Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho tuổi trẻ học đường
Thông qua các hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa, các cuộc vận động đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ trong tỉnh rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Tăng cường đối thoại giữa giáo viên và học sinh
Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Đrắk) có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (khoảng 40-42%), địa bàn cư trú rộng, nhiều vùng giao thông đi lại khó khăn, nhà xa trường từ 20 - 60 km, các em phải ở trọ, thiếu ý thức tự giác học tập, dễ bị lôi kéo trốn tiết bỏ học đi chơi... “Nhiều năm làm chủ nhiệm, có không ít lớp khiến tôi đau đầu vì học lực yếu, thiếu ý thức tự giác trong học tập, thiếu tinh thần tập thể”, cô giáo Lê Thị Sen (Trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ. Với những lớp này, cô Sen dành nhiều thời gian gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh. Những em học yếu, cô sắp xếp cho ngồi cạnh bạn học khá để được kèm cặp, giúp đỡ.
Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ) thường xuyên trò chuyện, trao đổi với học sinh. Ảnh: N. Hoa |
Còn với học sinh hay vi phạm, cô Sen không yêu cầu “mổ xẻ” nguyên nhân trước tập thể lớp, thay vào đó cô đề nghị học sinh vi phạm viết nguyên nhân hoặc suy nghĩ của mình vào giấy (giống như viết thư) rồi gửi cho giáo viên chủ nhiệm. Thông qua một số bạn bè thân, hoặc trao đổi trực tiếp với gia đình, cô Sen sẽ xác thực nội dung trong bức thư. Có trường hợp cô gặp gỡ trao đổi với học sinh vi phạm sau khi biết chính xác nguyên nhân phạm lỗi; nhưng cũng có trường hợp cô viết thư hồi âm cho học sinh. Từ đó, nhiều học sinh đã mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng, những băn khoăn về chuyện học tập, quan hệ bạn bè, gia đình, thậm chí những điều thầm kín của tuổi mới lớn với cô giáo chủ nhiệm.
Ngoài ra, tiết sinh hoạt lớp, thay vì dành phần lớn thời gian để nhận xét, đánh giá, cô Sen lại kể cho học sinh nghe những mẩu chuyện về tinh thần vượt khó, những bài học làm người, về tình yêu thương, cách ứng xử trong cuộc sống... Qua cách làm này, ý thức học tập và rèn luyện của học sinh lớp cô Sen chủ nhiệm được nâng lên.
Dạy người, dạy chữ, dạy nghề
Cùng với đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo để nâng cao “sản phẩm” đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội, Trường Trung cấp Đắk Lắk quan tâm đến công tác giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên (HSSV), nhất là các em ngoại trú.
Thạc sĩ Lê Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, làm tốt dạy chữ, dạy nghề, dạy người, nhà trường không ngừng cải tiến chương trình đào tạo thiết thực; đổi mới cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của HSSV, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện, gắn học với hành, gắn học kiến thức với giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức lối sống.
Sinh viên Khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên tham gia hoạt động xã hội tại huyện Buôn Đôn. |
Vào đầu mỗi năm học, trường đều tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân” nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức và HSSV. Bên cạnh xây dựng nội quy kỷ luật học sinh, nhà trường xây dựng nội quy kỷ luật của cán bộ, giáo viên. Sự mẫu mực trong sinh hoạt, lối sống của thầy cô giáo sẽ là tấm gương đối với HSSV. Đặc biệt, Đoàn thanh niên nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các chương trình từ thiện xã hội, vì cuộc sống cộng đồng… thu hút đông đảo HSSV tham gia. Qua đó hình thành cho HSSV lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thời đại.
Kết thúc năm học 2015-2016, trường không có học sinh vi phạm pháp luật; có 20 HSSV ưu tú tham gia lớp nhận thức về Đảng. Tập thể nhà trường vinh dự nhận nhiều Bằng khen của Bộ GD-ĐT, Bộ Công an, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam về các phong trào thi đua.
Theo ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức trong thanh niên, HSSV ngày càng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ; bạo lực học đường xảy ra tại một trường THCS và THPT. Điều này đặt ra cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội nhiều vấn đề cấp bách về giáo dục lối sống cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên, nhi đồng cần có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chủ động, tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, mà nòng cốt là ngành Giáo dục, Thông tin - Truyền thông và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…
Theo baodaklak