Nâng cao chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú ở Đắk Lắk
Trong giờ học của học sinh lớp 12 Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng (Đắk Lắk).
Với đặc thù có đông đồng bào DTTS, trong những năm qua, cùng với đầu tư mở rộng các cơ sở giáo dục đến tận các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng khó khăn, tỉnh Đắk Lắk cũng luôn quan tâm phát triển mạnh hệ thống các trường PTDTNT. Toàn tỉnh có 15 trường PTDTNT cấp huyện với 2.327 học sinh và một trường THPT DTNT cấp tỉnh với 550 học sinh. Hầu hết các trường PTDTNT đều được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, có phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa năng, khu ký túc xá cho học sinh nội trú… an toàn bảo đảm môi trường sư phạm... Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Không chỉ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường PTDTNT trong tỉnh luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực toàn diện cho học sinh; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, nghiên cứu. Ngoài ra, các trường PTDTNT còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa bổ ích khác như: Giáo dục phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; bảo vệ môi trường; chấp hành luật giao thông; học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… nhằm giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Từ năm học 2008-2009 đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 5.251 học sinh dân tộc trong các trường PTDTNT tốt nghiệp THCS, trong đó số học sinh vào các trường THPT là 4.821 em. Đối với các em tốt nghiệp THPT, có 1.260 em vào các trường đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 69,84%... Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT ở Đắk Lắk ngày càng được nâng cao, đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, kỳ thi khoa học kỹ thuật các cấp.
Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng là một điểm sáng trong công tác giáo dục và rèn luyện học sinh DTTS ở Đắk Lắk. Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Lễ cho biết, cơ sở vật chất của trường cơ bản đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ dạy và học cũng như các hoạt động giáo dục khác. Trong nhiều năm qua, cùng với việc bảo đảm nơi ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh, nhà trường luôn đổi mới phương pháp dạy học như: Tổ chức tốt việc phân loại học sinh theo năng lực học tập, nguyện vọng học sinh; bảo đảm nội dung chương trình sách giáo khoa gắn với thực hiện tốt việc tổ chức cho học sinh tự học và ôn tập, phụ đạo. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa bổ ích khác nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc... Kết quả năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh của nhà trường có học lực giỏi chiếm 8,11%, học lực khá chiếm 65,95%; về hạnh kiểm xếp loại tốt chiếm 96,94%. Nhiều năm liền tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia của Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng đạt 100% và tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt hơn 65%. Từ năm học 2008-2009 đến nay, học sinh của trường đã đạt được bảy giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, trong đó có một giải nhì, một giải ba và năm giải khuyến khích...
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy, hệ thống các trường PTDTNT ở Đắk Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới và quy mô các trường mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Chất lượng tuyển sinh vào trường PTDTNT ở một số địa phương còn thấp, chất lượng giáo dục giữa các trường PTDTNT chưa đồng đều. Hằng năm, số lượng tuyển sinh vào lớp 6 trong các trường PTDTNT cấp huyện chỉ một lớp, do đó hầu hết các môn học chỉ có một giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, sinh hoạt chuyên môn. Một số trường PTDTNT được đầu tư xây dựng lâu năm và xây dựng không đồng bộ cho nên đến nay đã xuống cấp, hư hỏng.
Theo Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, để phát triển các trường PTDTNT cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT cần xây dựng bộ thiết bị đồ dùng dạy - học cho bộ môn tiếng dân tộc ở các trường. Riêng với các trường, cần rà soát, phân loại học sinh theo năng lực học tập, tổ chức ôn tập củng cố kiến thức theo từng nhóm đối tượng, cử giáo viên kèm cặp bồi dưỡng học sinh yếu kém nhằm bảo đảm chất lượng dạy học. Xây dựng cơ chế đào tạo liên thông từ tiểu học, THCS lên THPT và đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề trong hệ thống trường PTDTNT để các em ra trường đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng cao, tránh lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước.
Theo nhandan