Thầy thuốc của đồng bào Pa Cô ở Miền biên viễn Pa Ling
Giữa mênh mông đại ngàn, trong thiếu thốn bộn bề, Thiếu tá Trần Minh Vũ (y sĩ Đồn Biên phòng A Vao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) lần lượt chào đón các 'thiên thần bé nhỏ' trên đôi tay của mình. Với việc đặt tên Biên Cương, Biên Thùy, Hòa Bình, Độc Lập, Hạnh Phúc, anh gửi gắm vào đó những hy vọng, các cháu sẽ khỏe mạnh, học tập tốt, trở thành người có ích cho xã hội, cùng Bộ đội Biên phòng xây dựng 'phên giậu quốc gia' ngày càng giàu mạnh.
Ở một nơi... rất khác
Cho đến tận bây giờ, thôn Pa Ling (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vẫn là nơi khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh Quảng Trị. Xa không hẳn vì tính bằng quãng đường mà vì sự cách trở phải vượt qua khi muốn tới nơi này. Người ta ngại vào Pa Ling vì đường mùa hè bụi mù với vô số ổ voi, ổ trâu, ổ gà, còn mùa mưa đường sạt, nước ngập sẽ trở thành ốc đảo. Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao kể, sau trận mưa lũ lịch sử tháng 10-2020, suốt mấy tháng liền, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải gùi hàng qua chỗ sạt lở. Người dân đi nhận hàng cứu trợ cũng vậy. Đoạn nào đi được xe thì đi, còn đâu cứ thế mà “lấy sức người vượt sức thiên nhiên”. Tháng 5-2023, đường bê tông từ trung tâm xã A Vao vào Pa Ling đã thông tuyến, thế nhưng ai cũng biết rằng sẽ sạt lở vì những cơn mưa rừng tầm tã, không ngớt và mọi thứ lại như trước.
Những điều mà Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh kể khiến chúng tôi nghĩ “phải làm gì nếu bộ đội hoặc nhân dân ốm đau” cho đến khi đứng trước Trạm Quân dân y Pa Ling. Phụ trách trạm là Thiếu tá Trần Minh Vũ - người có gần 30 năm làm nghề y, đã lên rừng, xuống biển trước khi về bản giáp biên này. Trạm nằm độc lập ngoài bìa rừng, một mình anh trực nên mọi người vẫn nói vui rằng, anh giàu nhất đồn vì một mình sở hữu cả “bệnh viện tư” ở Pa Ling. Câu nói ấy cũng không phải là quá vì với đồng bào Pa Cô ở miền biên viễn này, trạm chẳng khác gì “bệnh viện đa khoa”. Trạm có đủ phòng khám, điều trị, nội trú, bệnh nhân được y sĩ Trần Minh Vũ thăm khám, điều trị, chỉ có những ca nặng mới phải chuyển lên tuyến trên.
Ở đâu cũng vậy, chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên nhưng hủ tục vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào không dễ gì thay đổi. Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh bảo rằng, Đồn Biên phòng A Vao, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhiều và hiệu quả nhất vẫn là hành động thực tế. Những ca “chữa bệnh, cứu người” nhất là khi ở lằn ranh “sống-chết” đã giúp bà con nhận ra rằng, khi ốm đau cần tìm thầy thuốc thay vì thầy cúng, thế nhưng có những quan niệm cổ hủ vẫn còn tồn tại. Người Pa Cô ở Pa Ling quan niệm, phụ nữ sinh con không được ở trong nhà. Đến ngày gần sinh, gia đình sẽ làm cho 1 cái chòi nhỏ để “vượt cạn”. Chao ơi, điều ấy thật khó có thể tưởng tượng ra đối với những người đã từng sinh nở, dù trong điều kiện ở thành phố, có bác sĩ chuyên khoa, máy móc và người thân lúc nào cũng túc trực.
Và thế là, câu chuyện “đỡ đẻ cho đồng bào” tưởng chừng như chỉ có cách đây 10, 20 năm thì nay vẫn diễn ra ở Trạm Quân dân y Pa Ling này. Thiếu tá Trần Minh Vũ đã lần lượt đón các thiên thần nhỏ đến với thế giới trên đôi tay của mình. Trộm vía, ca sinh nào y sĩ Vũ đỡ cũng thuận lợi, đứa trẻ nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đáng yêu. Có lẽ bởi nội lực sẵn có của đứa trẻ sinh ra giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng nhìn xa hơn là bởi sau khi sinh, Thiếu tá Trần Minh Vũ đều quan tâm, hướng dẫn bố mẹ chăm sóc các cháu đúng cách.
Đối với những người lính Biên phòng, việc làm cho dân là vì tình thương, trách nhiệm và nó như một điều đương nhiên, không tính toán, không cần phải nhớ. Tất nhiên, bà con luôn biết ơn những gì người lính Biên phòng đã làm cho họ. Thật trân quý, giá trị biết bao tấm lòng của người lính Biên phòng ở nơi rất khác này.
Theo: Báo mới