Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 15/04/2015

Sửa đổi Bộ luật Dân sự: Băn khoăn quyền xác định lại giới tính

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Dự thảo Bộ luật có 5 điều có nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực y tế, cụ thể là Điều 27: Mất năng lực hành vi dân sự; Điều 37: Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Điều 39: Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể và hiến xác và Điều 40: Quyền xác định lại giới tính.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch lấy ý kiến của toàn ngành y tế vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

 

 

Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
(Ảnh: TH)


Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội thảo là quy định về quyền xác định lại giới tính (Điều 40). Theo đó, dự thảo Bộ luật đưa ra 02 phương án:

 

Phương án 1: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới

Phương án 2: Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Chuyển giới hiện nay đang là vấn đề phức tạp vì việc đổi giới tính không chỉ làm thay đổi bề ngoài sinh học mà còn có những thay đổi về mặt tâm lý, xã hội đối với cơ thể và giới tính mới. Nó cần có quá trình kiểm tra tâm lý lâu dài và điều trị hoóc môn nội tiết trước và sau khi phẫu thuật. Có nhiều trường hợp sau khi chuyển đổi giới tính xong, người đó lại muốn quay về giới tính ban đầu vì không thể thích nghi được trong 1 cơ thể mới và những trở ngại trong chuyện hòa nhập xã hội. Mặt khác, nếu ghi nhận quyền được “chuyển giới” sẽ kéo theo các phức tạp về mặt pháp lý đặc biệt trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Bên cạnh đó, quy định tại phương án 2 cũng chưa thực sự bảo đảm tính minh bạch của quy phạm do không quy định “trong trường hợp luật quy định” là những trường hợp nào? và “theo quy định của pháp luật” là quy định nào?

Song, PGS.TS.Trần Ngọc Bích (Bệnh viện Việt – Đức) lại đồng tình theo hướng nên cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam được thực hiện các kỹ thuật để can thiệp chuyển đổi giới tính cho những người không bị khuyết tật giới tính. Tuy nhiên, những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới thì cần phải có Nghị định riêng hướng dẫn về nội dung này. "Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nên quy định Điều riêng về nội dung này và quy định theo hướng “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật”, PGS.TS.Trần Ngọc Bích nói.

Theo đại diện của Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới tại Việt Nam), những thay đổi trong Dự thảo Sửa đổi Bộ luật Dân sự đã có sự thay đổi rất tích cực trong việc nhìn nhận quyền của người Chuyển giới tại Việt Nam.

Đồng thời, khuyến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự, theo Phương án 2, đồng thời bổ sung: "Việc chuyển giới được thực hiện theo quy định pháp luật. Thủ tục thừa nhận việc chuyển giới tại nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật”, để hợp pháp hóa việc chuyển giới cũng như thay đổi giấy tờ bởi cho rằng, dù việc phẫu thuật diễn ra ở nước ngoài thì cũng cần được thừa nhận và đó là tình trạng thực tế, giấy tờ cần phản ánh đúng.../.

Nguồn dangcongsan.vn (VN)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready