Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 03/09/2015

Nói không với giáo dục áp đặt: Giáo viên tự thiết kế lại chương trình

Nói không với giáo dục áp đặt: Giáo viên tự thiết kế lại chương trình - ảnh 1 Học sinh Trường THCS thị trấn Neo, Bắc Giang. Đây là trường vài năm gần đây thay đổi cách dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh - Ảnh:  Tuệ Nguyễn
Học qua trải nghiệm thực tế
 
 
Nói không với giáo dục áp đặt: Giáo viên tự thiết kế lại chương trình - ảnh 2
Trước đây dự giờ theo thói quen là để đánh giá giáo viên có dạy đủ bài, đủ kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa hay không, nay dự giờ phải quan sát xem học sinh lĩnh hội kiến thức ra sao
Nói không với giáo dục áp đặt: Giáo viên tự thiết kế lại chương trình - ảnh 3
 
Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang
 

Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) là một trong số các trường được chọn thí điểm thực hiện chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS). Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng, cho biết: “Trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn với nội dung theo hướng tinh giản, cắt bỏ những thông tin cũ, kiến thức lý thuyết xa rời thực tế; bổ sung những nội dung có tính thực tiễn để HS được khám phá, trải nghiệm và thực hành, rèn luyện khả năng tự học cũng như làm việc theo nhóm”.

Ví dụ, nhóm sinh - địa - sử xây dựng và tổ chức cho HS khối 10 chủ đề bảo tồn cốm làng Vòng, Hà Nội. HS tìm cách tiếp cận, trao đổi với người dân làng Vòng và tìm hiểu qua nhiều tư liệu để biết được các đặc điểm về lịch sử, ý nghĩa văn hóa, dinh dưỡng, cách làm... Sau đó, HS đề xuất và áp dụng một số biện pháp để nâng cao chất lượng cốm, cách quảng bá cốm trong nước và ra nước ngoài; viết báo cáo kết quả nghiên cứu...
Tương tự, ở Trường THPT Thực nghiệm, Hiệu trưởng Phan Thị Luyến chia sẻ: “Việc triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình đã tạo ra bầu không khí và động lực cho các giáo viên đổi mới dạy học ở bộ môn mình; HS tự tin trong học tập, được lập kế hoạch, tổ chức làm việc nhóm...”.
Không chỉ ở các thành phố lớn, việc xây dựng lại chương trình cho phù hợp cũng trở thành nhu cầu bức thiết của cả các địa phương. Trường THCS thị trấn Neo, H.Yên Dũng, tỉnh miền núi Bắc Giang vài năm gần đây đã thay đổi cách dạy học theo hướng phát triển năng lực cho HS. Giáo viên các tổ bộ môn dành thời gian cho các trải nghiệm sáng tạo của HS. Phân luồng theo năng lực HS bằng 12 câu lạc bộ. Chính vì vậy, phân phối chương trình của từng lớp trong cùng một khối cũng không hoàn toàn giống nhau như trước.
Bà Đinh Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng trường này, cho hay: "Đã có rất nhiều bất ngờ khi chúng tôi cho HS được tham gia các hoạt động trải nghiệm. Ví dụ khi đưa các em đi thăm khu đổ rác thải của thị trấn và yêu cầu các em đưa ra các giải pháp xử lý, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý tưởng hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế; hoặc các em có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch rất hoạt bát và thu hút khách khi tới thăm các khu di tích trên địa bàn"...
Phải “cởi trói” cho giáo viên
 
 
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định từ 2 năm gần đây không còn việc phân phối chương trình từ Bộ xuống Sở, rồi từ Sở xuống các trường như trước nữa. Một bài học trước đây quy định dạy trong một tiết nay chỉ có thể dạy 1/2 tiết hoặc có thể kéo dài tới 2 - 3 tiết tùy vào điều kiện nhận thức và cách thiết kế bài dạy của HS. “Có ý kiến băn khoăn làm như vậy thì liệu thi tốt nghiệp, thi ĐH có được không, chúng tôi khẳng định việc thi cử và cách đánh giá sẽ phải thay đổi”, ông Hiển nói.
 

Bà Đinh Thị Thu Huyền còn cho rằng phụ huynh cũng cần phải thay đổi quan niệm về giáo dục. Lúc đầu không ít phụ huynh phản đối vì thấy con đi học mà như đi chơi, lớp học thì không có “tôn ti trật tự” như vẫn thường thấy. Tuy nhiên, dần dần phụ huynh thấy con mình năng động, hoạt bát hơn, mà hiểu biết cũng nhiều hơn nên họ yên tâm.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, chia sẻ: "Để cởi trói cho việc phân phối chương trình một cách cứng nhắc như cách làm lâu nay, thì việc đánh giá giáo viên cũng phải thay đổi đáng kể. Trước đây dự giờ theo thói quen là để đánh giá giáo viên có dạy đủ bài, đủ kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa hay không, nay dự giờ phải quan sát xem HS lĩnh hội kiến thức ra sao. Giờ học chỉ được xem là thành công khi mà HS sử dụng kiến thức ấy vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống ra sao, các em nêu chính kiến của mình thế nào về mỗi tình huống giáo viên đưa ra”.
Còn bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm, cho rằng Bộ GD-ĐT cần tăng cường quỹ thời gian và sự hỗ trợ của các chuyên gia cho hoạt động phát triển chuyên môn, đặc biệt là công tác bồi dưỡng giáo viên.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready