mức độ nhận thức: vận dụng và vận dụng cao).
Đề tham khảo được cấu trúc theo bài thi. Bài thi KHTN, KHXH 120 câu; trong đó, mỗi môn thi thành phần là 40 câu, sắp xếp theo thứ tự, Bài thi KHTN (Môn thi Vật lí: từ câu 1-40; môn thi Hóa học: từ câu 41- 80; môn thi Sinh học: từ câu 81-120); Bài thi KHXH (Môn thi Lịch sử: từ câu 1-40; môn thi Địa lí: từ câu 41- 80; môn thi GDCD: từ câu 81-120).
Điểm khác biệt lớn nhất của đề thi năm nay so với đề thi các môn thi trắc nghiệm các năm trước là các câu hỏi được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó ở tất cả các mã đề (đối với các môn ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi sẽ được bố trí tối ưu nhất theo quy luật trên).
Việc sắp xếp các câu hỏi trong đề thi như thế sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh làm bài thi theo tuần tự các câu hỏi mà không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề thi và tạo cảm hứng cho các em làm trong quá trình bài thi. Đặc biệt, việc sắp xếp các câu hỏi thi trong đề thi như vậy sẽ đánh giá sát thực hơn nữa năng lực của các thí sinh, từ đó phân loại được học sinh.
Để có được đề thi chuẩn hóa, quy trình làm đề của Bộ như thế nào? Đề đã được thử nghiệm mấy lần và cho đến giờ, ngân hàng câu hỏi của Bộ ra sao?
Ngay sau khi công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2107, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho xây dựng đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Từ việc ra câu hỏi thô, rồi từ câu hỏi thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, phải trải qua các vòng biên tập, thẩm định, thử nghiệm câu hỏi, tinh chỉnh, thử nghiệm đề thi,...
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác thử nghiệm câu hỏi thi, đề thi đã hoàn thành, Bộ đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đảm bảo kịp tiến độ phục vụ kỳ thi chính thức vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, khi tổ chức kỳ thi chính thức Bộ GD&ĐT sẽ thành lập Hội đồng đề thi gồm các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi để làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn, chính thức chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng đề thi phục vụ cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Đây là lần công bố cuối cùng trước khi bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ông có lời khuyên gì cho thí sinh và các Sở GD&ĐT?
Các đề minh họa của Bộ GD&ĐT có định dạng, cấu trúc như nhau; các câu hỏi trong đề tham khảo (trong mỗi mã đề thi chính thức cũng vậy) được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó.
Các đề thi do máy tính tự động rút và sắp xếp đáp án, do đó rất có thể có những phương án lựa chọn A hoặc B hoặc C hoặc D của một số mã đề sẽ chỉ có khoảng 10% là số là đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó. Vì vậy, nếu thí sinh cứ “chọn bừa” tất cả bài thi là một phương án thì có thể vô tình chọn vào phương án chỉ có 10% đáp áp là đúng, như vậy các em chỉ được 1,0 điểm môn đó và sẽ đến bị điểm liệt môn thi này, không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do đó, các em cần bám sát cấu trúc, định dạng của các đề thi do Bộ GD&ĐT đã công bố để tập trung ôn tập, trau dồi kiến thức thật tốt; đồng thời rèn luyện thêm kỹ năng làm bài thi thì sẽ đạt kết quả tốt nhất mà không cần tham gia các khóa, “lò” ôn luyện cấp tốc,.. Khi làm bài thi, cứ làm tuần tự từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng của đề thi.
Các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề tham khảo là những tài liệu hữu ích đối với học sinh, giáo viên trong quá trình ôn tập. Bộ đã yêu cầu các sở GD&ĐT phổ biến các đề thi này tới các trường THPT, trung tâm GDTX, tới giáo viên và học sinh trong phạm vi quản lý; đồng thời, các đề thi này được Bộ GD&ĐT, các báo đăng tải trên mạng điện tử. Đề thi minh họa lần này giống với đề thi THPT quốc gia sắp tới. Chính vì vậy, các Sở GD&ĐT cũng có thể tham khảo, có kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, máy móc thiết bị để in sao đề. Thực tế, các sở có 12 ngày để in sao. Năm nay, đề trắc nghiệm nhiều nên khối lượng công việc sẽ lớn hơn.
Cảm ơn ông.
Các đề thi do máy tính tự động rút và sắp xếp đáp án, do đó rất có thể có những phương án lựa chọn A hoặc B hoặc C hoặc D của một số mã đề sẽ chỉ có khoảng 10% đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó. Vì vậy, nếu thí sinh cứ “chọn bừa” tất cả bài thi là một phương án thì có thể vô tình chọn vào phương án chỉ có 10% đáp áp là đúng, như vậy các em chỉ được 1,0 điểm môn đó và sẽ đến bị điểm liệt môn thi này, không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo tienphong