NỘI DUNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN QUÝ III/2021
I. CHỦ ĐỀ THÁNG 7: “Công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức văn minh đô thị”
1. Nội dung tuyên truyền
Tuyên truyền kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2021); 59 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2021); 56 năm Ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa (24/7/1965 – 24/7/2021); 74 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021); 92 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2021).
Tuyên truyền , giáo dục, nâng cao lòng tự hào của tuổi trẻ về truyền thống cách mạng dân tộc; về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sỹ và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong đoàn viên, thanh thiếu nhi; ghi nhớ, tôn vinh, tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền về Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2021.
2. Nội dung tìm hiểu: Tìm hiểu về “Thanh niên xung phong xứng đáng là một trong những biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”
Trong các phong trào yêu nước của thanh niên ta trong suốt 71 năm qua, Thanh niên xung phong (TNXP) xứng đáng là một trong những biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của TNXP là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân, đã được thể hiện trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho TNXP lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên những trận tuyến khó khăn nhất của đất nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh, ngày nay lực lượng TNXP trên mọi miền Tổ quốc đang phát huy tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong công cuộc xây dựng lại đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo lời Bác Hồ dạy.
Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh các chương trình, dự án mà TNXP đang đi đầu thực hiện như phủ xanh đất trống, đồi trọc; chương trình nước sạch cho nông thôn; chương trình sử dụng mặt nước, bãi bồi ven biển; các dự án dạy nghề, giới thiệu việc làm…Rồi đây TNXP phải vươn lên triển khai nhiệm vụ của mình trên nhiều lĩnh vực mới theo tinh thần truyền thống: “Đâu cần thanh niên có, chỗ nào khó có thanh niên” đem khoa học kỹ thuật, công nghệ và sự phát triển mới đến mọi vùng hẻo lánh nhất của đất nước, đi đầu trong mọi nhiệm vụ khó khăn nhất của sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội.
Sinh thời, Bác Hồ luôn ân cần theo dõi bước đường trưởng thành của TNXP. Trước lúc đi xa, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta có TNXP là đội ngũ đã được thử thách và rèn luyện, nên cần được đào tạo, bồi dưỡng để làm nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toàn Đảng, toàn dân ta cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ trong quá trình tổ chức, lãnh đạo và phát huy sức mạnh của lực lượng TNXP.
(Trích bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt - Ủy viên Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ - trong cuộc Mít tinh kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP)
3. Phong trào hành động
Tiếp tục tổ chức cho đoàn viên thanh niên tìm hiểu về Điều lệ Đoàn, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI; các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” thiết thực như: chăm sóc tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ, động viên thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình Thương binh Liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn… tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Chuẩn bị tốt mọi điều kiện và lực lượng đối ứng để phối kết hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện hè, chú trọng tình nguyện thường xuyên, tình nguyện tại chỗ, tổ chức hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”. Tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tình nguyện hè hoàn thành tốt nhiệm vụ tại địa phương.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội; đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chi đoàn; đảm nhận và tổ chức cho đoàn viên thanh niên thực hiện các công trình, phần việc thanh phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
Tổ chức tốt các hoạt động hè tại địa phương, tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhân dịp hè; tổ chức tuyên truyền về phòng trách tai nạn thương tích, đuối nước trong mùa mưa, lũ.
4. Sổ tay nghiệp vụ: Tìm hiểu về: “Kỹ năng nói trước công chúng”.
Nói trước công chúng là một nghệ thuật có những nguyên tắc riêng. Biết tuân thủ những quy tắc ấy và kiên trì tập luyện thì ai cũng có thể thu được kết quả như mong muốn. Nói trước công chúng có nhiều hình thức khác nhau: phát biểu ý kiến ngắn trước tập thể; tranh luận, thảo luận; trình bày nội dung của một văn kiện, một chủ trương công tác; nói chuyện trời sự, nói chuyện chuyên đề; giảng bài…
Tuy nhiên, về mục đích thì lại thống nhất. Ai cũng muốn làm cho người khác hiểu ý mình, đồng ý tán thành ý kiến của mình, chăm chú lắng nghe và khen ngợi mình về sự sâu sắc của nội dung, về tài thuyết khách, tài hùng biện, khả năng dí dỏm, tính trí tuệ, tính logíc, hệ thống của bài nói, bài phát biểu…
Dưới đây là một hệ thống các quy tắc, đòi hỏi mỗi cán bộ Đoàn, Hội muốn thành công, muốn nâng cao tay nghề trong việc thu phục các bạn trẻ thông qua ngôn ngữ nói cần phải cố rèn luyện và tuân thủ.
