Ngành nào thu hút thí sinh ?
Tính đến sáng 4.8, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã nhận được 2.430 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh (TS) nộp hồ sơ có mức điểm từ 18 - 25, trong đó đa số có điểm từ 21 - 22 trở lên. Riêng TS có tổng điểm 3 môn từ 23 điểm trở lên chiếm khoảng 1/3 số lượng hồ sơ. Theo đại diện nhà trường, so với mức điểm xét tuyển 18 trường đã công bố, TS có mức điểm này cơ hội trúng tuyển không cao.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, các ngành có nhiều hồ sơ là: kinh doanh quốc tế (433), marketing (334), luật dân sự (317), luật kinh doanh (277), luật tài chính - ngân hàng (223), kinh tế đối ngoại (188), tài chính - ngân hàng (179). Mỗi ngành của trường chỉ dao động từ 60 - 130 chỉ tiêu.
Đã có hơn 600 hồ sơ nộp về Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM với khối ngành kinh tế - kinh doanh. Trong đó, chỉ riêng TS từ 19 điểm trở lên đã có khoảng 550 người.
Ở các trường đa ngành, số lượng hồ sơ nộp vào khối ngành kinh tế cũng đang chiếm ưu thế. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trong tổng số khoảng 8.800 hồ sơ, đã có khoảng 460 vào ngành quản trị kinh doanh tổng hợp (360 chỉ tiêu). Số lượng hồ sơ các ngành khác lần lượt: kế toán (866 - 765 chỉ tiêu), tài chính - ngân hàng (713 - 585 chỉ tiêu), marketing (153 hồ sơ - 90 chỉ tiêu)…
Hiện tại, có đến 1.468 TS nộp hồ sơ vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Sài Gòn, trong khi chỉ có 350 chỉ tiêu. Số lượng hồ sơ các ngành khối kinh tế khác cũng rất cao: kế toán (1.144 hồ sơ - 350 chỉ tiêu), tài chính - ngân hàng (846 - 350).
Tại Trường ĐH Hoa Sen, trong tổng số khoảng 900 hồ sơ, các ngành khối kinh tế cũng chiếm đa số: quản trị kinh doanh (189 hồ sơ), quản trị khách sạn (171), quản trị nhân lực (147), tài chính ngân hàng (147)…
Ngành nào nhiều, ngành nào ít hồ sơ ?
Đến chiều 4.8, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã cập nhật danh sách gần 800 TS đăng ký xét tuyển vào trường. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, để tiện cho TS tra cứu và xác định khả năng trúng tuyển, trường chỉ công bố trước hết danh sách nguyện vọng (NV) đầu tiên của TS. Hiện nay, TS có điểm cao nhất nộp hồ sơ ngành báo chí là 27,5 điểm (khối C), điểm thấp nhất tính cả 3 tổ hợp môn là 20,75. Đã có 80 TS nộp hồ sơ vào ngành báo chí trong tổng số 130 chỉ tiêu. Quan hệ quốc tế 71 TS từ 17,5 điểm trở lên, ngôn ngữ Anh 122 TS (trong đó 98 TS từ 30 điểm trở lên - môn ngoại ngữ nhân hệ số 2). Ngược lại, ngành công tác xã hội mới nhận 8 hồ sơ, giáo dục học 4, ngôn ngữ Nga 1… Điểm hồ sơ thấp nhất tất cả các ngành hiện tại là 16.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng công bố cụ thể số lượng TS có NV1 vào từng ngành. Theo danh sách công bố chiều 4.8, ngành bác sĩ đa khoa có 82 TS điểm từ 23 trở lên (trong đó 52 TS từ 26 điểm trở lên). Ngành bác sĩ răng hàm mặt mới có 14 TS từ 23,25 điểm trở lên; dược sĩ 44 TS từ 21 điểm.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, hiện các ngành có đông TS nộp vào và có phổ điểm cao nhất vẫn là công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm (17 - 18 điểm).
Công bố trúng tuyển tạm thời
Bằng phần mềm xét tuyển riêng, nhiều trường ĐH công bố danh sách TS và mức điểm xét tuyển tạm thời theo từng ngày.
Đến chiều 4.8, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã công bố danh sách TS trúng tuyển tạm thời vào từng ngành. Theo đó, so với mức điểm xét tuyển trường công bố ban đầu, một số ngành có số lượng TS nộp vào nhiều gồm: công nghệ kỹ thuật ô tô (65 hồ sơ - 150 chỉ tiêu), công nghệ thông tin (66 - 130), công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (44 - 200), công nghệ may (41-80)... Ngược lại, một số ngành mới chỉ có vài TS trúng tuyển tạm thời gồm: kinh tế gia đình, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông...
Đồng thời với việc công bố danh sách TS theo tất cả NV, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho phép TS đăng nhập tài khoản cá nhân trên website để xem danh sách trúng tuyển tạm thời. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trong danh sách trúng tuyển tạm thời này trường xác định TS trúng tuyển ở NV đầu tiên, loại bỏ các NV sau để không có tình trạng “ảo” xảy ra. Tuy nhiên, chỉ những TS đã đăng ký xét tuyển trực tuyến vào trường mới xem được danh sách này.
Công khai dữ liệu xét tuyển, mỗi trường một kiểu
Hôm qua, hàng loạt trường đã công khai dữ liệu xét tuyển trên website của trường. Tuy nhiên, nhiều TS phản ánh mỗi trường “treo” một kiểu, vừa khó tìm vừa khó theo dõi.
Một số TS phản ánh, website của Trường ĐH Kinh tế quốc dân khá nặng, rất khó mở. Số thứ tự của TS chỉ được hiện từ thứ 1 đến thứ 999. Từ 1.000 trở đi không hiện số thống kê nữa.
Các TS còn phàn nàn những trường tuyển sinh theo ngành (như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội...) liệt kê hàng nghìn TS mà không phân chia theo ngành để dễ quan sát. Danh sách của Học viện Nông nghiệp VN chỉ thống kê thông tin và kết quả thi mà không xếp hạng, thậm chí còn không cộng cả tổng điểm mà TS đạt được nên rất khó theo dõi. Website của Trường ĐH Thủy lợi chỉ cho phép từng TS tra cứu chứ không công khai danh sách tổng thể khiến TS đang muốn tham khảo để quyết định có nộp phiếu xét tuyển vào trường này hay không gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin.
Trong khi đó, đến chiều 4.8, nhiều TS ở Hà Nội phản ánh chưa nhận được giấy báo kết quả thi. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong mấy ngày nay sở này đã giải quyết các khiếu nại tương tự ở nhiều cụm thi. Hiện còn hơn 80 trường hợp dự thi tại cụm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân chủ trì chưa có giấy báo kết quả.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường đã cho bộ phận kỹ thuật rà soát lại và khẩn trương in giấy báo kết quả cho TS, đảm bảo đầu giờ ngày 5.8 sẽ giao cho Sở GD-ĐT Hà Nội.
Quý Hiên
|
Theo thanhnien