Rớt tốt nghiệp mà đỗ ĐH, được không?
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, trả lời thắc mắc của học sinh Trường THPT Trí Đức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Điểm sàn quy định theo từng môn
Ngay khi bắt đầu chương trình, một học sinh (HS) lớp 12A5 đặt câu hỏi: “Giả sử em dự thi 5 môn và kết quả một trong 4 môn bắt buộc để xét công nhận tốt nghiệp THPT không đạt nhưng các môn theo tổ hợp xét tuyển đủ để trúng tuyển vào trường ĐH. Khi đó em có được học ĐH không?”.
Từ dự thảo quy chế mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, trả lời: “Nguyên tắc là thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới được tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ. Quy định này không chỉ áp dụng với các trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia mà cả với các trường có hình thức tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học bạ THPT. Vì vậy, dù điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển có tuyệt đối nhưng điểm các môn thi tốt nghiệp không đạt, thí sinh vẫn không thể trúng tuyển ĐH”.
Cũng là vấn đề rất mới, HS Bình An đặt câu hỏi rất thiết thực: “Sự thay đổi quy định điểm sàn xét tuyển ảnh hưởng thế nào tới thí sinh?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, khẳng định: “Đúng là năm 2015 Bộ đã điều chỉnh quy định điểm sàn trong dự thảo quy chế. Theo đó, nếu các năm trước Bộ quy định điểm sàn theo tổng điểm khối thi 3 môn, thì năm tới điểm sàn được quy định cho từng môn xét tuyển riêng biệt. Điều này có nghĩa, nếu trong 3 môn xét tuyển có một môn điểm thấp hơn sàn sẽ không được tham gia xét tuyển”.
Xôn xao trước thông tin “không được mang Atlat địa lý”
HS Nguyễn Thị Huyền Như (lớp 12A5) thắc mắc về việc có được mang Atlat địa lý vào phòng thi trong kỳ thi sắp tới không. Những thông tin mà đại diện Báo Thanh Niên cung cấp đã khiến HS và thầy trò Trường THPT Trí Đức xôn xao. Theo đó, trên Báo Thanh Niên ra ngày 27.12, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định HS sẽ không được mang Atlat địa lý vào phòng thi. Thí sinh nào mang vào coi như vi phạm quy chế thi.
Còn HS Phạm Hữu Hiền (lớp 12A6) phân vân: “Năm trước chọn trường xét tuyển căn cứ điểm chuẩn các năm trước đó. Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có điểm thi, vậy với học lực trung bình thì HS nên căn cứ vào đâu?”. Thạc sĩ Trần Duy Can, chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo và công tác sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn năm 2014 vẫn là cơ sở quan trọng để thí sinh tự đánh giá lực học của mình với ngành, trường đó.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý kỳ thi THPT quốc gia năm tới chỉ tổ chức các môn văn hóa mà không tổ chức các môn năng khiếu. Từng trường cụ thể sẽ tổ chức kỳ thi riêng hoặc xét tuyển kết quả môn thi đó ở các trường ĐH có tổ chức thi. Vì vậy, học sinh cần lưu ý kế hoạch tuyển sinh của từng trường nếu muốn xét tuyển bằng các môn này.
Trong khi đó, HS Lý Quốc Đạt (lớp 12C4) đặt một câu hỏi không dễ với Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: Ngành học nào tốt nhất và có cơ hội việc làm cao của trường? PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng trường này bày tỏ: “Trong thời điểm hiện tại, hút nhân lực nhất là các ngành liên quan đến thực phẩm như công nghệ môi trường, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học…”.
Tư vấn mùa thi trong giờ chào cờ
Vào 7 giờ ngày 29.12, buổi thứ 3 chương trình Tư vấn mùa thi 2015 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra trong giờ chào cờ đầu tuần của Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM). Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Lạc Hồng và CĐ Tài chính hải quan. Cũng tại buổi tư vấn, chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên sẽ trao 5 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho HS trường này.
Thanh Niên
|
Theo thanhnien