Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 25/09/2014

Một kỳ thi THPT quốc gia: Sao không để học sinh thi tại địa phương?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng qua 23.9, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giải trình những băn khoăn về một kỳ thi THPT quốc gia với Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Nên để học sinh thi tại địa phương

Một loạt câu hỏi tập trung vào việc có đảm bảo chất lượng và công bằng giữa hai loại cụm thi và có nên lập ra các cụm thi để gây khó khăn cho học sinh?…

 
 

Tại sao không cho các cháu thi ngay tại trường và tăng cường bằng các hình thức giám sát chuyên môn, giám sát của xã hội?

 

Đại biểu Dương Trung Quốc

 

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng việc tổ chức thành cụm thi mà chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT sẽ phát sinh chi phí cho việc đi lại, ăn ở rất tốn kém, đặc biệt là với gia đình học sinh ở vùng miền khó khăn. Ông Luận phân trần: “Trong phương án ban đầu mà Bộ đưa ra là không có cụm thi do địa phương chủ trì, nhưng tiếp thu ý kiến của xã hội, trong ngành nên có thêm cụm thi này để tạo điều kiện cho học sinh. Có thể thêm cụm thi này sẽ phát sinh tiêu cực và vì thế thêm nhiều việc cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện, nhưng quan điểm của chúng tôi là dù vất vả hơn vẫn cố gắng làm để giảm khó khăn cho các cháu. Những tỉnh miền núi, đặc biệt là miền núi phía bắc mà các cháu không có nhu cầu thi ĐH mà bắt các cháu đi lại quá xa để thi chung là không cần thiết”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng nếu bàn đến việc làm như thế nào để thuận lợi và giảm áp lực cho học sinh thì không nhất thiết phải tổ chức thành cụm thi để phục vụ những học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT. “Tại sao không cho các cháu thi ngay tại trường và tăng cường bằng các hình thức giám sát chuyên môn, giám sát của xã hội?”, ông Quốc nêu vấn đề.

Xung quanh vấn đề này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thắc mắc: “Nếu tổ chức cụm thi địa phương chỉ nhằm tạo điều kiện cho học sinh miền núi, hải đảo có điều kiện khó khăn thì tại sao không khoanh vùng vào đối tượng này thôi mà lại mở rộng ra toàn quốc. Những học sinh này thi ngay ở địa phương như vẫn làm với kỳ thi tốt nghiệp THPT, sao phải bắt đi thêm hàng trăm cây số để thi ở cụm nữa để làm gì?”.

 
 
Sẽ tiếp tục thảo luận với các địa phương về vấn đề này
 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

 

Việc “đẻ ra” các cụm thi bị nhiều ý kiến cho rằng là “hình thức” và rất lãng phí, tốt nhất là nên tổ chức địa điểm cho học sinh thi tại địa phương như các kỳ thi THPT như trước đây.

Tiếp thu ý kiến dồn dập của các đại biểu lo lắng về vấn đề cụm thi, cuối phiên giải trình, Bộ trưởng Luận cho biết: “Sẽ tiếp tục thảo luận với các địa phương về vấn đề này”.

Khó phân định trong đề thi

Về cách thức ra đề cho kỳ thi nhằm 2 mục đích, ông Luận cho rằng đề thi sẽ đảm bảo “học gì thi nấy”, không có những thay đổi gây sốc. “Đề thi không yêu cầu học thuộc lòng mà nếu các cháu có mang tài liệu vào cũng không thể chép bài đúng yêu cầu của đề thi được; sẽ vừa có phần cơ bản để căn cứ vào đó xét tốt nghiệp, vừa có phần phân hóa ở 3 mức độ: rất khó, khó, bình thường”.

Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Thi, sẽ rất khó nếu phân định rõ 2 mục đích trong một kỳ thi, nhất là ở khâu ra đề vì dễ xảy ra tình huống được cái này lại không được cái kia. “Giả sử chúng ta thiên về mục tiêu tốt nghiệp THPT thì là đúng bản chất của kỳ thi này nhưng lại hạn chế việc đáp ứng cho việc tuyển sinh ĐH vì đề thi không phân hóa cao”, ông Thi nhận định.

Ông Thi cũng dự báo điểm thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ thấp vì chắc chắn quy trình thi cử chặt chẽ hơn ở khâu coi thi, chấm thi. Ông Thi cũng đề nghị Bộ cần quy định rõ ràng những trường ĐH đã dùng kết quả tại cụm thi do trường ĐH chủ trì thì tuyệt đối không được xét kết quả cụm thi địa phương tổ chức nữa để loại trừ trường hợp lách vào ĐH dễ dàng hơn bằng cách thi cụm thi địa phương rồi lại đăng ký xét tuyển vào ĐH.

Mục đích tối thượng của “một kỳ thi” là tốt nghiệp THPT!

Việc các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia như thế nào cũng được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) lo ngại nếu xảy ra trường hợp có rất nhiều trường tự chủ tuyển sinh thì sẽ quay về năm trước 2002. Ông Luận khẳng định: “Các trường ĐH có quyền tuyển riêng”. Ông cho biết năm 2014 áp dụng quyền tự chủ này nhưng không có trường công lập nào tuyển sinh riêng, nhiều trường ngoài công lập cũng vẫn sử dụng kết quả thi 3 chung. “Chúng tôi không thể buông ngay việc tuyển sinh ĐH, CĐ cho tất cả các trường được mà phải cung cấp thước đo cho các trường lựa chọn đầu vào”, ông Luận nói.

GS Đào Trọng Thi cho rằng nếu nói các trường ĐH buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi này là không đúng vì các trường tuyển sinh để đáp ứng phù hợp yêu cầu ngành nghề đào tạo. Luật Giáo dục ĐH cũng giao quyền tự chủ cho các cơ sở ĐH. “Chúng tôi khẳng định kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh ĐH nên các trường có theo thì cũng là tự nguyện và tự chủ của họ. Nếu coi đây là pháp lệnh và bắt các trường phải theo là không đúng với luật Giáo dục ĐH”, ông Thi nói.

Có thể đỗ ĐH mà vẫn trượt... tốt nghiệp THPT

Chiều 23.9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ với các sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ phía Bắc. Một số đại diện sở GD-ĐT cho rằng: Phương án thi 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn có thể dẫn tới tình trạng có những em đỗ ĐH nhưng vẫn trượt tốt nghiệp. Bởi nếu xét thi tốt nghiệp thì sẽ phải xét điểm liệt, hoặc tổng điểm những môn xét tốt nghiệp vẫn bị trượt.

Có ý kiến chỉ ra rằng, ngay bản thân phương án thi đã không bình đẳng việc xét đỗ vào ĐH. Bởi có những khối, như khối D có tới 3 môn trùng với môn thi bắt buộc. Khối A1 có ít nhất 2 môn trùng với môn thi bắt buộc...

Lê Đăng Ngọc

 

Sẽ rất hạn chế miễn thi ngoại ngữ

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) băn khoăn về cho phép miễn thi môn ngoại ngữ cho một số đối tượng có chứng chỉ. Ông Phạm Vũ Luận khẳng định: “Sẽ sớm công bố cụ thể đối tượng nào được miễn thi ngoại ngữ, nhưng chủ trương là những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế về ngoại ngữ, một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có độ tin cậy. Nói chung việc miễn thi sẽ rất hạn chế, không có việc công nhận tràn lan các chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi”.

Về các khối thi, ông Luận cho biết năm 2015 hầu hết các trường ĐH đề nghị vẫn giữ ổn định như các năm trước và có thể bổ sung các khối thi phù hợp với nhu cầu tuyển sinh của từng ngành cụ thể. Sau này, kết cấu các khối thi có thể thay đổi. Khi các trường ĐH đã thay đổi phương thức đào tạo thì việc tuyển đầu vào sẽ không phải cứng nhắc theo khối thi nữa.

Ông Luận dự tính sẽ có khoảng 20 cụm thi do trường ĐH chủ trì trên toàn quốc.

Theo thanhnien

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready