Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 17/11/2017

Những cống hiến thầm lặng của thầy giáo mang quân hàm xanh

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen cho các thầy giáo mang quân hàm xanh.

Tham dự buổi gặp mặt còn có 30 học sinh tiêu biểu minh chứng cho nỗ lực của những thầy giáo mang quân hàm xanh trong suốt những năm qua.

“Nâng bước em tới trường”

Tại buổi gặp mặt, Thiếu tá Phạm Công Khanh, Đồn biên phòng huyện Bát Xát (Lào Cai), người có hơn 10 năm trực tiếp tham gia dạy xóa mù cho người dân xã Bản Vược chia sẻ: Kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời gian dạy học là được gần với người dân, hiểu hơn những khó khăn, vất vả, từ miếng cơm, manh áo tới ước ao được học cái chữ của người dân nơi đây.

Đồn biên phòng nơi anh Khanh công tác hiện đang giúp đỡ sáu học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, trong đó phần lớn học sinh có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng thì có lẽ giấc mơ học chữ đối với các em có thể không trở thành hiện thực. Trường hợp em Phạm Phương Anh, ngay từ khi sinh ra đã không có mẹ, bố bị bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam cho nên bản thân em cũng không khỏe mạnh. Bằng tình thương, trách nhiệm của người lính, Đồn biên phòng Bát Xát cũng như cá nhân anh Khanh đã có những giúp đỡ thiết thực bằng vật chất và tinh thần để em Phạm Phương Anh được chăm sóc sức khỏe và được đến trường.

Cũng từ trường hợp em Phương Anh, anh Khanh mong rằng, Đảng, Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ để những em có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo được chăm sóc về y tế, được tạo điều kiện học tập và hòa nhập. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có những rà soát và chính sách tích cực hơn nữa để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng Ban vận động quần chúng, có 28 năm công tác tại Đồn biên phòng tỉnh Đác Lắc, đã gắn bó và chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên, hình ảnh những đứa trẻ chạy bộ đến trường giữa nắng gió đã ám ảnh anh, khiến anh đi đến quyết định xin từng chiếc xe đạp cũ rồi sửa lại tặng các em. Với anh Phúc, đây là việc làm tuy nhỏ bé nhưng đó là tình cảm của anh dành cho nhân dân vùng biên giới, đặc biệt là các em học sinh, tiếp thêm niềm tin, niềm vui đến trường cho các em. Anh Phúc nhớ lại, đến nay, đã có 96 chiếc xe đạp cũ anh tự tay sửa chữa và tặng cho 96 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là người Việt Nam, những năm qua, bộ đội biên phòng ở nhiều địa bàn còn nhận chăm sóc, đỡ đầu các học sinh nước bạn Lào, Campuchia. Chia sẻ về nhiệm vụ này, Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước đang nhận cưu mang sáu em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có một em là người Campuchia với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng, cho tới khi các em tốt nghiệp THPT.

Theo anh Hợp, nếu không có sự hỗ trợ thì khả năng đến trường của các em sẽ rất khó khăn, tỷ lệ bỏ học cũng tăng cao. Anh Hợp cũng mong rằng, Nhà nước có những chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới để đời sống người dân bớt khó khăn, có như vậy mới bảo vệ được biên giới vững chắc.

Đề xuất chế độ hợp lý

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự xúc động, cảm phục trước tấm lòng, sự nỗ lực của những người thầy mang quân hàm xanh. Bộ trưởng cho biết, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, xóa mù chữ, duy trì kết quả phổ cập, học tập cộng đồng nói riêng còn nhiều khó khăn, nhất là với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vì vậy, sự tham gia tích cực của các đồn biên phòng đã hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thống kê cả nước còn khoảng 50.000 người mù chữ, trong đó tập trung nhiều nhất ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận để giải quyết bài toán xóa mù với những vùng này không phải dễ dàng, do khó khăn về cơ sở vật chất cũng như tập quán của người dân. Một phần nhiệm vụ nặng nề đó đã được bộ đội biên phòng đảm nhiệm và triển khai rất tốt trong thời gian qua.

Cụ thể, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng trong cả nước đã huy động được hàng vạn ngày công để xây dựng trường, lớp, đồng thời tham gia giảng dạy tại các lớp xóa mù chữ, vận động trẻ em trong độ tuổi đi học, vận động hàng chục nghìn học sinh bỏ học quay lại trường, đặc biệt đã nhận đỡ đầu hàng 100 học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được đi học.

Ghi nhận và biểu dương những đóng góp hiệu quả của bộ đội biên phòng nói chung và những thầy giáo mang quân hàm xanh nói riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai hợp tác sâu hơn nữa, trong đó sẽ đẩy mạnh mô hình thầy giáo quân hàm xanh tới tất cả các địa bàn có bộ đội biên phòng.

“Để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho biết, sẽ có những đầu tư bài bản hơn nữa như hỗ trợ về chuyên môn, chương trình, sách giáo khoa; đồng thời đề nghị để có chế độ hợp lý cho những thầy giáo mang quân hàm xanh. Mỗi thầy giáo mang quân hàm xanh sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục có những cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở những nơi khó khăn của Tổ quốc. Việc làm đó không chỉ giúp học sinh, người dân biết chữ mà còn góp phần thiết thực đào tạo ra một thế hệ giàu tình yêu đất nước và đoàn kết để bảo vệ biên cương Tổ quốc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng Bằng khen cho 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Tổ quốc và tặng quà cho 30 em là học sinh đang được các đồn biên phòng, các thầy giáo mang quân hàm xanh giúp đỡ.

Theo nhandan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready