Nét mới ở một trường vùng xa
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh sau giờ tan trường. |
Trò chuyện với các thành viên Đoàn công tác, cô Lê Thị Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Vào những ngày trước lễ khai giảng, các em học sinh đi học rất đông đủ, nhưng sau khi nhận sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập, quần áo do Nhà nước hỗ trợ thì sĩ số lớp bắt đầu thưa. Những lúc đó, giáo viên lại xuống thôn, buôn gặp gỡ phụ huynh tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nhưng không phải lúc nào cũng gặp được phụ huynh, vì họ thường ở lại lán trại làm rẫy cách nhà nhiều ki-lô-mét, để con cái ở nhà cho ông bà chăm sóc, hoặc đứa lớn trông coi đứa nhỏ”. Hiểu rõ đời sống, tâm lý của bà con trong xã, vào những lần họp phụ huynh hoặc xuống thôn, buôn tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con ra lớp, các thầy, cô giáo của trường vẫn “rỉ tai” với bố mẹ các em rằng, đầu tư cho con cái ăn học là khoản đầu tư không bao giờ lỗ và chỉ có con đường học vấn mới giúp tương lai các con thoát nghèo. Cùng với đó, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em thêm yêu trường, mến bạn; kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị cải thiện điều kiện học tập, tặng suất học bổng, sách, vở, bút… cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó vài năm học gần đây nhà trường luôn duy trì sĩ số, không còn tình trạng học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ hè, hoặc vào mùa lên nương, lên rẫy; chất lượng giáo dục 2 mặt (hạnh kiểm và học tập) của học sinh nâng lên rõ rệt. Dẫu chưa nhiều, nhưng học sinh của trường đã đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, được chọn vào đội tuyển của huyện tham dự Cuộc thi giải Toán, giải tiếng Anh qua mạng Internet. Năm 2013, nhà trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Năm học 2015-2016, trường có 427 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 398 em. Để nâng cao chất lượng dạy-học, trường mạnh dạn thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới VNEN đối với học sinh khối lớp 5. Theo đó, trường huy động học sinh lớp 5 ở 3 điểm trường lẻ về điểm trường chính tổ chức dạy học. Bước đầu, các em học sinh ở các điểm trường lẻ đã quen với trường, lớp, bạn bè và quen dần với phương pháp dạy học mới; các em không còn rụt rè mà đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, trong học tập. Xác định rõ động cơ, mục tiêu học tập sẽ giúp thầy và trò Trường Tiểu học Lê Đình Chinh vượt qua khó khăn, tự khẳng định mình biến ước mơ thành sự thật, nhưng con đường đến trường của học sinh nơi đây còn khá chông chênh. Ngoài điểm trường chính được đầu tư khang trang, sạch đẹp, thì 3 điểm trường còn lại, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, xuống cấp; khoảng cách từ nhà học sinh đến các điểm trường khá xa, có em học sinh phải đi gấp đôi, gấp ba quãng đường quy định do đó sĩ số lớp học khó bảo đảm, nhất là vào mùa mưa.
Theo baodaklak