Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 28/04/2016

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 5/2016

1. Tìm hiểu về: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và của từng địa phương; được tổ chức vào thời điểm cả nước đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra đối với cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đây cũng là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cuộc bầu cử là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các đại biểu, đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Vì thế, việc bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tham gia của người dân là để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Quyền và nghĩa vụ của cử tri

Theo quy định pháp luật, đặc biệt là của Luật số 85/2015/QH13 bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri:

a. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri;

b. Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri;

c. Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

d. Cử tri được quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

e. Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, hoặc là người khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Để có thể lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cần làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm Quyền và nghĩa vụ của cử tri; Quyền, nghĩa vụ bầu cử và ứng cử cũng như Quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu của công dân theo quy định của pháp luật; bảo đảm cuộc bầu cử thực sự là một đợt sinh hoạt dân chủ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

2. Phong trào hành động

          - Tuyên truyền và thông tin cho đoàn viên, thanh niên về lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; vị trí vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị; công tác chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

- Các cơ sở Đoàn tiến hành tổ chức các hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2016); 75 năm ngày thành lập Đội TNCS Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2016) và kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2016).

- Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn.

- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay.

- Chuẩn bị mọi thủ tục để tiếp nhận ĐVTN ở các trường học về sinh hoạt hè tại địa phương, đồng thời tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút ĐVTN tham gia sinh hoạt (VHVN - TDTT; cắm trại; về khu căn cứ cách mạng; thăm hỏi và giúp đỡ các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng…).

- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tổ chức tham gia vận động tương trợ giữa địa phương và nhà trường. Đồng thời tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về mọi mặt.

- Tăng cường đội an ninh xung kích bảo vệ trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra trong mùa mưa lũ. Đẩy mạnh hoạt động đội, nhóm vay vốn, đổi công,… hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình.

- Đa dạng hóa các loại hình hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội.

- Các cơ sở Đoàn tổ chức tiến hành thống kê số liệu tổ chức của đơn vị mình để kịp thời báo cáo lên Đoàn cấp trên.

3. Sổ tay nghiệp vụ

Tìm hiểu về: “Công tác quản lý đoàn viên”

3.1. Quản lý đoàn viên về tổ chức

Mỗi đoàn viên phải có sổ đoàn viên, huy hiệu đoàn, thẻ đoàn viên theo mẫu do BCH Trung ương Đoàn ban hành.

* Hồ sơ và quản lý đoàn viên

- Hồ sơ đoàn viên là sổ đoàn viên theo mẫu do Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành.

- BCH chi đoàn phải có sổ chi đoàn theo mẫu do Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành.

- BCH Đoàn cơ sở phải có sổ quản lý đoàn viên thanh niên; sổ theo dõi kết nạp đoàn viên, trao thẻ đoàn viên; sổ giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đoàn.

- Hàng năm, BCH chi đoàn có trách nhiệm ghi nhận xét ưu, khuyết điểm, khen thưởng, kỷ luật và kết quả phân loại đoàn viên vào sổ của từng đoàn viên.

- Chi đoàn, Đoàn cơ sở hàng quý; Đoàn cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương 6 tháng, 01 năm có trách nhiệm báo cáo đầy đủ tình hình công tác đoàn viên của đơn vị mình cho Đoàn cấp trên quản lý trực tiếp.

- Đoàn viên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền của đoàn viên ở cơ sở quản lý hồ sơ đoàn viên, đồng thời có nhiệm vụ các hoạt động Đoàn nơi học tập công tác và nơi cư trú.

          Khi tham gia sinh hoạt, hoạt động Đoàn nơi cư trú, đoàn viên được tham dự và đóng góp ý kiến tại Đại hội, Hội nghị của chi đoàn. Trường hợp cần thiết về công tác cán bộ, nếu có tín nhiệm để bầu vào cơ quan lãnh đạo thì phải chuyển hồ sơ đoàn viên về nơi đó trước khi được bầu.

          - Đoàn viên là đảng viên phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền của người đoàn viên (kể cả nhiệm vụ đóng đoàn phí).

- Đoàn viên, chi đoàn và Đoàn cơ sở đều có trách nhiệm bảo quản sổ đoàn viên cẩn thận không để hư hỏng, mất mát.

