Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Toán vừa sức, Văn chưa “đủ tầm”
Đề Văn chưa “đủ tầm” thi vào đại học ?
Nhận xét về đề thi môn Văn phổ thông quốc gia năm nay, thầy Nguyễn Hữu Nhưỡng, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM cho rằng, đề khá bình thường và an toàn, không có gì phải gọi là hiện tượng cả.
Thầy Nhưỡng phân tích, đề thi gồm 2 phần rõ ràng. Phần I là đọc hiểu, được qui định 3 điểm. Người ra đề lấy một đoạn ngữ liệu (từ một nguồn dẫn nào đấy) và cho 4 câu hỏi theo trình tự nhận biết - thông hiểu - vận dụng thấp/cao. Phần II là làm văn có 2 câu và được qui định tổng điểm là 7 (câu 1: 2.0 điểm, câu 2: 5,0 điểm), trong đó, câu 1 thuộc về nghị luận xã hội, câu 2 nghị luận văn học.
“Như vậy, xét về phương diện cấu trúc người ra đề rõ ràng đã tuân thủ nghiêm ngặt theo cấu trúc đề thi thử nghiệm môn Văn mà Bộ GD&ĐT đã công bố ba lần. Với giáo viên nào quan tâm để định hướng ôn tập cho học trò mình thì cấu trúc đề không có gì để tạo sự ngạc nhiên đối với các em cả”, thầy Nhưỡng phân tích.
Về nội dung, thầy Nhưỡng cho rằng, phần đọc hiểu, hình thức và nội dung câu hỏi hết sức bình thường và rất an toàn cho người đi thi. Học sinh trung bình cũng dễ kiếm 50% tổng điểm toàn phần.
“Ở phần làm văn, câu 1 tuy có từ “Thấu cảm” có vẻ hơi là lạ nhưng thực chất của nó là sự tách ghép từ 2 từ: thấu hiểu và cảm nhận (theo Từ điển Tiếng Việt: thấu cảm là cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc). Nội dung của từ này cũng không có gì xa lạ, nếu chưa muốn nói là gần gũi, quen thuộc.
Còn ở nội dung yêu cầu của câu 2, phần cảm nhận có lẽ hầu hết thí sinh có thể làm hết được. Nhưng còn phần bình luận? Rõ ràng là phần này độ khó cao hơn nhiều so với phần cảm nhận. Phải chăng, khi ra đề người ra đã có dụng ý dành phần này cho sự phân hóa giỏi, khá, trung bình... trong bài thi của các em”, thầy Nhưỡng nhận xét.
“Nhìn chung, đề thi môn Văn phổ thông quốc gia năm nay bình thường và an toàn không có gì phải gọi là hiện tượng cả”, thầy Nhưỡng nêu quan điểm. Tuy nhiên, thầy Nhưỡng cho rằng, đề thi này chỉ phù hợp để xét tốt nghiệp còn cao đẳng, đại học thì chưa đủ độ khó. “Các phần kiến thức tái hiện trong phần đọc hiểu như (phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ…) và cách hỏi như đã từng hỏi trong đề thử nghiệm và ngay cả trong đề thi hôm nay có vẻ gần gũi với bậc học cơ sở hơn là bậc trung học, nhất là khối 12 khi phải dùng kết quả thi để xét tuyển đại học và cao đẳng. Phần làm văn, yêu cầu nội dung và hình thức thể hiện quá kinh điển. Điều này sẽ “giết chết” những năng khiếu văn chương và làm cho lối học vẹt, học thuộc có sức sống lâu bền”, thầy Nhưỡng nhận định.
Đồng quan điểm, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Trưng Vương, quận 1 TPHCM cũng cho rằng, nếu đề thi này chỉ để đánh giá, xét tốt nghiệp thì ổn, còn nếu dành để xét tuyển vào cả các trường đại học thì sẽ không đánh giá tốt trình độ học sinh được vì đề thi hoàn toàn không có gì lạ, không khác so với dự kiến và không được gây cảm xúc hưng phấn người giáo viên.
“Với đề thi này, học sinh sẽ không quá khó lấy điểm ở mức trung bình (5, 6 điểm). Tuy nhiên, điểm số này còn phải phụ thuộc vào yêu cầu của người chấm là giảng viên đại học hay giáo viên phổ thông”, cô Thủy nói.
Đề Toán: Phổ điểm chủ yếu từ 5-7 điểm
Kết thúc môn thi Toán chiều qua, 22/6, đa số các thí sinh cho rằng đề Toán vừa sức, không lo bị điểm liệt.
Thí sinh Nguyễn Văn Dũng thi tại điểm thi trường THPT Tống Văn Trân cho biết, đề toán khá dễ thở. “Lúc chưa bước vào kỳ thi, tuy đã được thử sức với đề thi do Bộ công bố cũng như qua đợt kiểm tra khảo sát tại trường, bọn em vẫn còn hoang mang. Vì thấy kiến thức rộng quá, không biết thế nào. Nhưng khi thi, em thấy đề toán không khó như em đã sợ” – Dũng cho hay.
Nhận xét về đề thi môn Toán năm nay, cô Nguyễn Thị Thùy Dung, trường THPT Thượng Cát, Hà Nội cho biết, với đề thi Toán năm nay, thí sinh nắm vững kiến thức là có thể đạt 8 điểm, cơ bản sẽ ít điểm liệt nhưng khó có điểm 10. Phổ điểm chủ yếu ở mức từ 5-7. Các mã đề được cô Dung cho là mức độ đánh giá tương đương nhau. Tuy nhiên, cô Dung cho biết câu 49 của mã đề 101 là câu cô không định hình được cách giải. Câu 50 giống đề thi mẫu lại không phải là câu khó.
Mặt khác, cô Dung cũng nhận xét: “Trong đề thi Toán năm nay, có những câu thí sinh không cần biết gì về kiến thức toán học vẫn có thể giải được miễn là thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính bỏ túi. Tức là thí sinh không cần hiểu bản chất của môn Toán vẫn làm được. Hạn chế này đã có trong các đề minh họa, tham khảo. Nhưng trong đề chính thức vẫn không giải quyết được, chỉ có điều chỉnh một chút”- cô Dung cho hay.
Về mức độ phân hóa của đề, cô Dung khẳng định đề thi toán trải dài suốt chương trình học lớp 12 của học sinh. Khi Bộ GD&ĐT đưa ra đề thi thử nghiệm đầu tiên, để chữa đề đó, cô phải mất 6 tiết, gấp 3 lần lượng thời gian học sinh đi thi. Sau mỗi lần Bộ công bố thì thời gian chữa giảm dần. Đến lần công bố đề thi tham khảo cuối cùng cố gắng chữa trong 120 phút học sinh mới nắm được.
Vì vậy, kể cả giáo viên có đánh giá đề năm nay dễ thì trong phòng thi, với thời gian làm bài 90 phút cũng khó có thể nói được điều gì. Đề thi Toán này để khẳng định sức bền và tính nhanh nhạy của học sinh. Theo cô Dung, nhìn vào kết quả của đề thi năm nay, khó có thể nói có đánh giá được quá trình học của người học hay không.
“Giáo viên đang phải dạy để phù hợp với cách thi này. Thực tế, với giáo viên chúng tôi, đến giai đoạn cuối những kiến thức về toán của học sinh có thể sai, vẫn phải chấp nhận. Những học sinh này thi vẫn được điểm cao. Học sinh chỉ cần học để được điểm 6-7 môn Toán chứ không phải là học để có được kiến thức môn Toán. Kể cả khi công bố đáp án, Bộ cũng không đưa ra cách giải. Giáo viên, học sinh làm thế nào để ra được đáp án đó thì tùy” – cô Dung chia sẻ băn khoăn.
Nhận xét thêm về đề Toán, thầy Nguyễn Hoàng Cương, Tổ trưởng tổ Toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết đề thi phù hợp với học sinh, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và bám sát với cấu trúc các đề minh họa lần 1, 2, 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi gồm khoảng 40 câu dễ và vừa sức (chiếm khoảng 80%) và khoảng 10 câu khó (chiếm khoảng 20%).
Riêng với câu hỏi 49 của mã đề 101, nhiều giáo viên, chuyên gia Toán học cho rằng đây là câu hỏi mang tính phân hóa đối với học sinh, là một câu hỏi tương đối khó (đáp án là câu C). Thậm chí, một số giáo viên dạy Toán cũng phải mất khá nhiều thời gian mới giải được câu hỏi này.
Theo tienphong