Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 14/12/2016

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 12/2016

1. Tìm hiểu về: Ý nghĩa tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người cha của các lực lượng vũ trang Việt Nam đã dạy: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: Ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Đội chỉ có 34 chiến sĩ kiên cường được chọn lọc từ các đội du kích ở Cao-Bắc-Lạng, một số đã học quân sự ở nước ngoài, hầu hết đã qua chiến đấu. Việc thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "...Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta". Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 được chọn làm Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Việt Nam Giải phóng quân là tên gọi của QĐND Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 11/1945. Việt Nam Giải phóng quân thành lập ngày 15/5/1945 trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước.

Vệ quốc đoàn: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời ngày 2/9/1945 đã lâm vào tình thế hiểm nghèo, thù trong, giặc ngoài. Ở phía Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào giải giáp quân Nhật. Ở phía Nam, thực dân Anh mở đường cho thực dân Pháp tiến vào với âm mưu biến Việt Nam trở về thời kỳ thuộc địa. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành sách lược mềm dẻo “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để giữ vững nền độc lập non trẻ. Để đáp ứng yêu sách của quân Tưởng đòi giải tán quân đội chính quy, tháng 11/1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn (còn gọi là Vệ quốc quân). Lúc này quân số quân đội ta khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã “Nam tiến” để giúp quân dân miền Nam chống lại thực dân Pháp đang tấn công xâm lược trở lại ở Nam Bộ.

Quân đội Quốc gia Việt Nam: Ngày 22/5/1946, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, Chính phủ ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị. Trong thời kỳ 1945-1950, có những người lính trong quân đội thực dân, đế quốc sang xâm lược Việt Nam, bị cảm hóa bởi cuộc kháng chiến vệ quốc chính nghĩa của quân dân ta đã tình nguyện gia nhập Quân đội ta, tham gia chiến đấu và công tác ở nhiều lĩnh vực như chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... Họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Quân đội Quốc gia Việt Nam trong buổi ban đầu xây dựng lực lượng.

QĐND Việt Nam: Từ năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành QĐND Việt Nam với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của QĐND Việt Nam. Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, QĐND Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7/5/1954, đập tan âm mưu thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc XHCN, vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc, là một bộ phận không tách rời của QĐND Việt Nam.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, QĐND Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968; chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam hợp nhất với QĐND Việt Nam, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Trải qua 71 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, QĐND Việt Nam luôn luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; một lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Theo daklak.gov.vn

2. Phong trào hành động

- Các cơ sở Đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền mang tính giáo dục cho ĐVTN tìm hiểu về Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) và Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đồng thời phối kết hợp với các đơn vị tổ chức cho ĐVTN tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, động viên thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình có công với cách mạng, các cụ gia neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn.

- Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động “Tình nguyện mùa Đông 2016” và “Xuân tình nguyện 2017”. Đặc biệt về chất lượng và quy mô, đa dạng hóa các loại hình tình nguyện; kết nối, hỗ trợ và định hướng các đội hình tình nguyện tự phát trong thanh niên; đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tại chỗ song song với phát triển các chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa đông. Thông qua hoạt động tình nguyện, trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề như bảo đảm an sinh xã hội, tham gia phát triển y tế, giáo dục ở tuyến cơ sở...

- Các Chi đoàn tổ chức sinh hoạt chủ điểm gắn với sinh hoạt chuyên môn, tổ chức tuyên dương ĐVTN có thành tích xuất sắc trong chương trình rèn luyện đoàn viên.

- Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.

­­­­­­­3. Sổ tay nghiệp vụ:

Về bầu có số dư, độ tuổi bình quân Ban Chấp hành và phiếu hợp lệ, phiếu không hợp lệ trong tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022

3.1 Về bầu có số dư

Danh sách bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ở mỗi cấp phải nhiều hơn số lượng cần bầu, cụ thể như sau:

- Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội chuẩn bị danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa mới có số lượng nhiều hơn so với số lượng cần bầu ít nhất 15%; số dư tối đa do đại hội quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu. Nhân sự giới thiệu bầu phải đảm bảo tiêu chuẩn; nếu trúng cử Ban Chấp hành khóa mới có thể phân công đảm nhận ngay nhiệm vụ trong Ban Chấp hành.

- Trường hợp tổng số ứng cử viên trong danh sách (gồm nhân sự do Ban chấp hành Đoàn khóa cũ đề cử, do đại biểu Đại hội đề cử và đại biểu tự ứng cử) nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch giải quyết theo trình tự sau:

+ Trao đổi để nắm nguyện vọng của các đại biểu được đề cử, ứng cử tại Đại hội. Nếu các đại biểu được đề cử, ứng cử tại Đại hội xin rút tên và tổng số ứng cử viên trong danh sách chưa vượt quá số dư 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.

+ Sau khi trao đổi với các đại biểu được đề cử, ứng cử tại Đại hội nhưng tổng số đại biểu nêu trong danh sách bầu cử vẫn nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội đối với những người được đề cử và ứng cử tại Đại hội (không lấy ý kiến đối với các nhân sự do Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu).

Trường hợp cần thiết, Đoàn Chủ tịch lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được đề cử, ứng cử tại Đại hội và căn cứ kết quả tín nhiệm, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử đảm bảo có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu. Trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách lấy phiếu tín nhiệm có nhiều người có số phiếu bằng nhau thì xin ý kiến Đại hội về việc để danh sách bầu cử có số dư cao hơn 30% so với số lượng cần bầu.

- Chốt danh sách bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải có số lượng nhiều hơn so với số lượng cần bầu ít nhất 15%.

3.2 Về độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành và độ tuổi theo chức danh

- Độ tuổi bình quân Ban Chấp hành là độ tuổi tính trung bình cộng của  tuổi các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành khóa mới.

- Việc xác định độ tuổi tham gia cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn và các chức danh được tính theo năm, lấy thời điểm tính là năm 2017.

- Ban Chấp hành Đoàn các cấp chủ động báo cáo cấp uỷ, rà soát, bổ sung nguồn nhân sự quy hoạch cho nhiệm kỳ mới, đảm bảo độ tuổi bình quân Ban Chấp hành theo quy định sau đây:

+ Cấp cơ sở: Bình quân dưới 28 tuổi.

+ Cấp huyện và tương đương: Bình quân dưới 29 tuổi.

+ Cấp tỉnh: Bình quân dưới 31 tuổi.

Đối với cơ sở Đoàn vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các cơ quan, doanh nghiệp, độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành có thể cao hơn 01 đến 02 tuổi; đối với Ban Chấp hành Đoàn trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Đảng ủy Công an Trung ương.

3.3 Phiếu hp l và không hp l

- Phiếu hợp lệ:

+ Là phiếu do Ban tổ chức Đại hội phát ra.

+ Phiếu bầu đủ hoặc thiếu số lượng định bầu.

+ Phiếu rõ ràng tên người bầu, không có ký tên, không đánh dấu ký hiệu.

+ Phiếu bầu mà danh sách bầu cử chỉ có 1 người thì bỏ phiếu trắng (không ghi tên trong phiếu bầu) vẫn được coi là phiếu hợp lệ. (Ví dụ: Bầu Bí thư hay Phó bí thư, danh sách bầu cử có 1 người thì phiếu trắng vẫn được coi là hợp lệ).

- Phiếu không hợp lệ

Có 5 trường hợp dưới đây được coi là phiếu không hợp lệ:

+ Phiếu không do Ban kiểm phiếu phát ra (phiếu giả).

+ Phiếu bầu thừa so với số lượng định bầu.

+ Phiếu viết tên người ngoài danh sách bầu cử.

+ Phiếu không bầu ai cả (gọi là phiếu trắng). Trừ trường hợp danh sách bầu cử chỉ có 01 người thì được coi là hợp lệ.

+ Phiếu ký tên, đánh dấu ký hiệu, phiếu viết chung chung, như: Tôi nhất trí bầu toàn bộ danh sách…

- Cách tính kết quả bầu cử:

Người trúng cử phải có số phiếu được bầu hợp lệ quá 1/2 so với số người tham gia bầu cử (tính theo số phiếu thu vào, nhưng phải tính từ cao xuống thấp).

+ Trường hợp bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng đã quyết định bầu, thì việc có tiếp tục bầu nữa hay không do đại hội quyết định.

+ Nếu đại hội, hội nghị tiến hành bầu lần thứ 2 mà vẫn thiếu số lượng định bầu thì không tiến hành bầu tiếp nữa. Nếu là bầu các chức danh chủ chốt của Đoàn thì báo cáo với cấp uỷ và Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định, nếu là bầu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên thì báo cáo để Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội quyết định.

Theo: Hướng dẫn Đại hội đại biểu Đoàn TNCS

Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022

4. Kỹ năng nghiệp vụ: Trò chơi

- Mục đích: Giúp đối tượng chơi có phản ứng nhanh nhẹn, tạo không khí vui vẻ trong học tập sinh hoạt.

- Số lượng: Dưới 100 người chơi, đứng thành vòng tròn.

- Nội dung: Quản trò quy định người bắt cá và cá.

+ Người bắt cá: Đứng đối diện nhau, hai tay của hai người nắm vào nhau và đưa lên cao.

+ Cá: Còn lại người chơi là cá, nắm tay vào nhau tạo thành vòng tròn.

- Cách chơi: Khi quản trò hô bắt đầu thì người chơi hát một bài hát tập thể, đi vòng tròn, chui qua tay của người bắt.

- Khi nghe tiếng còi (hoặc hô chụp) của quản trò, người bắt nhanh tay chụp xuống để bắt cá. Cá nhanh nhẹn thoát ra ngoài.

- Luật chơi: Cá nào bị bắt là thua. Người bắt cá không bắt được cá cũng thua, thay người khác làm đôi bắt cá, trò chơi tiếp tục. Khi nắm tay hát không được đứt đoạn trong vòng tròn.

* Chú ý: Tùy theo số lượng người chơi để cử người bắt cho phù hợp, không ít quá, nhiều quá.

BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready