Nhìn lại năm 2017: Tạo bước chuyển cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Sinh viên Trường đại học Thủy lợi (Hà Nội) trong ngày nhận Bằng tốt nghiệp. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Thi THPT quốc gia nhẹ nhàng
Một trong những vấn đề đáng chú ý của giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) năm 2017 là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia khá suôn sẻ. Kỳ thi năm 2017 có khá nhiều điểm mới với năm bài thi, trong đó có ba bài độc lập, hai bài tổ hợp. Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm nhằm rút ngắn thời gian, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, hạn chế đến mức thấp nhất gian lận, tiêu cực. Việc tổ chức điểm thi được đặt tại các trường hoặc liên trường THPT ở các quận, huyện tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, giảm nhiều áp lực đi lại và tốn kém kinh phí so với trước đây… Kết quả, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm với 36.809 phòng thi với tổng số gần 90 nghìn cán bộ tham gia làm công tác thi. Vấn đề nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội chính là thời gian thi rút ngắn còn 2,5 ngày. Các điểm thi tại trường hoặc liên trường phổ thông đặt ở địa phương đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, lo chỗ ăn ở mà “đi thi như đi học”. Kỳ thi hầu như không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn. Việc đổi mới phương thức thi và nội dung câu hỏi thi giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy sở trường, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT, đồng thời hạn chế việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan đã từng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia vẫn để lại băn khoăn khi kết quả thi của thí sinh năm 2017 đạt cao hơn những năm trước. Hàng nghìn thí sinh có môn thi đạt điểm 10 cùng với nhiều thí sinh có ba môn thi theo khối xét tuyển đại học đạt 30 điểm, cho thấy mức độ phân hóa thí sinh chưa cao, gây nên những khó khăn, bất cập trong công tác tuyển sinh đại học. Điều đó đòi hỏi năm 2018, vấn đề đề thi THPT quốc gia cần được tính toán kỹ lưỡng hơn để bảo đảm tốt nhất cả hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.
Lùi chương trình giáo dục phổ thông
Cùng với kỳ thi THPT quốc gia, việc lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội (Nghị quyết 88) cũng là vấn đề đáng quan tâm. Quá trình triển khai CTGDPT, Bộ GD và ĐT đã cố gắng và hoàn thành xây dựng chương trình tổng thể trong năm 2017 và dự thảo các chương trình môn học để tổ chức các hội thảo, xin ý kiến góp ý. Ngoài ra, Chính phủ và Bộ GD và ĐT cũng đã quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai CTGDPT mới. Các địa phương và cơ sở giáo dục có những động thái tích cực trong việc hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình...
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn một năm so với kế hoạch. Chương trình các môn học mới là dự thảo, cho nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương... Mặc dù Quốc hội đã thông qua việc lùi thời gian áp dụng CTGDPT mới nhưng đó cũng là bài học để Bộ GD và ĐT cần có sự chủ động hơn trong việc triển khai, hoàn thành đúng mục tiêu thời gian áp dụng chương trình. Bởi đổi mới CTGDPT là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm mới của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tăng kiểm định, nâng cao hiệu quả tự chủ đại học
Việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) là vấn đề quan trọng, làm cơ sở để phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, là điều kiện quan trọng để xã hội biết, đánh giá. Năm 2017, lần đầu tiên Bộ GD và ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm định, xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng cơ sở GDĐH và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các trường. Vì vậy, có 208 trường được thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nhiều trường đại học mạnh dạn tham gia kiểm định với các tổ chức quốc tế. Trong đó, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hoàn thành kiểm định và được trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp trường của Mạng lưới các trường đại học Đông - Nam Á (AUN) và trở thành trường ĐH đầu tiên ở Đông - Nam Á đạt chuẩn chất lượng AUN. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã tạo ra sức lan tỏa tích cực trong toàn hệ thống, góp phần hình thành văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học, trong các hoạt động đầu tư, đặt hàng đào tạo và nghiên cứu, liên kết, hợp tác đào tạo, tuyển dụng lao động qua đào tạo… trong toàn xã hội.
Cùng với kiểm định, vấn đề tự chủ được coi là “chìa khóa” tháo gỡ những bất cập, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Vì vậy, trong năm 2017, ngoài 23 trường được thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ còn có khá nhiều vấn đề trong giáo dục đại học được Bộ GD và ĐT chú trọng tạo cơ chế để các trường từng bước tự chủ. Quá trình thực hiện tự chủ, một số trường có uy tín đã thể hiện trách nhiệm trong việc cơ cấu lại hệ thống cao đẳng, đại học và chứng tỏ sự lan tỏa uy tín trong toàn hệ thống. Các cơ sở GDĐH khi tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; từng bước đổi mới cơ chế hoạt động ngày càng hiệu quả. Phần lớn các trường đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội, chú trọng thực hiện cam kết đối với người học. Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy, thúc đẩy các trường liên kết với thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Năm 2017 khép lại, giáo dục và đào tạo vẫn còn một số vấn đề đặt ra như vấn đề an toàn trong trường học, giáo viên bạo hành trẻ, trẻ đuối nước, lạm thu đầu năm học vẫn còn xảy ra; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương còn khá phổ biến; tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm vẫn cao... Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của ngành giáo dục trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, GD và ĐT đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề quan trọng cho những bước đổi mới căn bản, toàn diện tiếp theo.
Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Ô-lim-pích các môn văn hóa đạt kết quả xuất sắc, cao nhất từ trước đến nay với 31 huy chương (14 Huy chương vàng, 13 Huy chương bạc, bốn Huy chương đồng) và ba Bằng khen. Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, xếp thứ ba toàn đoàn sau Mỹ và Ấn Độ.
Các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, tài năng, tiên tiến được nhiều trường đại học quan tâm phát triển. Kết thúc năm 2017, các cơ sở đào tạo triển khai 35 chương trình tiên tiến; 16 chương trình kỹ sư chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Pháp; 50 chương trình theo định hướng nghề nghiệp và gần 200 chương trình chất lượng cao khác. Ngoài ra, các trường đại học còn có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới.
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Theo nhandan