Kỳ thi THPT quốc gia: Đề thi sẽ phù hợp với các đối tượng học sinh
Từ ngày 11 - 13.5, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến thăm và làm việc tại tỉnh vùng cao Hà Giang nhằm lắng nghe và giải tỏa phần nào những băn khoăn, lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới và chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) sau 2015 ở một trong những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước.
Đảm bảo đạt tốt nghiệp cho học sinh có học lực trung bình
Tại buổi gặp gỡ, giao lưu với giáo viên, học sinh (HS) các trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - 3 H.Yên Minh, THPT Mậu Duệ và Trung tâm GDTX H.Yên Minh, người đứng đầu ngành GD-ĐT đã trả lời nhiều câu hỏi của HS, giáo viên liên quan đến những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
|
Hà Huy Dính, lớp 12A, Trung tâm GDTX H.Yên Minh bày tỏ lo lắng khi những năm trước học viên GDTX thi tốt nghiệp THPT có đề thi và phòng thi riêng. Tuy nhiên, năm nay thí sinh hệ GDTX cũng sẽ phải làm chung đề với hệ THPT. “Liệu đề thi có khó không và xin Bộ trưởng cho chúng cháu lời khuyên để làm bài thi tốt?”, Dính hỏi.
Chia sẻ với những băn khoăn này, ông Luận nói: “Trên thực tế, ở các trung tâm GDTX cũng còn nhiều khó khăn hơn so với các trường THPT. Do vậy, trong công tác đề thi, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo bộ phận ra đề phải cân nhắc, tính toán làm sao để đề thi phù hợp với các đối tượng HS, trong đó có các cháu học hệ GDTX”.
Một HS của Trường THPT H.Yên Minh thẳng thắn phản ánh đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố có nhiều câu khó, nếu không có giáo viên hướng dẫn thì HS không làm được. HS này cũng bày tỏ mong muốn Bộ sẽ cân nhắc để có bộ đề thi phù hợp với vùng miền khác nhau.
Trước băn khoăn này, ông Phạm Vũ Luận giải thích rằng khác với những năm trước, kết quả thi năm nay phục vụ cho 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp vừa lấy làm căn cứ để cho các trường CĐ, ĐH xét tuyển. Chính vì vậy trong đề sẽ có những câu khó, câu dễ. “Nếu những cháu chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT rồi sau đó đi học nghề thì hoàn toàn có thể yên tâm vì đề ra vẫn đảm bảo đỗ cho các cháu có học lực trung bình đạt yêu cầu tốt nghiệp. Thời gian làm bài để đạt kết quả trung bình cũng giảm đi so với các năm trước. Đề sẽ không đánh đố, giảm những câu hỏi yêu cầu học thuộc lòng”, ông Luận nhấn mạnh.
Chuyển từ truyền đạt một chiều sang phát triển kỹ năng
Bà Trần Xuân Hoàng, Hiệu phó Trường THPT Yên Minh, băn khoăn về nhiệm vụ chủ yếu của đổi mới chương trình, SGK, nhà trường, giáo viên cần chuẩn bị gì để có thể đáp ứng được nhiệm vụ này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng nội dung quan trọng nhất trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông lần này không phải là đổi mới chương trình - SGK. Điều quan trọng là phải đổi mới cách thức giáo dục, chuyển từ nền giáo dục nặng truyền đạt kiến thức một chiều sang phát triển kỹ năng cho người học.
Ông Luận phân tích: Hiện nay các thầy cô lên lớp là giải thích lại những điều được viết trong SGK và theo chương trình Bộ quy định để HS nhớ. Đến khi thi, giáo viên yêu cầu HS nói lại những điều đã được học, giải lại những bài mẫu đã học từ trước. HS trả lời càng đủ các ý, càng giống SGK thì điểm càng cao. Cách dạy này không khuyến khích được sự sáng tạo của HS... Nay phải dần chuyển phương thức giáo dục đó sang phương thức giúp HS từng bước hình thành nên kỹ năng và những phẩm chất. Đó là biết lắng nghe, biết lựa chọn. Người thầy không chỉ có việc dạy mà trở thành người cố vấn, hướng dẫn cho HS tự học, học theo nhóm. Từ đó HS mới có được kỹ năng trình bày, bảo vệ, tiếp thu ý kiến... để tự hoàn thiện bản thân. Trong quá trình đó có nội dung đổi mới chương trình, SGK để tránh được nội dung hàn lâm, cách dạy sáo rỗng như hiện nay. Tuy nhiên, ông Luận cũng khẳng định không đợi đến khi có chương trình, SGK mới thì mới có thể thực hiện được việc đổi mới giáo dục phổ thông.
Ông Đỗ Văn Oai, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Giang, cho rằng những lần đổi mới giáo dục phổ thông trước đây, các trường CĐ sư phạm thường đứng “ngoài cuộc”, thậm chí phải đi xin để được tham gia. Vì vậy, lần này Bộ GD-ĐT phải đưa giảng viên các trường sư phạm tham gia như một thành phần cơ hữu trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Ông Luận ghi nhận đề xuất này và khẳng định: “Việc không gắn kết với các trường sư phạm vào đổi mới giáo dục phổ thông được xem là một bài học để rút kinh nghiệm trong lần đổi mới này”.
Theo thanhnien