* Quy tắc 1: Rèn luyện sự tự tin vào chính bản thân mình
Tự mình phán xét hay nhờ bạn thân nhận xét về khả năng của bạn.
Tăng cường quan hệ với những người tin bạn, tin ở sự thành công, tránh xa những kẻ hoài nghi, dèm pha.
Tập nói thường xuyên, lúc đầu nói ít, nói ngắn, sau quen dần sẽ nói nhiều hơn trong khoảng thời gian nhiều hơn.
Nhớ kỹ câu này: “Tập đi rồi hãy tập chạy”. Thành công được một vài lần, sau rất dễ thành công.
Tìm thêm động lực bằng sự khích lệ của bạn bè, luôn luôn yêu cái thật, cái tốt, cái đẹp.
Đừng để ý quá nhiều đến dư luận. Biết dư luận để sửa các khuyết tật của mình là cần thiết, song vì dư luận mà kém tự tin, rụt rè thì rất không nên. Cần hiểu rằng: Dư luận cũng có cái sai do thông tin không đầy đủ.
* Quy tắc 2: Cần tuân thủ các bước khi chuẩn bị bài nói
Chọn đề tài mà bạn thấy thích thú và muốn nói trước công chúng
Luôn nhớ tính nhất quán của vấn đề trình bày, tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu chính của đề tài.
Lập đề cương sơ bộ những ý chính cần nói. Tìm ý phụ và các tư liệu bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bằng cách nào? Tại sao? Ra sao? Khi nào?
Ghi chép ngay những ý mới xuất hiện trong đầu bạn…Sắp xếp các ý một cách rõ ràng, mạch lạc.
Lựa chọn ví dụ để minh họa cho sinh động.
Phải biết tự hạn chế. Khi nào bỏ đi 5,6 ý, giữ lại 2,3 ý mà không thấy tiếc thì bài nói của bạn mới có hy vọng hấp dẫn người nghe.
Sắp xếp các ý phụ theo bố cục của các ý chính và có mối liên hệ tự nhiên với nhau.
* Quy tắc 3: Rèn luyện trí nhớ
Soạn xong đề cương bài nói chuyện, bạn cần nhẩm lại, tốt nhất là trong khung cảnh tự nhiên. Lặp đi lặp lại bài diễn văn trong khi đợi xe, hay đi dạo chơi… có thể nói thành tiếng trong phòng riêng.
Cố gắng không viết lại bài diễn văn, nếu phải viết thì không đọc thuộc lòng. Chỉ nên ghi lại những ý dễ quên qua các lần lặp lại.
Muốn nhớ được lâu cần phải: Tập chú ý nhận xét, tinh tế, sâu sắc. Tìm các ý độc đáo, khác thường. Lật đi lật lại vấn đề, công thức hóa các ý.
* Quy tắc 4: Vạn sự khởi đầu nan
Bạn phải làm cho người nghe chú ý tới bạn, có thiện cảm với bạn ngay từ đầu buổi nói chuyện qua phong thái tự tin, cởi mở và chân thành. Hết sức trách thái độ trịnh trọng giả tạo và suồng sã quá mức.
Những điều nên tránh: Nếu bạn không có tài khôi hài thì đừng cố làm cho người nghe cười, bạn sẽ thất bại; đừng dùng lời lẽ sáo rỗng để vào đề, không mở đầu bằng một lời xin lỗi giải dối.
Những phương pháp vào đề cụ thể nên áp dụng: Mở đầu bằng một câu chuyện, dẫn lời một danh nhân nào đó, dẫn tục ngữ, ca dao, đặt một sô câu hỏi xoay quanh đề tài, gợi ý tò mò của người nghe, làm một điệu bộ gì đó khác thường hoặc trình bày sự thật dưới một hình thức mới mẻ; tự giới thiệu mình với những người nghe chưa quen biết.
* Quy tắc 5: Diễn giảng làm sống lại một đề tài
Lời lẽ phải rõ ràng, sáng ý, có mối liên hệ tự nhiên giữa các ý, đừng lý thuyết nhiều quá; có nhiều phép lập luận (Quy nạp, diễn giải, phân tích, tổng hợp, so sánh…)
* Quy tắc 6: Không nên coi thường đoạn kết
Nên viết trước và học thuộc lòng 2, 3 lối kết để tùy cảm xúc tâm lý của người nghe mà dùng cho thích hợp; đồng thời tóm tắt ý trong bài nói chuyện gọn nhưng không thiếu, khuyến khích người nghe hành động và đặt một vài câu hỏi; hoặc nêu một số vấn đề để người nghe tiếp tục suy nghĩ, tự tìm câu trả lời.
* Quy tắc 7: Ý tứ sáng rõ, lời lẽ khúc chiết là tiền đề của thành công
Muốn ý tứ rõ ràng bạn phải: thấu hiểu kỹ vấn đề; không bao giờ xa đề; biết tự kiềm chế, chỉ nói những điều quan trọng nhất, không lý thuyết viển vông; tránh thói mơ hồ.
Muốn lời lẽ khúc chiết bạn phải: không dùng những câu quá dài; tránh dùng những từ chuyên môn quá hẹp và từ mới chưa thông dụng; giản dị và tự nhiên trong lời nói.
Nếu có thể được thì bạn tập trình bày trước cho các bạn thân, bạn đồng nghiệp để họ góp ý cho bạn những câu, những đoạn cần sửa.
* Quy tắc 8: Khắc sâu những ấn tượng khó quên vào đầu óc, tâm trí người nghe
Trình bày mạch lạc, sáng rõ một chân lý chưa đủ, phải làm cho bài nói của mình thật sự thú vị, hấp dẫn, kích thích người nghe, muốn vậy bạn nên theo các cách sau: kể một chuyện lạ; dùng càng nhiều hình ảnh càng tốt; nên ra dồn dập các sự kiện hay dồn dập các câu hỏi; khéo dẫn lời các danh nhân; khi cần có thể sử dụng cách nói lửng; có khi chê để khen và khen để chê, tùy từng trường hợp mà áp dụng: khen trước, chê sau; chê trước, khen sau
* Quy tắc 9: Nắm vững tâm lý của người khác
Bạn phải chú ý đến đặc điểm tâm lý của từng đối tượng, thanh niên hiện nay rất thực tế, năng động, ham hiểu biết, muốn tự khẳng định mình, không thích trịnh trọng, dài dòng. Vì vậy bài nói chuyện cần dí dỏm, súc tích, đi sâu vào cuộc sống của họ.
* Quy tắc 10: Hướng người nghe tới hành động thực tế
Mục đích cao nhất trong cuộc sống con người không phải là sự hiểu biết mà là sự hành động, vì vậy phải là cho người nghe hiểu và tin bạn. Trước hết cần hướng người nghe tới cái thật, cái tốt, cái đẹp; căm ghét cái giả, cái xấu, cái ác. Đừng để cho người nghe phải mất thì giờ vì những lý thuyết viển vông xa thực tế.
Bản thân mình phải thực sự tin vào những điều mình sẽ nói cho người khác, lòng thành thật là khởi điểm cho niềm tin.
Tự đặt mình vào vị trí của người nghe, họ sẽ có thiện cảm với bạn; khiêm tốn vẫn là đức tính quan trọng nhất, từ đó để thu phục người nghe.
Quy tắc 11: Phải làm cho vốn từ của bạn thật phong phú, cần thuộc nhiều danh ngôn và thành ngữ, tục ngữ, đến lúc khi cần ta có thể có ngay, lời lẽ trong sáng
Sưu tầm các danh ngôn, tục ngữ; chọn lọc thành ngữ ngắn gọn.
Hết sức tránh lỗi thông thường: nói ngọng, nói những câu vô ý nghĩa, không hiểu rõ nghĩa của từ ngữ, nêu không đúng chỗ,..
* Quy tắc 12: Những việc cần làm trước khi lên diễn đàn
Mỉm cười, bước khoan thai, đầu hơi ngửng lên, ngực hướng về phía trước.
Nếu còn hồi hộp thì thở mạnh, đưa mắt tìm người quen trong phòng.
Tránh nói đều đều, cần lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc nhanh, lúc chậm. Nghỉ một chút trước và sau các ý quan trọng.
Phải nhìn thẳng vào người nghe để nói với họ, tránh nhìn xuống nền, nhìn lên trần nhà hoặc nhìn ra cửa sổ…
Khi thấy có người buồn ngủ phải nói to hơn, hăng hái hơn và nên xen vào một vài chuyện vui; điệu bộ phải tự nhiên không nên bắt chước ai.
Bỏ những tật xấu: mân mê cúc áo, đưa tay gãi đầu, sửa tay vào túi quần, sửa kính… Đừng tỏ ra rụt rè, có thể vung tay hợp lý, có thể ngồi khi thấy mệt mỏi.
II. CHỦ ĐỀ THÁNG 8: “Tôi yêu Tổ quốc tôi – Tôi yêu đồng bào tôi”
1. Nội dung tuyên truyền
Tuyên truyền kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2021); 60 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2021); 76 năm ngày Cách mạng tháng 8 và ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2021); 133 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2021); 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021).
Tuyên truyền bối cảnh, diễn biến, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945; khẳng định tầm vóc thời đại, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, nhất là trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuyên truyền những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; khẳng định công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế trong 76 năm qua.
Tuyên truyền, nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới đất nước; làm rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen của đất nước cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, về bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia...; đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuyên truyền chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2021.
2. Nội dung tìm hiểu: Tìm hiểu về:“Những người con ưu tú của dân tộc Ê Đê trưởng thành trong cách mạng Tháng 8 - 1945”
Sau cách mạng Tháng 8-1945, ở Đắk Lắk xuất hiện một lớp cán bộ cách mạng ưu tú, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tiêu biểu là Y Wang Mlô Duôn Zu, Y Bih Alêô, Y Ngông Niê Kđăm, Y Nuê Buôn Krông (Ai Phương), Y Blốc Êban…
Tất cả những người nói trên đều là người dân tộc Ê Đê. Họ là con em các gia đình lao động nghèo khổ, thậm chí là con của tù trưởng A Ma Thuột như Y Nuê Buôn Krông. Ngoài Y Blốc là lính khố xanh thì hầu hết họ ban đầu chỉ là những đứa trẻ bình thường tại các buôn làng, bị bọn Pháp lùng bắt đưa về Buôn Ma Thuột để nuôi dưỡng, học hành và đào tạo để trở thành những viên chức tay sai của chúng. Mặc dầu bọn Pháp tuyên truyền, nhồi nhét tâm lý, tư tưởng phản cách mạng và thành kiến, phân biệt dân tộc giữa người Thượng và người Kinh nhưng mục đích cuối cùng của chúng đã không đạt được. Thực tế cuộc sống đã dần dần làm cho họ tỉnh ngộ, trong đó có sự chỉ dẫn, giáo dục của thầy Y Jút, Y Út những thầy giáo yêu nước, có tinh thần kháng Pháp trong các phong trào đấu tranh phản đối chính sách cai trị tàn bạo bất công của thực dân Pháp. Đặc biệt, trong phong trào đấu tranh và chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu Tháng Tám - 1945 đã đem đến cho họ luồng sinh khí mới, nhất là sự ảnh hưởng, uy tín của Đảng cộng sản, Mặt trận Việt Minh, của phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng, sự tuyên truyền giác ngộ của từ chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã dần dần làm cho họ hiểu rõ bộ mặt xâm lược, mị dân của thực dân Pháp và chỉ có một con đường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh mới giải phóng cho đồng bào thoát khỏi cảnh nô lệ. Do vậy nhiều người đã ngấm ngầm, bí mật ủng hộ hoặc trở thành cơ sở tin cậy của Mặt trận Việt Minh.
Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, Y Wang, Y Bih, Y Ngông, Y Nuê, Y Blốc công khai đứng hẳn về hàng ngũ Việt Minh, hăng hái tham gia và tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền và trở thành những cán bộ của Ủy ban Cách mạng lâm thời của tỉnh Đắk Lắk. Có thể nói tất cả những người nói trên là những lớp cách mạng ưu tú, cốt cán đầu tiên là người dân tộc Ê Đê của Đắk Lắk. Sau này, trong quá trình phấn đấu phục vụ sự nghiệp cách mạng họ đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội ta trên các lĩnh vực: Y Wang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội; Y Bih - Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Y Nuê (Ái Phương) - Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Y Blốc - Thiếu tướng quân đội; Y Ngông Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá IX.
Từ những trí thức, công chức, binh sĩ do thực dân Pháp tuyển mộ và đào tạo rồi đến với Mặt trận Việt Minh và trở thành cán bộ cao cấp của cách mạng. Đây chính là sự kỳ diệu của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.
3. Phong trào hành động
Tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động tạo sân chơi thiết thực cho các em học sinh trong dịp hè, đảm bảo các biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước xảy. Đồng thời tạo điều kiện và tổ chức tốt hoạt động tình nguyện tại địa phương.
Chuẩn bị công tác tổ chức tổng kết hoạt động hè của học sinh, sinh viên về sinh hoạt tại địa phương. (Phải có nhận xét đánh giá cụ thể trong phiếu sinh hoạt của từng cá nhân).
Tiếp tục tăng cường công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội trên địa bàn dân cư.
Triển khai và thực hiện tốt Hướng dẫn số 91-HD/TĐTN-TCKT, ngày 28/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “V/v hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018-2022”.
4. Sổ tay nghiệp vụ
4.1. Tìm hiểu về quy trình “Khôi phục hồ sơ đoàn viên”
- Trường hợp thất lạc sổ đoàn viên và thẻ đoàn viên nhưng còn Quyết định (Nghị quyết) chuẩn y kết nạp đoàn viên thì đoàn viên làm đơn gửi BCH Chi đoàn để đề nghị cấp lại Sổ đoàn viên và để Đoàn cơ sở tổng hợp, trình Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện cấp lại Thẻ đoàn viên theo quy định .
- Trường hợp khác: Đối với các trường hợp bị thất lạc hồ sơ đoàn viên (Sổ, thẻ, Quyết định hoặc Nghị quyết) nếu không đảm bảo điều kiện để khôi phục lại (không minh chứng được tư cách đoàn viên) thì bồi dưỡng, xem xét kết nạp đoàn viên như Điều 1, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
4.2. Tìm hiểu một số nội dung cơ bản về “chi đoàn”
Chi đoàn có dưới 09 đoàn viên: Có Bí thư, nếu cần thiết thì có thể có 01 Phó bí thư. Chi đoàn có từ 09 đoàn viên trở lên: Ban Chấp hành có từ 03 đến 05 ủy viên, trong đó có Bí thư và Phó bí thư. Chi đoàn sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần.
Đại hội chi đoàn khu vực địa bàn dân cư, chi đoàn trong trường học, Đoàn trường Trung học phổ thông, Đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là 1 năm 1 lần.
Đại hội chi đoàn cơ sở, chi đoàn trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, lược lượng vũ trang, Đoàn trường Trung cấp là 5 năm 2 lần (trừ chi đoàn trong các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Học viện).
III. CHỦ ĐỀ THÁNG 9 “Lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam ”
1. Nội dung tuyên truyền
Tuyên truyền kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021); 119 năm ngày sinh (06/9/1902 - 06/9/2021) và 79 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1942 - 06/9/2021); 91 năm ngày Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2021); 44 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc (20/9/1977 - 20/9/2021); 76 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2021); 80 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 - 27/9/2021).
Tuyên truyền những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; khẳng định công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế trong 76 năm qua.
Tuyên truyền, quyết liệt đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tác lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị.
Tuyên truyền Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2021.
2. Nội dung tìm hiểu : Tìm hiểu về “Cờ đỏ sao vàng - Hồn thiêng dân tộc”
Ai là người đã sáng tác ra Cờ đỏ sao vàng?
Tác giả của lá Quốc kỳ là một chiến sĩ Cộng sản kiên cường, dũng cảm hy sinh hiến dâng cả cuộc đời, tuổi trẻ cho Tổ quốc. Chiến sĩ Cộng sản đó là Nguyễn Hữu Tiến, sinh ngày 05/3/1901, quê người làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đồng chí Tiến đã ngã xuống trước họng súng tàn bạo của thực dân Pháp cướp nước vào ngày 26/8/1941 tại Hóc Môn với bản án tử hình của chúng.
Sớm giác ngộ cách mạng, ngay từ năm 1927, đồng chí Tiến đã tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau hai năm, năm 1929 đồng chí Tiến tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hà Nam. Năm 1931 đồng chí Tiến phụ trách in tạp chí “Búa Liềm” và các tài liệu tuyên truyền khác của cách mạng.
Bị giam trong nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), đồng chí Tiến là một “Nhà báo” làm báo trong tù. Đến năm 1933, đồng chí Tiến bị địch đày lên Sơn La, rồi từ Sơn La lại bị đày ra Côn Đảo. Từ Côn Đảo, đồng chí Tiến vượt ngục 02 lần, lần sau mới thành công. Đồng chí Tiến về hoạt động tại miền Tây Nam Bộ, gây dựng cơ sở cách mạng ở Châu Đốc, Sài Gòn Chợ Lớn. Đến năm 1920 đồng chí Tiến lại bị địch bắt và kết án tử hình cùng một số đồng chí Sứ uỷ Nam Kỳ như Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy tập, Võ Văn Tần…
Đồng chí Tiến có năng khiếu hội hoạ. Bởi thế “Hoạ sĩ” hằng ấp ủ hoài bão vẽ mẫu Cờ Tổ quốc, đồng chí Tiến từng dò hỏi các đồng chí về màu Cờ của các nước trên thế giới để tham khảo. “Hoạ sĩ” Tiến đã trăn trở rất nhiều với lá Cờ Tổ quốc. Mẫu cuối cùng mà “Hoạ sĩ” ưng ý nhất và đưa hỏi ý kiến tham khảo của các đồng chí và được nhiều ý kiến khen đẹp, giản dị và giàu ý nghĩa. Đó chính là lá Cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ Việt Nam hôm nay.
Người kéo Cờ trong ngày 02/9/1945
Những người kéo lá Cờ đỏ sao vàng trong ngày Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945 là hai cô gái Việt Nam, một cô là người dân tộc Tày, chiến sĩ giải phóng quân với bộ áo chàm, vòng bạc và một cô là nữ sinh Hà Nội với tà áo dài thướt tha.
Khi Bác Hồ dẫn đầu đoàn Hội đồng Chính phủ lâm thời đi qua kỳ đài bước lên lễ đài, Bác dừng lại hỏi cô gái áo chàm:
- Cô Loan quân giải phóng quân phải không?
Cô gái dân tộc Tày lễ phép thưa:
- Thưa Bác cháu là Loan đây ạ.
Bác quay lại với cô học sinh Hà Nội:
- Vinh dự lắm đấy các cháu ơi, cháu thi hành nhiệm vụ cho tốt.
Bác vừa đi vừa vẫy tay chào đồng bào bước lên lễ đài.
Theo sự phân công nữ chiến sĩ Đàm Thị Loan mà sau này là người vợ hiền của Đại tướng Hoàng Văn Thái, được giao nhiệm vụ kính cẩn nâng lá Cờ. Cô nữ sinh Hà Nội Lê Thi sau này là nữ tự vệ sao vuông - cảm tử quân Hà Nội được giao nhiệm vụ long trọng kéo Cờ. Cả hai đều được dặn dò kỹ lưỡng và được tập dượt từ trước.
Khi lá Cờ Tổ quốc từ từ kéo lên tung bay như múa giữa bầu trời thu xanh lồng lộng trong tiếng nhạc kèn đồng của bài “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên, cả hai người mắt cùng nhoà đi, họ đã trào những giọt nước mắt vô cùng xúc động, sung sướng và tự hào.
3. Phong trào hành động
Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tìm hiểu: 76 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 76 năm ngày Nam Bộ kháng chiến; 81 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn….
Tăng cường tổ chức quán triệt và nắm bắt diễn biến tư tưởng của ĐVTN; tiếp tục tổ chức cho ĐVTN tìm hiểu những chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Đoàn và chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó định hướng cho ĐVTN tự khẳng định và phát huy vai trò xung kích của mình.
Nhận xét, đánh giá và chuyển phiếu sinh hoạt hè cho các em học sinh - sinh viên đã hết thời gian tham gia sinh hoạt tại địa phương, đồng thời phối kết hợp với các trường học triển khai kế hoạch hoạt động Đoàn cho năm học mới. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động vui Tết Trung thu cho các em thiếu nhi tại địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố.
Phối hợp chặt chẽ với các trường học thực hiện tốt quy định đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú.
Tiến hành rà soát, thống kê về tình hình đoàn viên thanh niên trên địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố; xây dựng hệ thống quản lý đoàn viên, thanh niên phù hợp với đặc thù tại địa phương, đơn vị.
Thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào TTN tại địa phương, đơn vị.
4. Sổ tay nghiệp vụ: “Kỹ năng trình bày của người cán bộ Đoàn”
Trong rất nhiều kỹ năng cần thiết đối với người cán bộ Đoàn, một kỹ năng không thể thiếu được đó là kỹ năng trình bày. Để trình bày tốt một vấn đề đặt ra, người cán bộ Đoàn cần có các kỹ năng cụ thể sau: lắng nghe chăm chú; diễn đạt đơn giản; định nghĩa trong sáng, rõ ràng; quan tâm đến phản ứng của người nghe; gây ảnh hưởng; giải quyết thắc mắc.
Người cán bộ Đoàn là thủ lĩnh của thanh niên, để là tốt nhiệm vụ đó họ phải là người có tâm huyết với nghề nghiệp hoạt động chính trị, xã hội. Nắm vững phương pháp luận khoa học, có kiến thức xã hội đủ rộng. Thông thạo nghiệp vụ Đoàn - Hội - Đội và có kỹ năng công tác thanh niên.
Chúng ta đều biết, nghe thật tốt những gì người khác đang nói với chúng ta thì chúng ta mới có thể nói chuyện thật tốt được. Có ba yếu tố trong việc lắng nghe chăm chú đó là nghe - hiểu và vận dụng. Để hiểu được nghĩa chúng ta phải có một số kiến thức hoặc kinh nghiệm để có thể liên hệ với những điều mà chúng ta đang nghe. Nếu chúng ta có thể thiết lập được các mối liên hệ thì sự am hiểu của chúng ta sẽ phát triển và có được thông tin. Khi có được thông tin chúng ta nên vận dụng nó, có nghĩa là đặt thông tin vào trong từ ngữ với mối liên hệ với những điều đã biết. Điều đó thể hiện mức độ của sự am hiểu về thông tin mới.
Diễn đạt thông tin đơn giản có nghĩa sử dụng ngôn ngữ thông dụng bằng cách xây dựng những câu mang một thông điệp đơn giản. Các từ và câu càng đơn giản bao nhiêu thì người nghe cảng dễ hiểu và dễ nắm bấy nhiêu.
Định nghĩa trong sáng, rõ ràng có nghĩa là trong khi đang nói chúng ta có thể làm rõ ý nêu ra thì rất có ích cho người nghe. Có thể làm rõ những điều ta đang nói bằng cách đưa ra ví dự trực quan để minh họa.
Trong khi trình bày hãy quan tâm đến phản ứng của người nghe: Nếu người trình bày quan tâm đến phản ứng của người nghe bằng những biểu hiện cụ thể của họ như: mỉm cười, động tác gật đầu, vẻ không mệt mỏi… thì bản thân người trình bày có thể điều chỉnh những điều họ đang nói để đáp ứng lại những phản ứng của người ngồi nghe một cách tích cực hơn. Người trình bày có thể dừng lại và bình luận về một phản ứng của người nghe, để người nghe giải thích một cách rõ ràng hơn. Đây là cách tiếp cận tốt hơn nhiều so với việc bỏ qua những phản ứng kể cả với phản ứng tiêu cực của người nghe.
Gây ảnh hưởng: Để mọi người chăm chú lắng nghe là một việc khó, nếu người trình bày không có sự tác động thêm vào để thu hút sự chú ý thì người nghe chỉ có thể tập trung lắng nghe trong vòng vài phát đầu. Để gây ảnh hưởng, cứ năm phút một người trình bày nên đưa ra một câu nói tác động đến người nghe là điều rất quan trọng. Người nghe sẽ chăm chú lắng nghe nếu người trình bày nói với tốc độ khoảng 100 từ/phút, nếu nhanh hơn tốc độ đó sẽ khó lắng nghe, còn chậm hơn thì người nghe sẽ cảm thấy sốt ruột. Với tốc độ trình bày như vậy, cho phép người trình bày có khoảng thời gian im lặng. Giá trị của điều chúng ta nói ra là thông điệp gửi tới người nghe, giá trị của chúng ta nói là người nghe lắng nghe chăm chú và hiểu được thông điệp đó.
Giải quyết thắc mắc: Những người nghe có thể đặt câu hỏi với người trình bày, nhưng câu hỏi này chủ yếu để người nghe khẳng định lại những hiểu biết của mình. Để giải đáp người trình bày cần đưa ra thêm nhiều thông tin cụ thể hơn là việc nhắc lại những điều đã nói. Điều quan trọng là nên giải quyết thắc mắc từ quan điểm thực tế của mỗi cá nhân.
Hiểu được kỹ năng trình bày và biết vận dụng nó một cách thường xuyên giúp người cán bộ Đoàn hoàn thành tốt hơn công việc của mình đặc biệt với vai trò là thủ lĩnh của Thanh niên.
5. Kỹ năng nghiệp vụ
Trò chơi: Cam quýt mít dừa…
Trò chơi này cần 08 người chơi, lứa tuổi khoảng 8-13. Một người được cử ra làm người “cầm cái” đứng ngoài, 7 người còn lại xếp thành hàng ngang và được đặt tên thứ tự theo 7 loài quả: Cam – Quýt – Mít – Dừa – Dưa – Hồng – Cậy. Mỗi người đứng độc lập với nhau và đưa hai bàn tay ra sau lưng, đan vào nhau tạo thành một cái “bát hứng”. Tất cả đều hướng về một vạch làm “đích” phía trước - cách hàng ngang khoảng 10 - 15 mét.
Trò chơi bắt đầu khi chủ “cái” đi phía sau hàng ngang, cầm một vật nhỏ làm “cái” (quả bóng bàn hay hòn sỏi cuội chẳng hạn) bí mật bất ngờ đặt vào “bát hứng” của bất kỳ ai trong 7 người chơi kia. Người vừa đựợc đặt “cái”, cũng phải hết sức bí mật bất ngờ, cầm chặt “cái” và chạy vụt lên phía đích, làm sao tránh đựợc cú đá của 2 người đứng sát bên.
Người may mắn này chạy về tới đích và có quyền gọi tên của bất cứ bạn chơi nào (gọi theo tên quả) đứng dưới hàng ngang, lên đích cõng hoặc công kênh mình về hàng, trong tiếng vỗ tay reo hò của cả đội chơi. Sẽ thật vui khi người bị lên cõng cứ loay hoay, ì ạch mãi không cõng được bạn vì sức vóc yếu ớt hơn của mình.
Tất cả các trường hợp, người được đặt “cái” bị cú đá của bạn chơi chạm phải, hoặc lúng túng làm rơi “cái” xuống sân, đều là không thành công. Người đó coi như “mất lộc” và phải trở về vị trí cũ, để trò chơi tiếp tục như bắt đầu.
Ban Tổ chức - Kiểm tra