Nói chuyện trước công chúng - kỹ năng quan trọng của cán bộ Đoàn
Đ/c Nguyễn Mạnh Dũng đã chia sẻ những kinh nghiệm được đúc kết trong 21 năm công tác của bản thân với đông đảo đoàn viên thanh niên cơ quan Trung ương Đoàn |
Từ thực tiễn công tác 21 năm của bản thân, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đã đúc kết lại nhiều kinh nghiệm khi tham dự các hoạt động, chương trình, hội thảo, hội nghị để chia sẻ lại cho các cán bộ, đoàn viên cơ quan. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, nói chuyện trước công chúng là một kỹ năng rất quan trọng đối với những thủ lĩnh thanh niên.
Đối với các cán bộ Đoàn, đoàn viên cần nhận thức, xác định và phân loại các trường hợp khi nói trước công chúng như: tiếp khách, báo cáo với cấp trên, trình bày phát biểu tại một hội nghị, điều khiển hội nghị, phát biểu, diễn thuyết trước công chúng và tiếp xúc với báo chí. Ngoài ra, người diễn thuyết cần xác định mục đích nói chuyện trước công chúng, có thể phân trong 04 trường hợp cụ thể như: truyền tải thông tin, thuyết phục người khác, tranh luận, nói về hình ảnh của tổ chức và cá nhân mình,…
Đặc biệt, đồng chí có nhắc tới 6 yêu cầu mà Bác Hồ cũng đã có đánh giá và tổng kết, như: Sử dụng ngôn ngữ phù hợp, thích hợp với đối tượng (sinh viên, thiếu nhi, thanh niên...); chọn cách thức thu hút và biết dẫn dắt người nghe để đạt được mục đích diễn thuyết; nội dung diễn thuyết phải dễ hiểu (nói phải đạt được yêu cầu dễ hiểu với người nghe); bài diễn thuyết phải phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh và không gian; khi diễn thuyết cần có những chứng cứ, ví dụ rõ ràng minh chứng cho vấn đề mình đang nói; trong mọi hoàn cảnh diễn giải phải trung thực và không được xuyên tạc, tránh gây khó chịu cho người nghe.
Ngoài ra, đồng chí cũng nhấn mạnh về kỹ năng chuẩn bị trước khi nói, như xác định đối tượng cần được nghe (đội tuổi, thành phần, trình độ kiến thức, quan điểm người nghe và văn hóa vùng miền, địa điểm diễn thuyết). Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, nếu đến một hội nghị mà chúng ta không biết đối tượng, trình độ người nghe là ai thì khi nói sẽ lệch vấn đề mà người nghe quan tâm và không đạt được yêu cầu diễn thuyết. Người diễn thuyết cần sắp xếp bố cục bài nói, nói trong thời gian bao nhiêu lâu và gạch đầu dòng những vấn đề cần định nói.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện tự tin, gần gũi sẽ đem lại hiệu quả cao cho buổi diễn thuyết. Người diễn thuyết cần chú ý chuẩn bị trang phục phù hợp; tư thế khi nói thoải mái, không cứng nhắc; âm điệu nói lúc nhanh, chậm tùy theo đối tượng để có những âm điệu trầm, bổng khác nhau; khi nói nhìn và theo dõi người nghe. Khi diễn thuyết cần đáp ứng được 4 yêu cầu: dễ hiểu, hấp dẫn, thuyết phục và để lại ấn tượng sâu sắc với người nghe.
Các cán bộ, đoàn viên cơ quan Trung ương Đoàn cùng lắng nghe, nghiên cứu và chia sẻ áp dụng vào công việc thực tiễn |
Chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đã đưa ra các dẫn dắt cụ thể để áp dụng các kỹ năng vào thực tiễn, như: cách thưa gửi đơn giản, không dài dòng; khi vào đầu phải có sự phá cách, tao sự ấn tượng ngay từ đầu tiên; ngôn ngữ phù hợp với số đông, tránh dùng những khái niệm quá phức tạp; câu nói phải ngắn gọn, mạch lạc dễ dàng; cung cấp nhiều thông tin mới, lạ cho người nghe; kể chuyện minh họa cho những thông tin của mình, có sự phân tích sự vật, hiện tượng, sự kiện một cách sâu sắc; đưa ra được nhận xét sắc xảo bằng phương pháp so sánh, ẩn dụ để hấp dẫn người nghe.
Riêng đối với trường hợp trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí nhấn mạnh việc coi trọng và không được trốn tránh cung cấp thông tin. Các cán bộ Đoàn thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí cần lưu ý trả lời đúng câu hỏi, không vòng vo; trả lời phải ngắn ngọn, rõ ràng, không dài dòng; đa dạng hóa các hình thức thể hiện với cùng một câu hỏi; biết sử dụng phương pháp “hỏi khéo” lại phóng viên trong các trường hợp cần thiết chứ không được từ chối trả lời. Riêng đối với trả lời phỏng vấn truyền hình, nhất là truyền hình trực tiếp, cần chú ý đến trang phục, chuẩn bị kỹ nội dung để nâng cao độ tự tin.
*Những tình huống phát sinh khi đi cơ sở
Tại buổi chuyên đề, nhiều ý kiến của các cán bộ Đoàn hiện đang công tác tại Trung ương Đoàn đã tập trung thảo luận vào các tình huống phát sinh thực tiễn khi đi công tác tại cơ sở và khi tham dự một số hoạt động, chương trình của thanh niên.
Theo đồng chí Cảnh Chí Quân - Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn cho biết, khi đi cơ sở, trước một Hội nghị cần có những kỹ năng nào để điều hành hội nghị thu được kết quả cao.Trao đổi với đồng chí Quân, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm và gợi ý khi làm việc với cơ sở cần xác định rõ mục tiêu và nội dung cần trao đổi để tránh lãng phí thời gian và đạt được yêu cầu công việc đặt ra. Ngoài ra, người điều hành cần am hiểu sâu, rộng về nội dung cần trao đổi, cũng như chuẩn bị thật tốt nội dung, tài liệu của cuộc họp.
Công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Đoàn, đồng chí Phạm Hoàng Hải chia sẻ kinh nghiệm khi về cơ sở tham dự hoạt động khi được yêu cầu phát biểu mà bản thân chưa chuẩn bị thì cần xử lý như thế nào? Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng cũng nhắc nhở các cán bộ đoàn khi tham dự các hoạt động, hội nghị hay đến với đoàn viên thanh niên đều phải chuẩn bị tinh thần phát biểu và trả lời câu hỏi để trao đổi, thảo luận và chia sẻ với mọi người, không nên để bản thân rơi vào tình huống bị động, gây nên sự bối rối.
Là nữ cán bộ Đoàn của Văn phòng , đồng chí Vũ Thị Tuyết Mai cho biết nhiều nội dung mà bản thân không biết thì có nên trả lời hay không, hoặc hỏi về tình huống đã trả lời nhưng người nghe phản ánh lại thông tin không chính xác thì cần giải quyết như thế nào? Với kinh nghiệm của mình, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng cũng chia sẻ với các cán bộ Đoàn cần biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cơ sở; luôn có tinh thần cầu thị với thái độ trung thực và chân thành. Với những câu hỏi không trả lời được hoặc vượt quá thẩm quyền, có thể ghi nhận, tiếp thu rồi về nghiên cứu, tìm hiểu và trả lời sau.
Buổi sinh hoạt chuyên đề còn giúp các cán bộ Đoàn, đoàn viên cơ quan được chia sẻ nhiều kinh nghiệm về cách phát biểu và diễn thuyết trước thanh thiếu nhi sao cho phù hợp và cuốn hút được sự theo dõi của các em
Việc chuẩn bị kiến thức đầy đủ, toàn diện bằng phương pháp thường xuyên học hỏi, cập nhập thông tin, kiến thức khi tiếp xúc với các đối tượng là đoàn viên thanh niên và các đối tượng thanh niên khác là việc hết sức cần thiết đối với mỗi cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, kỹ năng dự đoán, chuẩn bị các tình huống phát sinh và rà soát lại thông tin trước khi gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi với thanh niên là kiến thức cần được trang bị cho mỗi người cán bộ Đoàn.
Với những kiến thức, kinh nghiệm được truyền đạt và những tình huống thực tế được trao đổi tại buổi sinh hoạt chuyên đề sẽ là những kiến thức quý giúp cho mỗi cán bộ Đoàn, mỗi bạn trẻ sắp trở thành những "thủ lĩnh" thanh niên trong tương lai có thêm hành trang để vững bước và tiếp nối được truyền thống vinh quang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để làm nên những trang sử mới cho cho đất nước và của tổ chức Đoàn.
Theo doanthanhnien