Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 29/10/2021

NỘI DUNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN QUÝ IV/2021

1. Nội dung tuyên truyền

Tuyên truyền kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10); 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021); 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2021); 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2021); 91 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2021); 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2021).

2. Nội dung tìm hiểu

* Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10)

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đoàn kết, tập hợp thanh niên do Đoàn thanh niên làm nòng cốt đã hoạt động liên tục và phát triển mạnh mẽ từ đó tới nay. Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 38 về việc thành lập Nha thanh niên và Thể thao. Cũng vào thời gian đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Việt Nam, nhằm đáp ứng đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp “Kháng chiến kiến quốc”. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam – là một tổ chức rộng rãi của tầng lớp thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn. Với ý nghĩa mở rộng khối đại đoàn kết thanh niên, tăng thêm các thành viên tập thể của mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên (ở vùng tự do và vùng mới giải phóng) Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ II (từ ngày 8 đến ngày 15/10/1956 tại Hà Nội) đãquyết định thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và coi Đại hội này là Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Qua 65 năm cống hiến, xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã lập nhiều chiến công, viết những trang vàng lịch sử dân tộc gắn liền với những địa danh, những gương oanh liệt của tuổi trẻ Việt Nam. Ngày 15/10/1956 là ngày đánh dấu sự ra đời của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và ngày này hàng năm là ngày truyền thống của Hội.

* Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10)

Từ Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động Phụ nữ (tháng 10/1939) đến các Nghị quyết của Đảng nói về công tác Phụ nữ, các bài viết của chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta đều gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Phụ nữ được coi là một tổ chức quần chúng của Đảng. Qua các thời kỳ, tổ chức phụ nữ đã có những tên gọi khác nhau phù hợp với nhiệm vụ cách mạng: Hội Phụ nữ phản đế (20/10/1930); Đoàn Phụ nữ cứu quốc (16/6/1941); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1946)

Với Đoàn Phụ nữ cứu quốc làm nòng cốt, tháng 4/1950 Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội Phụ nữ giải phóng (thành lập ngày 8/3/1961) ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cũng hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tháng 6/1976. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Đảng tổ chức và lãnh đạo để làm cách mạng và chăm lo quyền lợi cho phụ nữ Việt Nam, thực hiện nam nữ bình đẳng.

Qua giai đoạn cách mạng, Phụ nữ Việt Nam luôn luôn xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nhà nước ta tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm lần thứ 55 Ngày thành lập Hội, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Huân chương Sao vàng cho Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

3. Phong trào hành động

Tiếp tục tổ chức triển khai, phổ biến rộng khắp đến từng cán bộ, đoàn viên thanh niên về việc quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đoàn toàn tỉnh, toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Tiến hành tổ chức đánh giá phân xếp loại đoàn viên năm 2021 theo Hướng dẫn số 214-HD/TĐTN-TCKT, ngày 11/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “V/v kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo và cá nhân giai đoạn 2020 - 2022”.

Các chi đoàn trên địa bàn dân cư phối hợp với các chi đoàn khối hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, Đoàn các trường học trên địa bàn thực hiện có hiệu quả theo Hướng dẫn số 91-HD/TĐTN-TCKT, ngày 28/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “V/v hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018-2022”.

Tiến hành triển khai các văn bản và chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự chuẩn bị cho công tác Đại hội cấp chi đoàn đối với các chi đoàn thực hiện thời gian Đại hội 1 năm 1 lần và triển khai Kế hoạch số 340-KH/TĐTN-TCKT, ngày 24/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “Tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027”.

Các cơ sở Đoàn tổ chức các hoạt động phù hợp để kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng và đặc biệt là hưởng ứng Ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam 15/10/1956 – 15/10/2021.

Duy trì sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt rộng rãi thanh niên theo định kỳ, đồng thời căn cứ tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra, các chi đoàn có hình thức sinh hoạt cho phù hợp như sinh hoạt trực tuyến qua zalo, facebook... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cử cán bộ Đoàn đi cơ sở theo chủ trương 1+2.

Xây dựng đội hình tình nguyện tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân và hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung, các điểm chốt dịch trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

4. Sổ tay nghiệp vụ:“Tìm hiểu về cách thiết kế mô hình hoạt động”

Muốn tổ chức một hoạt động nào đó của Đoàn có hiệu quả, góp phần đổi mới hình thức sinh hoạt tập thể, thu hút hấp lôi cuốn thanh niên, cán bộ Đoàn cần phải có phương pháp thiết kế mô hình hoạt động và tổ chức thực hiện sáng tạo, linh hoạt. Dưới đây là một số vấn đề mang tính nguyên tắc:

Bước 1: Công tác chuẩn bị

Tìm hiểu, nghiên cứu chủ trương của Đoàn cấp trên, nhiệm vụ chính trị của địa phương, của đơn vị, tìm hiểu nhu cầu, tâm lý của đoàn viên, thanh niên; căn cứ vào các ngày truyền thống trong năm của đơn vị, của địa phương và của đất nước để từ đó tìm chọn các loại hình cho thích hợp.

Căn cứ vào điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hiện có, từ đó có phương án tạo nguồn kinh phí cần thiết để phục vụ cho mục đích của mình (quyên góp hoạt động gây quỹ, tranh thủ sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể…).

Khảo sát, tìm chọn trong đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên có khả năng, năng lực, năng khiếu, có thể sáng tạo những hình thức phù hợp, hấp dẫn phục vụ tốt các nội dung của hoạt động.

Chọn thời điểm thích hợp ra chủ trương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khác tạo sự ủng hộ tích cực về mọi mặt, tạo mạng lưới công tác viên rộng rãi.

Bước 2: Lập kế hoạch cho một hoạt động

Xác định mục đích, yêu cầu:

Tổ chức hoạt động phải đảm bảo tốt hiệu quả giáo dục, hiệu quả chính trị, hiệu quả kinh tế (nếu có). Thông qua hoạt động cán bộ, đoàn viên, thanh niên được trưởng thành, được thoả mãn nhu cầu về đời sống tinh thần, tổ chức Đoàn được củng cố, thu hút, hấp dẫn lôi cuốn thanh niên, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá tại địa phương.

Căn cứ vào từng loại hình hoạt động mà xác định mục đích, yêu cầu cụ thể.

 Xác định nội dung, nhiệm vụ chương trình hoạt động.

Ví dụ: Tổ chức ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3.

Nội dung: Tổ chức mít tinh; Hội trại (với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, trò chơi); thi tìm hiểu truyền thống của Đoàn.

Nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền, cổ động cho lễ kỷ niệm bằng nhiều hình thức. Chuẩn bị mọi phương tiện cơ sở vật chất, tư liệu, tài liệu phục vụ cho các nội dung hoạt động kỷ niệm. Các cơ sở Đoàn tổ chức các hoạt động phục vụ tốt cho ngày truyền thống của Đoàn. Quan hệ với các đoàn thể khác, các tổ chức, tạo sự hỗ trợ khác, các tổ chức, tạo sự hỗ trợ về mọi mặt.

Xác định quy mô, thời gian: Quy mô: Các cơ sở Đoàn địa bàn dân cư có thể liên kết với các cơ sở Đoàn trong trường học, cơ quan, doanh nghiệp…; Thời gian: Công tác chuẩn bị một tháng, tổ chức thực hiện một ngày.

Lập kế hoạch cho từng công việc (mít tinh, hội trại, tổng kết cuộc thi…). Trong từng công việc cần có kế hoạch cụ thể, tính đến địa điểm, thơi gian, người phụ trách, các bộ phận phối kết hợp, điều kiện vật chất cho phép… Căn cứ vào kế hoạch của từng nội dung công việc lập chương trình thực hiện khoa học và có hiệu quả cao. Chương trình phải đảm bảo khép kín về mặt thời gian.

Thành lập Ban chỉ đạo: Gồm trưởng ban, phó ban và các uỷ viên.

Bước 3: Tiến hành thực hiện chương trình

Trong quá trình thực hiện chương trình hoạt động cần linh hoạt, sáng tạo, điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, kiểm tra chặt chẽ khâu chuẩn bị (các tổ, nhóm được thực hiện từ trước), đôn đốc thực hiện và có động viên khen thưởng kịp thời. Thường xuyên hội ý Ban chỉ đạo để nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề phát sinh, đồng thời tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên thể hiện các nội dung đã chuẩn bị trước.

Bước 4: Tổng kết, đánh giá kết quả

Cần dành thời gian để họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, đặc biệt sau mỗi lần tổ chức hoạt động. Tổng kết đánh giá cần xem xét kỹ những hình thức nào không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, những vấn đề mà thanh niên yêu cầu, đòi hỏi nhưng chưa đáp ứng được. Cần đánh giá hiệu quả giáo dục, tổ chức, hiệu quả kinh tế và mối quan hệ với các đoàn thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tổng kết đánh giá sau mỗi lần tổ chức hoạt động là việc làm cần thiết để giúp cán bộ Đoàn tìm hiểu ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho những làn thiết kế các mô hình hoạt động tiếp theo.

5. Kỹ năng nghiệp vụ

          Trò chơi: Căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra và tình hình thực tế tại từng đơn vị cho phép. Các đơn vị có thể lựa chọn trò chơi phù hợp với tình hình hiện nay như trò chơi tập thể, teambuilding… hoặc thiết kế các trò chơi về hình thức đuổi hình bắt chữ, thiết kế câu hỏi về các ngày lễ của Đoàn, của quê hương đất nước, hát theo chủ đề, tham gia thi trực tuyến về Nghị quyết Đại hội Đảng… đồng thời có hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với các cá nhân có thành tích cao tại các trò chơi.

II. CHỦ ĐỀ THÁNG 11: “Chào mừng kỷ niệm 52 năm Ngày ra đời tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (11/1969 - 11/2021).

  1. Nội dung tuyên truyền

Tuyên truyền kỷ niệm 104 năm Cách mạng tháng 10 Nga (07/11/1917 – 07/11/2021); 75 năm Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 2 thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (09/11/1946 – 09/11/2021); 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2021); 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1940 – 20/11/2021); 81 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 – 23/11/2021); 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2021); 52 năm Ngày ra đời tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (11/1969-11/2021)…

2. Phong trào hành động

Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 52 năm Ngày ra đời tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (11/1969-11/2021); chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982–20/11/2021).

Tiếp tục triển khai Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI (nhiệm kỳ 2017 – 2022); triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới đến toàn thể đoàn viên, thanh niên của đơn vị.

Tiến hành đánh giá phân xếp loại đoàn viên năm 2021 và nhận xét kết quả hoạt động của đoàn viên vào sổ đoàn viên theo hướng dẫn số 09-HD/TĐTN, ngày 28/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn. Tổ chức các hoạt động để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2021, đồng thời đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị trong năm 2021. Tích cực đẩy mạnh các hình thức hoạt động thu hút đoàn viên thanh niên tham gia nhằm kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng chi đoàn, chi hội thôn, buôn, tổ dân phố.

Các Chi đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em học tập tốt hơn. Tăng cường các đội an ninh xung kích bảo vệ trật tự an toàn, đặc biệt là an toàn giao thông đối với học sinh trong ngày 20/11.

Duy trì sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt rộng rãi thanh niên theo định kỳ, đồng thời căn cứ tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra, các chi đoàn có hình thức sinh hoạt cho phù hợp như sinh hoạt trực tuyến qua zalo, facebook...

3. Sổ tay nghiệp vụ

3.1. Đánh giá, xếp loại chất lượng đoàn viên

* Đối tượng đánh giá

Đối tượng đánh giá là đoàn viên có thời gian sinh hoạt tại chi đoàn liên tục từ 6 tháng trở lên, tính đến thời điểm đánh giá. Đối với đoàn viên chuyển sinh hoạt Đoàn nhưng chưa đủ 6 tháng liên tục tại đơn vị mới, thì đơn vị mới tiến hành đánh giá dựa trên nhận xét của đơn vị cũ.

Trường hợp đoàn viên nghỉ chế độ thai sản; đi học tập, lao động, công tác tại đơn vị, địa phương khác không quá 3 tháng thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian sinh hoạt thực tế tại chi đoàn của năm đó. Trường hợp đoàn viên nghỉ ốm từ 03 tháng trở lên thì không xếp loại đạt mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

Đảng viên đang tham gia sinh hoạt Đoàn không tiến hành xếp loại mà chi đoàn chỉ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên và chuyển kết quả đánh giá cho chi bộ để có thêm căn cứ đánh giá đảng viên.

3.2. Xếp loại chất lượng

Chất lượng đoàn viên được xếp thành 4 mức:

* Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Điều lệ Đoàn và các Nghị quyết của Đoàn; các nội quy, quy định của địa phương, đơn vị nơi sinh hoạt; học tập, lao động, công tác; là tấm gương mẫu mực trong tập thể về nội dung này; Tham gia từ 90% các hoạt động do tổ chức Đoàn quản lý mình tổ chức trở lên; là nhân tố tích cực, luôn xung kích đi đầu trong các phong trào, các hoạt động của chi đoàn và Đoàn cấp trên tổ chức; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Đạt mức “Hoàn thành xuất sắc” Chương trình rèn luyện đoàn viên. Tích cực, chủ động tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.

* Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Điều lệ Đoàn và các Nghị quyết của Đoàn; các nội quy, quy định của địa phương, đơn vị nơi sinh hoạt; hoc tập, lao động, công tác; Tham gia tối thiểu 80% các hoạt động do tổ chức Đoàn quản lý mình tổ chức trở lên; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Đạt mức “Hoàn thành tốt” Chương trình rèn luyện đoàn viên. Có tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.

* Hoàn thành nhiệm vụ

Chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Điều lệ Đoàn và các Nghị quyết của Đoàn; các nội quy, quy định của địa phương, đơn vị nơi sinh hoạt, học tập, lao động, công tác; Tham gia tối thiểu 50% các hoạt động do tổ chức Đoàn quản lý mình tổ chức trở lên; hoàn thành nhiệm vụ được giao; Đạt mức “Hoàn thành” Chương trình rèn luyện đoàn viên.

* Không hoàn thành nhiệm vụ

Đang trong thời gian áp dụng các hình thức kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên (một vi phạm bị xử lý kỷ luật chỉ tính một lần khi xếp loại); Vi phạm quy định của Điều lệ Đoàn, nghị quyết của Đoàn; các nội quy, quy định của địa phương, đơn vị nơi sinh hoạt, học tập, lao động, công tác; Tham gia dưới 50% các hoạt động do tổ chức Đoàn quản lý mình tổ chức; không hoàn thành nhiệm vụ được giao; Đạt mức “Không hoàn thành” Chương trình rèn luyện đoàn viên.

3.3. Đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức Đoàn

* Đối với chi đoàn, chi đoàn cơ sở: Việc đánh giá chất lượng chi đoàn, chi đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là chi đoàn) căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đoàn theo quy định của Điều lệ Đoàn và các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao.

* Đối tượng đánh giá: Đối tượng đánh giá là chi đoàn, chi đoàn cơ sở có thời gian sinh hoạt từ 6 tháng trở lên, tính đến thời điểm đánh giá.

* Xếp loại chất lượng: Chất lượng chi đoàn được xếp thành 4 mức:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tổ chức sinh hoạt chi đoàn ít nhất 1 tháng 1 lần (Đối với chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì sinh hoạt chi đoàn tối thiểu 3 tháng 1 lần); sáng tạo, tích cực, chủ động thực hiện tốt 100% nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao; Có sổ chi đoàn và ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định; Thu, nộp đoàn phí đúng quy định; 100% đoàn viên trong chi đoàn đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên; Kết nạp được đoàn viên mới (nếu đơn vị còn nguồn để bồi dưỡng kết nạp); hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới do cấp ủy giao; Ít nhất 80% đoàn viên trong chi đoàn xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đoàn viên xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; Không có đoàn viên bị kỷ luật dưới mọi hình thức.

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Tổ chức sinh hoạt chi đoàn ít nhất 1 tháng 1 lần (Đối với chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì sinh hoạt chi đoàn tối thiểu 3 tháng 1 lần); thực hiện đảm bảo 100% nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao; Có sổ chi đoàn và ghi chép đầy đủ các nội dung theo quy định; Thu, nộp đoàn phí đúng quy định; Có từ 80% đến dưới 100% đoàn viên trong chi đoàn đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên; Kết nạp được đoàn viên mới (nếu đơn vị còn nguồn để bồi dưỡng kết nạp); hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới do cấp ủy giao; Từ 60% đến dưới 80% đoàn viên trong chi đoàn xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đoàn viên xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

c) Hoàn thành nhiệm vụ

Tổ chức sinh hoạt chi đoàn ít nhất 1 tháng 1 lần (Đối với chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phận tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận thì sinh hoạt chi đoàn tối thiểu 3 tháng 1 lần); thực hiện đạt 70% nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao trở lên; có sổ chi đoàn, nhưng không ghi chép đầy đủ các nội dung theo yêu cầu; thu, nộp đoàn phí đầy đủ nhưng không đúng thời gian quy định hoặc thu, nộp chưa đầy đủ, Đoàn cấp trên có nhắc nhở; có từ 50% đến dưới 80% đoàn viên trong chi đoàn đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên; kết nạp được đoàn viên mới (nếu đơn vị còn nguồn để bồi dưỡng kết nạp); hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới do cấp ủy giao; từ 50% đến dưới 60% đoàn viên trong chi đoàn xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, tỉ lệ đoàn viên không hoàn thành nhiệm vụ không quá 20%.

d) Không hoàn thành nhiệm vụ

Tổ chức sinh hoạt chi đoàn không đủ 1 tháng 1 lần (đối với chi đoàn đặc thù mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi lao động, công tác khỏi địa bàn, cơ quan, được Đoàn cấp trên xác nhận nhưng tổ chức sinh hoạt chi đoàn vẫn không đảm bảo 3 tháng 1 lần); thiếu chủ động và thực hiện đạt dưới 70% nhiệm vụ do Đoàn cấp trên giao; không có sổ chi đoàn hoặc có Sổ chi đoàn nhưng không ghi chép đầy đủ các nội dung theo yêu cầu; không thu, nộp đoàn phí hoặc có thu, nộp đoàn phí nhưng không đúng quy định; trên 50% đoàn viên trong chi đoàn không đăng ký và thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên; không kết nạp được đoàn viên mới (nếu đơn vị còn nguồn để bồi dưỡng kết nạp); không hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới do cấp ủy giao; trên 20% đoàn viên trong chi đoàn xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra và tình hình thực tế tại từng đơn vị cho phép. Các đơn vị có thể lựa chọn trò chơi phù hợp với tình hình hiện nay như tổ chức các trò chơi về hỏi đáp nhanh, chọn đáp án đúng, trả lời về các địa danh… bằng hình thức trực tuyến qua zalo, facebook... nhằm tạo không khí vui tươi, thoải mái và nắm bắt thêm thông tin trong buổi sinh hoạt chi đoàn. đồng thời có hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với các cá nhân có thành tích cao tại các trò chơi.

III. CHỦ ĐỀ THÁNG 12: “Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021)”

1. Nội dung tuyên truyền

Tuyên truyền kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống AIDS (01/12); Ngày Quốc tế Người khuyết tật (03/12); 32 năm Ngày thành lập Hội Cựu Chiến binh Việt Nam (06/12/1989); Ngày Quốc tế quyền con người (10/12); 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021); 61 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam (20/12/1960 – 20/12/2021); 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944); ngày Dân số Việt Nam (26/12)…

2. Nội dung tìm hiểu

Tìm hiểu về: “Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021) và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2021)”

Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Người chủ toạ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pắc Bó. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là “Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội” gọi tắt là Việt Minh, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang để chuẩn bị tranh thủ thời cơ, đi từ “Khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “Mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn giành chính quyền trong cả nước”.

Sau Hội nghị ấy, Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên là Cứu quốc quân. Ngày 15/9/1941, trung đội Cứu quốc quân 2 được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Vũ Nhai, tỉnh Lạng Sơn. Đầu năm 1944, căn cứ bắc Sơn – Vũ Nhai mở rộng sang châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và trung đội Cứu quốc 3 được thành lập ngày 25/2/1944 ở Khuổi Kịch, châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Giữa năm 1944 tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công thắng lợi trên nhiều mặt trận. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi khắp nơi. Cuối năm 1944, nhân dân vùng Bao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.

Tháng 10/1944, sau một thời gian ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước Chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng. Người nói: “Thời kỳ cách mạng hoà bình đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới…cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.

Để đáp ứng yêu cầu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong chỉ thị ghi rõ: “Tên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực…”.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại châu Nguyên Bình, Cao Bằng, trong một khu rừng nằm giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức lãnh đạo và tuyên bố thành lập Đội. Đội gồm 34 người (có 03 nữ) chia thành 03 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm là đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. Vũ khí của đội gồm có 34 khẩu súng các loại. Sau lễ thành lập, toàn đội đã ăn một bữa cơm nhạt, không rau không muối để tượng trưng cho tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí táo bạo, giả làm quân địch bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (vào lúc 17 giờ ngày 24/12/1944) và liền sáng hôm sau lúc 7 giờ ngày 25/12/1944 đột nhập vào đồn Nà Ngần cách đó 15km, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 đồn trưởng thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc, thắng chắc của quân đội ta.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945 Giải phóng quân Việt Nam trở thành Vệ quốc đoàn – Quân đội Nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đến năm 1950 được đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.       

3. Phong trào hành động

Các cơ sở Đoàn tiếp tục triển khai cho đoàn viên thanh niên tìm hiểu, học tập các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn. Tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, gia đình chính sách; chào mừng 77 năm Ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021), Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2021); tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ – thể dục thể thao với các đơn vị kết nghĩa nhằm khích lệ, động viên tinh thần các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

 Các chi đoàn trên địa bàn dân cư phối hợp với các chi đoàn khối hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, Đoàn các trường học trên địa bàn thực hiện có hiệu quả theo Hướng dẫn số 91-HD/TĐTN-TCKT, ngày 28/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “V/v hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018-2022”.

Duy trì sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt rộng rãi thanh niên theo định kỳ, đồng thời căn cứ tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra, các chi đoàn có hình thức sinh hoạt cho phù hợp như sinh hoạt trực tuyến qua zalo, facebook... Tiến hành tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021 và triển khai kế hoạch, chương trình hoạt động năm 2022.

Tiến hành triển khai các văn bản và chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự chuẩn bị cho công tác Đại hội cấp cơ sở trực thuộc Đoàn cấp huyện theo Kế hoạch số 340-KH/TĐTN-TCKT, ngày 24/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “Tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027”.

Ngoài ra Đại hội cấp chi đoàn cần bám vào các nội dung của Điều lệ Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, cụ thể:

Nhiệm kỳ Đại hội là thời gian giữa hai kỳ Đại hội.

Đại hội đại biểu của cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó triệu tập, số lượng đại biểu Đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn. Thành phần đại biểu gồm các Ủy viên Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội, đại biểu do Đại hội, hội nghị cấp dưới bầu lên và đại biểu chỉ định. Đại biểu chỉ định không quá 5% tổng số đại biểu được triệu tập.

Đại biểu dự Đại hội phải được Đại hội biểu quyết công nhận về tư cách đại biểu. Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên mà chưa hết thời gian áp dụng kỷ luật.

Ban Chấp hành Đoàn các cấp có thể triệu tập hội nghị đại biểu để kiện toàn Ban Chấp hành, thảo luận văn kiện đại hội Đoàn cấp trên, bầu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên.

Đại hội, Hội nghị của Đoàn bầu đoàn chủ tịch, chủ tọa để điều hành công việc của Đại hội, Hội nghị. Đoàn bầu đoàn chủ tịch, chủ tọa có quyền xem xét, kết luận cuối cùng về việc cho rút tên trong danh sách bầu cử hoặc công việc của Đại hội, hội nghị.

Việc bầu cử của Đoàn có thể thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu hoặc biểu quyết. Riêng bầu Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành và bầu đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên của cấp chi đoàn thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Danh sách bầu cử phải được Đại hội, Hội nghị đại biểu thảo luận và thông qua bằng biểu quyết.

Khi bầu phải có trên một phần hai đại biểu có mặt tán thành thì người được bầu mới trúng cử. Trường hợp số người có phiếu bầu trên một phần hai số lượng cần bầu thì lấy người có số phiếu cao hơn.

Đại hội chi đoàn và Đại hội Đoàn các cấp được trực tiếp bầu Bí thư khi được sự đồng ý của Đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp.

Nguyên tắc, thủ tục, quy trình bầu cử do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quy định. Nếu bầu cử không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình quy định thì tổ chức bầu lại.

Đại hội đoàn viên của chi đoàn cơ sở, chi đoàn do Ban Chấp hành chi đoàn cơ sở, chi đoàn triệu tập.

Đại hội chi đoàn khu vực địa bàn dân cư, chi đoàn trong trường học, Đoàn trường THPT, Đoàn Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên là 1 năm 1 lần.

Đại hội chi đoàn cơ sở; chi đoàn trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp là 5 năm 2 lần.

Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ; bầu Ban Chấp hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (nếu có).

Chi đoàn có dưới 9 đoàn viên thì chỉ bầu Bí thư và Phó Bí thư; có từ 9 đoàn viên trở lên thì bầu Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư.

Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở và Đoàn cơ sở mỗi tháng họp ít nhất 1 kỳ; ở những nơi đặc thù như miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc các đơn vị sản xuất, kinh doanh mà đoàn viên phân tán (được Đoàn cấp trên xét cấp chứng nhận) nếu không thể tiến hành họp mỗi tháng 1 lần thì 3 tháng họp ít nhất 1 lần.

4. Sổ tay nghiệp vụ

Quy trình, thủ tục giới thiệu, tiếp nhận và tổ chức cho đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú

* Đối với đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú

Bước 1: Đoàn viên chủ động đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia sinh hoạt đoàn nơi cư trú với chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý.

Bước 2: Nhận giấy giới thiệu từ Đoàn cơ sở trực tiếp quản lý và nộp giấy giới thiệu cho Đoàn xã/phường/thị trấn nơi đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú.

Bước 3: Thực hiện các nội dung đã đăng ký.

* Đối với chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên (thực hiện việc giới thiệu)

Bước 1: Chi đoàn tổng hợp thông tin đoàn viên đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú và báo cáo với Đoàn cơ sở để cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên.

Bước 2: Đoàn cơ sở cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên. Nếu là chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện việc cấp giấy giới thiệu.

Bước 3: Đoàn cơ sở, chi đoàn lập danh sách đoàn viên hoạt động nơi cư trú để theo dõi, quản lý.

* Đối với Đoàn xã, phường, thị trấn và chi đoàn nơi tiếp nhận đoàn viên tham gia hoạt động nơi cư trú.

Bước 1: Đoàn xã, phường, thị trấn tiếp nhận giấy giới thiệu về tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú do đoàn viên chuyển trực tiếp (hoặc danh sách được chuyển giao từ cấp bộ đoàn trực tiếp quản lý đoàn viên).

Bước 2: Bàn giao danh sách đoàn viên cho các chi đoàn trực thuộc và hướng dẫn cho đoàn viên tham gia các hoạt động của chi đoàn.

Bước 3: Chi đoàn tiếp nhận đoàn viên, tổ chức các hoạt động để đoàn viên tham gia; lập danh sách quản lý và theo dõi kết quả hoạt động của đoàn viên hoạt động nơi cư trú.

* Đối với trường hợp chi đoàn, cơ sở Đoàn tổ chức hoạt động Đoàn tại nơi cư trú chung cho tất cả đoàn viên thuộc đơn vị mình thì liên hệ với Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn để được giới thiệu về chi đoàn thuận lợi, sau đó thống nhất các nội dung hoạt động trong năm với chi đoàn được giới thiệu để triển khai thực hiện.

* Nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú

Chi đoàn và Đoàn cơ sở nơi cư trú nhận xét, đánh giá kết quả tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú khi có yêu cầu của đoàn viên.

Tiêu chí nhận xét, đánh giá: Ý thức tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú; mức độ tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú; kết quả tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.

Căn cứ vào các tiêu chí trên khi được yêu cầu, chi đoàn và Đoàn cơ sở đánh giá đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú theo 3 mức: Tham gia hoạt động tốt, có tham gia hoạt động, có đăng ký nhưng không tham gia hoạt động; kết quả tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú được bổ sung, ghi nhận vào kết quả đánh giá xếp loại đoàn viên hằng năm nơi đoàn viên đang sinh hoạt.

Kết quả, thành tích của đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú đóng góp cho tổ chức Đoàn tại nơi cư trú sẽ là cơ sở để ưu tiên trong xét các danh hiệu, các hình thức khen thưởng. Bản nhận xét, đánh giá trước khi chuyển cho đoàn viên phải có xác nhận của Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn nơi đoàn viên đăng ký hoạt động nơi cư trú.

            5. Góc kỹ năng

Căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra và tình hình thực tế tại từng đơn vị cho phép. Các đơn vị có thể lựa chọn trò chơi phù hợp với tình hình hiện nay như trò chơi tập thể, teambuilding… hoặc thiết kế các trò chơi về hình thức đuổi hình bắt chữ, thiết kế câu hỏi về các ngày lễ của Đoàn, của quê hương đất nước, hát theo chủ đề, tham gia thi trực tuyến về Nghị quyết Đại hội Đảng… đồng thời có hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với các cá nhân có thành tích cao tại các trò chơi.

Nếu điều kiện cho phép thì tổ chức các trò chơi team building như: “Tàu đi trong sương mù”

          Thể loại: Trò chơi cảm giác, vận động mạnh ngoài trời, người tham dự mỗi đội khoảng 08 người.

          Rèn luyện: Nhận định chính xác môi trường, linh động và tương trợ nhau.

          Giáo dục: Nhanh nhẹn, hiểu ý nhau và tương trợ với nhau một cách đắt lực.

          Luật chơi: Mỗi hàng 01 đội là một chiếc tàu. Đội trưởng là tài công. Tất cả bịt mắt, trừ đội trưởng, người sau đặt tay trên vai người trước.

          Từ mức khởi hành đến mức tới là 5m, trên khoảng đường này đặt một số chướng ngại vật (càng khó càng hay). Tiếng còi khởi hành, các tàu di chuyển, tài công không được đụng vào tàu mình, chỉ được quyền ra lệnh: quẹo phải, trái, lùi lại, tiến lên vv… Tàu nào đụng vào chướng ngại vật là thua còn Tàu nào đến đích trước là thắng.

          Mục đích: Gây bầu khí sôi động, có sự tranh đua trong khi chơi, tạo sự đoàn kết với nhau trong hàng đội.

          Vật dụng: Số khăn tương ứng với mỗi đội, các vật dụng làm chướng ngại vật.

          Lưu ý: Nhớ dọn dẹp các vật nguy hiểm xung quanh khu vực chơi, các chướng ngại vật không bén nhọn.

Ban Tổ chức - Kiểm tra

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready