Người mẹ hiền gần 30 năm của học trò vùng cao
Đứng lớp lần đầu vào năm 1995, thấm thoát đến nay đã 28 năm cô Bùi Thị Trinh vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.
Vượt lên khó khăn…
Cô Trinh kể, giáo viên vào thời đó sắm vai như những người đi khai trường, mở lớp, nên mọi gian truân, thiếu thốn đều đã trải qua hết. Để đến được trung tâm huyện Sơn Tây, những giáo viên như cô Trinh phải đi bộ từ huyện Sơn Hà lên. Vào được lớp cắm bản tại xã Sơn Mùa càng đầy ải hơn. Nhiều đoạn phải tự băng rừng tìm đường mòn mà đi. Những ngày đầu, thầy cô giáo cùng đồng bào nơi đây phải dựng lều bằng lồ ô, tre, nứa mới có chỗ dạy học và nơi ở tạm cho giáo viên.
Hơn 10 năm cắm bản là những ngày tháng cô Trinh và các đồng nghiệp cùng ăn, cùng ở với đồng bào vùng cao. Thêm một đứa trẻ, một dân làng Ca Dong biết đọc, biết viết đó đã là niềm động lực to lớn để cô tiếp tục phấn đấu, công hiến. Theo thời gian, điều kiện dạy và học của cô trò nơi đây đã được cải thiện hơn rất nhiều, nhưng những vấn đề nan giải của ngành giáo dục vùng cao vẫn còn đó, khi tỷ lệ học sinh ra lớp chưa như kỳ vọng, nạn tảo hôn, trẻ chậm biết viết, đọc…
Nâng bước học trò nghèo…
Đã nhiều mùa bông đót bung nở trên những cánh rừng Đông Trường Sơn, đó là khoảng thời gian rất dài để sự đồng cảm của cô Trinh dành cho đồng bào nơi đây thêm đậm sâu, thôi thúc cô tiếp tục hành trình gieo chữ đến nay mà không chọn lối về xuôi. Cô Trinh chia sẻ, ở đây không có học sinh cá biệt mà chỉ có “phụ huynh cá biệt”, khi nhận thức của đồng bào về việc học của con trẻ là chưa thật sự rõ ràng, nên các em vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn ở đồng bằng.