Môn Khoa học tự nhiên sẽ dạy học như thế nào trong chương trình phổ thông mới?
Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Chương trình môn Khoa học tự nhiên sẽ được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là Chủ đề khoa học – Các nguyên lý/khái niệm chung của khoa học – Hình thành và phát triển năng lực, trong đó, các nguyên lý/khái niệm chung là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình.
Chủ đề khoa học chủ yếu của chương trình môn Khoa học tự nhiên gồm: Chất và sự biến đổi của chất: chất có ở xung quanh ta, cấu trúc của chất, chuyển hoá hoá học các chất. Vật sống là sự đa dạng trong tổ chức và cấu trúc của vật sống; các hoạt động sống; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường; di truyền, biến dị và tiến hoá; Năng lượng và sự biến đổi: năng lượng, các quá trình vật lý, lực và sự chuyển động; Trái Đất và bầu trời: chuyển động trên bầu trời, Mặt Trăng, hệ Mặt Trời, Ngân Hà, hóa học vỏ Trái Đất, một số chu trình sinh - địa - hóa, sinh quyển.
Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Các nguyên lý chung của khoa học tự nhiên trong chương trình môn Khoa học tự nhiên gồm: Tính cấu trúc, sự đa dạng, sự tương tác, tính hệ thống, sự vận động và biến đổi.
Các nguyên lý chung, khái quát của khoa học tự nhiên là nội dung cốt lõi của môn Khoa học tự nhiên. Các nội dung vật lý, hoá học, sinh học, Trái Đất và bầu trời được tích hợp, xuyên suốt trong các nguyên lý đó.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình môn Khoa học tự nhiên thích hợp với các phương pháp giáo dục tích cực, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích luỹ được để phát triển.
Vì vậy, các phương pháp giáo dục chủ yếu được lựa chọn theo các định hướng: Dạy học bằng tổ chức chuỗi hoạt động tìm tòi, khám phá tự nhiên; Rèn luyện được cho học sinh phương pháp nhận thức, kỹ năng học tập, thao tác tư duy; Thực hành thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn đời sống cá nhân và xã hội; Tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học hợp tác nhóm nhỏ; Kiểm tra, đánh giá, đặc biệt đánh giá quá trình được vận dụng với tư cách phương pháp tổ chức hoạt động học tập.
Hoạt động học tập của học sinh là hoạt động chủ động, tích cực chiếm lĩnh, thực hành, vận dụng tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường, thông qua một số phương pháp dạy học chủ yếu tìm tòi, khám phá; phát hiện và giải quyết vấn đề; dạy học theo dự án; bài tập tình huống; dạy học thực hành và thực hiện bài tập; tự học...
Đánh giá kết quả giáo dục môn Khoa học tự nhiên căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định. Phạm vi đánh giá là toàn bộ nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình môn Khoa học tự nhiên.
Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh thông qua học tập môn Khoa học tự nhiên.
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế.
Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
Việc đánh giá quá trình do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của cha mẹ học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Việc đánh giá tổng kết do cơ sở giáo dục tổ chức. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục./.
Theo dangcongsan