- Nơi quản lý hồ sơ là Đoàn cơ sở hoặc chi đoàn cơ sở.

* Sử dụng huy hiệu Đoàn

- Cán bộ, đoàn viên đeo huy hiệu Đoàn vào các ngày lễ Đoàn, lễ kết nạp đoàn viên và các sinh hoạt, hội họp của Đoàn.

- Khuyến khích đoàn viên đeo huy hiệu Đoàn trong giờ làm việc.

* Thẻ đoàn viên

- Thẻ đoàn viên có giá trị chứng nhận tư cách đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do BCH Trung ương Đoàn thống nhất phát hành.

- Đoàn viên được cấp thẻ trong lễ kết nạp hoặc chậm nhất không quá 01 tháng kể từ ngày được kết nạp vào Đoàn. Việc cấp thẻ đoàn viên do Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện quyết định.

- Thẻ đoàn viên được dùng để đăng ký tham gia sinh hoạt Đoàn tạm thời và trình khi cần.

- Đoàn viên không được cho người khác mượn thẻ; Khi trưởng thành Đoàn, đoàn viên được giữ lại thẻ đoàn viên.

- Đoàn viên bị kỷ luật khai trừ thì bị thu hồi thẻ; Đoàn viên sử dụng thẻ sai mục đích thì tùy mức độ bị xem xét kỷ luật. BCH chi đoàn, BTV Đoàn cơ sở có trách nhiệm thu hồi thẻ và nộp cho Đoàn cấp huyện quản lý.

- Trung ương Đoàn quản lý số lượng và số hiệu thẻ đoàn viên trên toàn quốc. Các cấp bộ Đoàn quản lý số lượng và số hiệu thẻ đoàn viên của địa phương, đơn vị mình.

3.2. Quản lý đoàn viên về tư tưởng

- Thường xuyên kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của đoàn viên thanh niên. Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên; kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc và định hướng giúp đỡ đoàn viên vượt qua những khó khăn về tư tưởng, sửa chữa những lệch lạch trong suy nghĩ của đoàn viên.

- Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, nhất là đoàn viên mới, giúp đoàn viên học tập và tìm hiểu rõ lý tưởng cách mạng của Đảng, của Đoàn, nhiệm vụ của người đoàn viên.

- Tạo điều kiện để đoàn viên được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành

3.3. Quản lý đoàn viên về công tác và sinh hoạt

- BCH chi đoàn cần phân công nhiệm vụ cho từng đoàn viên, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá kết quả công tác hàng tháng của từng đoàn viên. Kịp thời biểu dương những đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và kịp thời góp ý kiến phê bình đoàn viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thông qua việc triển khai thực hiện chương trình “Rèn luyện đoàn viên gắn với xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” để phân công công tác cho đoàn viên đảm bảo thực hiện tốt quá trình đăng ký và kết quả thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên.

- Đoàn viên thực hiện nhiệm vụ và quyền của đoàn viên ở cở sở, đồng thời có trách nhiệm tham gia các hoạt động ở địa bàn dân cư, nơi cư trú đối với các nội dung và biện pháp cụ thể:

+ Đối với Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở nơi đoàn viên công tác: Lập danh sách đoàn viên của đơn vị mình, giới thiệu về nơi cư trú sinh hoạt, có công văn giới thiệu đoàn viên về tham gia phong trào tại nơi cư trú. Lập hồ sơ theo dõi và kiểm tra, nhắc nhở đoàn viên tham gia sinh hoạt và các họat động Đoàn tại nơi cư trú làm cơ sở cho việc đánh giá nhận xét chất lượng đoàn viên cuối năm.

+ Đối với Đoàn xã, phường, thị trấn, chi đoàn dân cư nơi đoàn viên cư trú: Tổng hợp và quản lý đoàn viên được giới thiệu tham gia sinh hoạt và hoạt động có kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể phù hợp với điều kiện công tác và thời gian tham gia của đoàn viên. Định kỳ thông báo cho đoàn viên về sinh hoạt nơi cư trú biết những nội dung công tác và hoạt động chi đoàn, đoàn cơ sở, làm tốt công tác khen thưởng đối với những đoàn viên ưu tú.

- Đối với đoàn viên phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động do đoàn nơi mình cư trú tổ chức và vận động gia đình cùng thực hiện tốt các quy định nơi cư trú và đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chủ động liên hệ với BCH Đoàn nơi đang sinh hoạt để nhận giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt và hoạt động về nơi cư trú. Đoàn viên được tham dự và đóng góp ý kiến tại Đại hội, hội nghị của chi đoàn, được xét khen thưởng nhưng không được ứng cử, đề cử và bầu cử ở chi đoàn địa bàn dân cư, nơi cư trú. Trong trường hợp cần thiết về công tác cán bộ nếu có tín nhiệm để bầu vào cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở địa bàn dân cư và nếu đoàn viên có nguyện vọng thì phải chuyển hồ sơ đoàn viên về nơi cư trú trước khi bầu ít nhất 15 ngày.

Lưu ý: Đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú xem thêm thông tin trên Bản tin Tuổi trẻ Đắk Lắk số 213 tháng 12/2015).

3.4. Quản lý đoàn viên đi lao động ở xa, thời gian không ổn định

Đoàn viên lao động ở xa, thời gian không ổn định là những đoàn viên rời khỏi địa bàn cư trú đến địa phương khác để lao động với việc làm và thời gian không ổn định, không có điều kiện sinh hoạt Đoàn thường xuyên nơi cư trú.

* Trách nhiệm của đoàn viên:

- Trước mỗi đợt đi lao động ở xa, đoàn viên cần báo cáo với BCH chi đoàn về địa chỉ nơi đến để chi đoàn, Đoàn cơ sở hướng dẫn thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn tạm thời và có sự giúp đỡ khi cần thiết.

- Khi đến nơi lao động mới hoặc nơi cư trú, đoàn viên cần làm thủ tục đăng ký tạm trú và liên hệ với chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi tạm trú hoặc Huyện, Thị, Thành đoàn đề nghị được hướng dẫn để đăng ký tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội; Được dùng thẻ đoàn viên hoặc giấy chuyển sinh hoạt Đoàn để sinh hoạt tạm thời.

* Trách nhiệm của cơ sở Đoàn nơi đoàn viên đi:

- Chi đoàn lập sổ theo dõi danh sách đoàn viên kèm theo địa chỉ mới nơi đến của đoàn viên đi lao động ở xa, thời gian không ổn định và báo cáo cho Đoàn cơ sở để theo dõi. Đoàn cơ sở chuyển sinh hoạt Đoàn tạm thời cho đoàn viên bằng giấy chuyển sinh hoạt hoặc hướng dẫn đoàn viên dùng thẻ đoàn viên để đăng ký sinh hoạt tạm thời.

* Trách nhiệm của cơ sở Đoàn nơi đoàn viên đến:

- Đoàn cơ sở tiếp nhận thủ tục chuyển sinh hoạt tạm thời và giới thiệu đoàn viên về các chi đoàn.

- Những địa bàn tập trung đông đoàn viên là lao động tự do và đã có đăng ký tạm trú thì Đoàn cơ sở nơi đó có thể thành lập các chi đoàn trực thuộc để tổ chức các hoạt động.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

 Hướng dẫn múa tập thể: Bài Kachiusa (Nhạc Nga)

 Mục đích: Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong sinh hoạt tập thể của Đoàn.

 Số lượng: Không giới hạn

Đội hình: Xếp thành vòng tròn

Cách chơi: Quản trò cho tập thể chơi xếp thành vòng tròn lớn hay bé tùy theo số lượng người chơi.

          Bước 1: Lấy chân phải đặt ra đằng sau chân trái, bước chếch về phía sau chân trái

          Bước 2: Chân trái rút về sau chân phải, tạo thành tư thế đứng nghiêm hai chân hình chữ V

          Bước 3: Chân phải đá chéo sang bên trái, người hơi nhún xuống

          Bước 4: Chân phải rút về tư thế nghiêm

          Bước 5: Chân trái đá chéo sang bên phải, người hơi nhún xuống

          Bước 6: Chân trái rút về tư thế nghiêm

          Bước 7: Chân phải bước chéo qua phía trước của chân trái

          Bước 8: Chúng ta lấy chân trái rút về tư thế nghiêm, sau đó các bạn thực hiện 8 bước trên cho đến hết bài hát.

BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready