Sách Hỏi đáp thông minh: Xin lỗi, chịu không nổi
Bìa cuốn sách Hỏi đáp thông minh - dành cho học sinh tiểu học
Trong đó có cuốn Hỏi đáp thông minh - dành cho học sinh tiểu học giá 35.000 đồng (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Ngọc Xuân Quỳnh sưu tầm và biên soạn).
Chiều qua khi ngồi ăn cơm cùng gia đình, cháu đã lấy câu đố trong sách ra đố em mình: “Vào một sáng. Bi thấy trên đường có một khúc xương và một tờ giấy bạc 100 đồng. Tại sao Bi chỉ lấy khúc xương mà không lấy tiền?”.
Khi cả nhà không có câu trả lời thì cháu trả lời luôn: “Vì Bi là tên con chó”! Tôi thật sự hoảng và lật ngay các quyển sách cháu vừa đem về đọc lướt qua từng cuốn. Quả thật câu đố cháu vừa thuộc nằm lòng đó ở trang 67, 68. Chỉ biết thở dài vì trẻ con rất mau thuộc những điều các cháu thấy vui vui và ngộ ngộ như vậy.
Tiếp ở trang 69 phần câu hỏi: “Ngày mai là Thảo phải thi tiếng Anh. Thảo thấy mọi người bảo Bồ Tát rất linh nên lập tức đi thắp hương cầu xin Bồ Tát phù hộ để mai thi được suôn sẻ. Rốt cuộc Thảo vẫn thi trượt. Tại sao?”. Sang trang 70 câu trả lời là: “Bồ Tát không hiểu tiếng Anh đâu. Làm sao mà giúp được?”.
Chỉ câu đố vui vô tội vạ này thôi người sưu tầm, biên soạn và cả nhà xuất bản đã gieo vào đầu những đứa trẻ một cái nhìn đồng bóng trong học tập và thi cử, rằng cứ đến thi cử thì đi thắp nhang khấn vái là đậu, không cần làm bài. Huống chi trong mẩu chuyện này lại đem Bồ Tát vào một tình huống chọc cười rẻ tiền là Bồ Tát không nghe hiểu được tiếng Anh?!
Nếu biện minh cho nội dung cuốn sách là giải trí, tại sao bên dưới hàng chữ “Dành cho học sinh tiểu học” không thêm giùm một câu nữa là “Quyển sách chỉ mang tính chất chọc cù lét cho vui. Khuyến cáo người đọc không được học theo”?
Mà khổ tâm nhất của đa số phụ huynh là con nít học câu vè mau thuộc hơn bài học. Cái gì vui vui, ngộ ngộ là các cháu thuộc nhanh cấp kỳ, đứa này truyền cho đứa kia rồi cả trường cùng đọc lại những chuyện vui vui, ngộ ngộ đó một cách hồn nhiên.
Tôi nghĩ có lẽ người sưu tầm, biên soạn và cả nhà xuất bản đều thấy các câu hỏi đáp thông minh trong cuốn sách này vui vui, ngộ ngộ như các cháu tiểu học.
Ðiều thứ hai tôi muốn nói là nhà trường đã “nhắm mắt” giới thiệu sách cho các cháu. Ai là người thẩm định nội dung sau cùng trước khi đến tay các cháu? Có phải người thẩm định sách cho con luôn là phụ huynh chúng tôi hay không?
Khi nhận được giấy giới thiệu sách các cháu đem về, tôi đều xem kỹ tiêu đề từng cuốn mới cho con tiền đóng cho cô để nhận sách. Chậm hai, ba ngày là các cháu năn nỉ, nhắc nhở liên tục. Ðóng tiền xong con đem về sáu cuốn thì một cuốn vứt đi và tôi lựa lời bảo con đừng đọc.
Nói thật, ngồi đây nói những lời này mà thắc thỏm không biết vô lớp cháu có mượn của bạn đọc hay không. Làm sao “canh giữ” được tâm hồn con trẻ không phải vấy bẩn vì hằng hà sa số các cuốn sách nhảm nhí như vậy?
Một cặp câu hỏi - đáp án trong sách Hỏi đáp thông minh dành cho học sinh tiểu học
TheoTuoitre (CN)