Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 20/11/2018

Mở rộng quyền tự chủ đại học

Chiều ngày 19/11, với 84,12% số đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Về hình thức và trình độ đào tạo GDĐH, Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.

Liên quan đến đào tạo trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, Luật chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về trình độ, văn bằng chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù tại khoản 4 Điều 6, khoản 6 Điều 38.

Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Ảnh: quochoi.vn.

Về tự chủ đại học, Luật quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ. Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở GDĐH, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.

Luật cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật. Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

Đáng chú ý, Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Luật quy định rõ chính sách phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, tức là không phân biệt công tư.

Luật cũng quy định một số chế tài cụ thể để xử lý đối tượng không thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: Về cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở GDĐH tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng.

Liên quan đến mức độ chế tài xử lý theo mức độ, tính chất vi phạm về chỉ tiêu tuyển sinh, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ nếu cơ sở GDĐH vi phạm quy định về đối tượng, chỉ tiêu, điều kiện tuyển sinh thì áp dụng chế tài theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34. Các mức độ xử lý sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo trong các cơ sở GDĐH…/.

Theo dangcongsan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready