Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 17/05/2016

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Học sinh "né" môn ngoại ngữ

100% HS GDTX không đăng ký thi môn Ngoại ngữ

Sở GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có 24.111 HS đăng ký dự thi (giảm hơn 1.700 TS so với kỳ thi năm 2015); gồm: 18.589 HS hệ THPT, 1.433 HS hệ GDTX và 4.089 HS tự do. Số lượng HS đăng ký dự thi các môn bắt buộc và tự chọn như sau: Toán: 23.300 HS, Ngữ văn 22.312 HS, Vật lý 11.313 HS, Hóa học 13.172 HS, Sinh học 8.549 HS, Lịch sử 4.834 HS, Địa lý 9.943 HS và Ngoại ngữ là 4.302 HS. Trong số hơn 24.000 TS đăng ký dự thi, thì 7.303 HS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, 13.915 HS đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ và 2.893 HS thi chỉ để xét tuyển ĐH, CĐ. Toàn tỉnh có 4.302 HS đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đạt tỷ lệ 20%), gồm: 3.775 HS hệ THPT, 527 HS tự do; 100% HS hệ GDTX không đăng ký thi môn Ngoại ngữ.

Các em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tự trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Các em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tự trau dồi khả năng ngoại ngữ.

Năm học 2015-2016, Trường THPT Ea Súp có 332 HS lớp 12, nhưng chỉ có 17 HS đăng ký môn Ngoại ngữ; Trường THPT Phú Xuân có 47/300 HS chọn môn thi Ngoại ngữ, Trường THPT Phan Chu Trinh 22/387HS chọn môn thi Ngoại ngữ… Ông Dương Cao Nguyên, Hiệu trưởng Trường THPT Ea Súp lý giải: Là trường vùng sâu, vùng xa nên chất lượng dạy học ngoại ngữ thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Kết thúc học kỳ I năm học 2015-2016, trường chỉ có 41% HS xếp loại học lực môn tiếng Anh từ trung bình trở lên, 59% HS có học lực yếu, trong đó 12% xếp loại kém. Tương tự, bà Trương Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuân cho biết: Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2014-2015, trong tổng số 258 HS thi môn tiếng Anh chỉ có 5 em đạt điểm 5 (chiếm tỷ lệ 5,12%). Năm học 2015-2016, hơn 50% HS của trường chọn cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì (chỉ để xét tốt nghiệp), do đó các em chọn môn thi thay thế để bảo đảm kết quả cao hơn.

“Siết” thi môn Ngoại ngữ từ năm 2017

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020 đã được Sở GD-ĐT triển khai trong những năm qua, nhưng do đặc thù của tỉnh miền núi, có đông HS dân tộc thiểu số, nhiều thành phần dân tộc nên gặp nhiều khó khăn trong dạy-học ngoại ngữ. Thống kê trước khi cho HS đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thì hầu hết các trường THPT, trung tâm GDTX chưa có phòng chuyên biệt học ngoại ngữ; đặc biệt đội ngũ giáo viên dạy môn ngoại ngữ vừa thiếu, vừa yếu. Qua báo cáo của 54 trường THPT, tỷ lệ giáo viên đạt bậc 5, bậc 6 (tức đạt trình độ C1, C2 của Khung tham chiếu châu Âu) chỉ đạt 15-25% số lượng giáo viên dạy ngoại ngữ hiện có dẫn đến chất lượng dạy học ngoại ngữ còn thấp. Từ thực tế trên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Sở GD-ĐT cho phép HS được thay thế môn Ngoại ngữ theo nguyện vọng trong số các môn tự chọn.

Chất lượng dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục chưa cao, do đó HS chọn môn thi thay thế để đạt điểm số cao hơn nhằm đỗ tốt nghiệp THPT là đương nhiên. Song từng nhà trường, mỗi HS cần nhận thức rõ ngoại ngữ là rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập để “vượt lên chính mình”. Theo ông Nguyễn Hoa Nam, Trưởng Phòng Khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục, Công nghệ Thông tin (Sở GD-ĐT), để nâng cao chất lượng dạy học môn ngoại ngữ và tăng tỷ lệ HS đăng ký thi môn Ngoại ngữ trong những kỳ thi tới, ngoài bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ép dần lộ trình bắt buộc HS thi môn Ngoại ngữ, thì điều kiện quan trọng từng giáo viên là phải tự nâng cao trình độ để đạt chuẩn trình độ quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu không làm tốt điều này, thì không thể đòi hỏi chất lượng môn Ngoại ngữ tăng, HS vẫn tiếp tục “sợ” thi môn Ngoại ngữ. Các giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ.

Trong Công văn số 449, ngày 13-4-2016 gửi các trường THPT về việc thay thế môn thi Ngoại ngữ kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT nêu rõ: “Yêu cầu tất cả các trường khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ để trong những năm tới các thí sinh vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đều tham gia thi ngoại ngữ”. Theo ông Nguyễn Hoa Nam, quy định này không phải Sở GD-ĐT “ép” HS mà xác định rõ yêu cầu cần thiết bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready