Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 06/12/2018

Những điểm mới quan trọng của Luật Tố cáo năm 2018

Trong những năm qua, Luật Tố cáo năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo; giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như:

- Luật chưa quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ...

- Một số quy định về trình tự thủ tục giải quyết tố cáo thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể trong việc xử lý đối với một số tình huống như: việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; quy định về việc rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ giải quyết tô cáo, về tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp...

- Chưa quy định rõ về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, do đó còn có trường hợp kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo không được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh, vì vậy gây ra những bức xúc cho người dân và xã hội.

- Các quy định về bảo vệ người tố cáo trong Luật khó thực hiện, chưa tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ đế bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất.

Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật. Vì vậy, cần phải xây dựng Luật tố cáo mới nhằm khắc phục tình trạng đó.

Luật Tố cáo năm 2018 (Luật số 25/2018/QH14) được ban hành ngày 12/6/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, gồm 9 chương và67 điều. So với Luật tố cáo 2011, Luật tố cáo 2018 có những điểm mới cơ bản như sau:

1.  Về phạm vi điều chỉnh

Luật Tố cáo năm 2018 chỉ nói chung là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, bỏ cụm từ "cán bộ, công chức, viên chức" trong Luật Tố cáo năm 2011. Quy định như vậy mang tính chất bao quát, không chỉ tố cáo hành vi của cán bộ, công chức, viên chức mà Luật Tố cáo năm 2018 còn mở rộng đối tượng khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

2. Về quyền của người tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định người tố cáo có quyền rút tố cáo, được bồi thường thiệt hại theo quy định.

3. Về nghĩa vụ của người tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định người tố cáo có trách nhiệm hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu.

4. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung người bị tố cáo có quyền được nhận các quyết định về việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; quyền được giải trình; được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung người bị tố cáo có nghĩa vụ: Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo.

5. Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với trường hợp: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức.

Bỏ nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2011 trong trường hợp: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

6. Thẩm quyền giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh… có quyền Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Luật quy định chi tiết hơn thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

7. Về xử lý ban đầu thông tin tố cáo

Luật mới rút ngắn thời gian xử lý thông tin ban đầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, kể từ ngày nhận đơn tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phức tạp thì 10 ngày (giảm 5 ngày so với Luật Tố cáo năm 2011).

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định: Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.

8. Bổ sung quy định về giải quyết tố cáo nặc danh

Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

9. Về trình tự giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 sửa quy định tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo thành thụ lý tố cáo; bỏ quy định công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo trong trình tự giải quyết tố cáo.

10. Về thụ lý tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 không quy định về thời hạn thụ lý tố cáo như Luật năm 2011. Luật Tố cáo năm 2018 quy định khi tố cáo có đủ điều kiện quy định thì thụ lý giải quyết. Bổ sung quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.

11.  Thời hạn giải quyết tố cáo

Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn giải quyết là 60 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, Luật Tố cáo năm 2018 giảm một nữa thời gian giải quyết chỉ còn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn.

Trường hợp đặc biệt phức tạp thì được gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Như vậy, so với Luật Tố cáo năm 2011 thời hạn giải quyết tố cáo theo Luật mới giảm một nửa thời gian.

12. Về rút tố cáo

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Tố cáo năm 2018, theo đó:

- Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

- Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

- Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

13. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo

Đây là quy định mới của Luật Tố cáo năm 2018, theo đó:

- Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan; cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

- Khi căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không còn thì người giải quyết tố cáo ra ngay quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo; thời gian tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.

- Người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

- Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo phải nêu rõ lý do, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và gửi đến người tố cáo, người bị tố cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

14.Về kết luận nội dung tố cáo

Luật năm 2018 quy định: "Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo".

15. Về xử lý kết luận nội dung tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 quy định: "Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý."./.

Theo thuvienphapluat

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready