Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 28/11/2017

Miễn học phí THCS: Nhà nước xoay trở được

Miễn học phí THCS: Nhà nước xoay trở được - Ảnh 1.

Tiết thực hành môn hóa của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về tính khả thi của quy định trên.

Bộ GD-ĐT có thể khẳng định sẽ không có cản trở nào từ việc miễn học phí bậc THCS tới quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Miễn học phí bậc THCS còn tạo thuận lợi để thực hiện mục đích phổ cập giáo dục THCS

Ông Ngô Văn Thịnh (phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD-ĐT)

Giải thích về việc miễn học phí này với Tuổi Trẻ, ông Ngô Văn Thịnh - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD-ĐT - cho biết:

- Việc miễn học phí cho cấp THCS hoàn toàn phù hợp với tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Luật giáo dục hiện hành cũng đã quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Đây là những căn cứ để Bộ GD-ĐT đề xuất việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS.

Gần đây nhất, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016 đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình trung ương và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.

* Ngân sách cấp bù cho cơ sở giáo dục khi miễn học phí bậc THCS là bao nhiêu, việc miễn học phí có ảnh hưởng đến chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Chúng tôi đã có những tính toán bước đầu. Theo đó, dự kiến ngân sách nhà nước hằng năm phải chi thêm, cấp bù việc miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS sẽ không quá lớn, và ngân sách nhà nước có thể bù đắp được.

Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án đảm bảo kinh phí, để thực hiện quy định nói trên, từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo hằng năm và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã được tính toán ngay từ đầu, để không chịu ảnh hưởng bởi việc miễn học phí bậc THCS. 

Vì vậy, chúng tôi có thể khẳng định sẽ không có cản trở nào từ việc miễn học phí bậc THCS tới quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Ngược lại, với thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới, việc miễn học phí bậc THCS là hợp lý, tạo thuận lợi để thực hiện mục đích phổ cập giáo dục THCS, đảm bảo tối thiểu mọi học sinh đều được học hết chương trình giáo dục cơ bản.

* Nhưng việc không thu học phí bậc THCS có thể khiến các trường bị thiếu hụt nguồn thu, gây khó khăn khi phát triển cơ sở hạ tầng trường lớp...

- Việc phát triển cơ sở hạ tầng trường lớp sẽ do ngân sách nhà nước đầu tư, đồng thời khuyến khích đầu tư của xã hội.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định trong đó quy định các chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, chính sách thuế, về tín dụng để thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội, tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục.

* Bộ GD-ĐT có lường trước việc miễn học phí bậc THCS có thể khiến phát sinh nhiều khoản đóng ngoài học phí, dẫn đến tình trạng lạm thu?

- Lạm thu là vấn đề đã được Bộ GD-ĐT cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra đề xuất trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát được tình trạng lạm thu tại các nhà trường. 

Cụ thể, bộ đã ban hành văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, các khoản không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản thu trái quy định.

Để việc thực thi miễn học phí bậc THCS đạt hiệu quả, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, để cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện đúng quy định và không bị "lợi dụng" để thu các khoản thu trái quy định.

* Đối với bậc THPT, liệu Bộ GD-ĐT đã có dự kiến gì cho việc miễn học phí?

- Hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có lộ trình miễn học phí cho bậc THPT.

* Dự kiến khi nào dự thảo nói trên sẽ được trình Quốc hội và Luật giáo dục sửa đổi sẽ được thực thi?

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến vào tháng 5-2018) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến vào tháng

10-2018). Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 1-2018.

Theo thông lệ, văn bản luật có hiệu lực ít nhất sau 6 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua.

Theo tuoitre

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready