Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 06/07/2016

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Vận chuyển bài thi, chấm thi thế nào?

Cán bộ chấm thi tại một hội đồng thi.
Cán bộ chấm thi tại một hội đồng thi.

Bài thi đã được chuyển về TPHCM

Tại TPHCM, ngày 4/7, trao đổi với PV Tiền Phong sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, đại diện nhiều trường đại học chủ trì cụm thi ở các tỉnh cho biết, cuối giờ chiều cùng ngày công an đã áp tải bài về lại TPHCM để chấm thi.

Ông Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM, đơn vị chủ trì cụm thi tại tỉnh Bến Tre cho biết, chiều qua (4/7), sau khi kết thúc môn Sinh học, nhà trường đã tiến hành đưa tất cả bài thi trong 4 ngày qua về lại TPHCM để phục vụ công tác chấm thi. “Suốt quãng đường đi, bài thi sẽ được Công an tỉnh Bến Tre đi cùng để áp tải cho đến lúc bàn giao trở lại cho nhà trường”, ông Hải nói.

Cuối giờ chiều ngày 4/7, đại diện trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, đơn vị chủ trì cụm thi tỉnh Tây Ninh cho biết, trường cũng đã tiến hành vận chuyển bài thi về TPHCM với lực lượng áp tải là công an. Đại diện trường này cũng cho biết, sau khi có bài thi, ngày 5/7 trường sẽ tiến hành làm phách, ngày 8/7 công tác chấm thi sẽ bắt đầu và dự kiến đến 15/7 hoàn tất việc chấm để kiểm dò lại và nhập điểm để kịp tiến độ công bố của Bộ GD&ĐT.

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM, đơn vị chủ trì cụm thi tỉnh Gia Lai cho biết kết thúc từng môn thi, bài thi đã được vận chuyển về tại hội đồng trung tâm của Phân hiệu Trường tại Gia Lai.

“Toàn bộ bài thi được chuyển từ Gia Lai về TPHCM trong ngày 5/7 bằng xe chuyên dụng của Bưu điện tỉnh Gia Lai, có lực lượng an ninh Công an tỉnh bảo vệ từ tỉnh Gia Lai về trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Đi cùng lực lượng bảo vệ, an ninh này còn có Công an quận Thủ Đức, TPHCM tăng cường, đảm bảo an toàn, an ninh cho bài thi”, ông Lý nói. Theo ông Lý, từ ngày 6/7, trường sẽ triển khai công tác làm phách  để chấm thi trong những ngày tới.

Quy trình xử lý điểm thi được lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Sau khi các trường ĐH chủ trì cụm thi, các địa phương tổ chức thi chấm xong, điểm sẽ được chuyển về Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sau khi xử lý xong sẽ gửi trả lại các trường, các sở GD&ĐT dữ liệu điểm thi để các trường, các sở công bố cho thí sinh.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng cho hay ban làm phách của trường đã làm phách bài thi từ ngày 2/7 tại Phan Thiết (Bình Thuận) và đưa bài thi vào TPHCM chấm tại trường. Bên cạnh đó, Hội đồng thi cụm thi tỉnh Bình Thuận đã thống nhất không sử dụng giáo viên Bình Thuận chấm các môn tự luận mà thay vào đó là giáo viên ở TPHCM, Đồng Nai.

Tương tự, các trường đại học khác như Đại học Kinh tế TPHCM chủ trì cụm thi Bình Phước, Đại học Kinh tế Luật TPHCM, chủ trì cụm thi Bình Dương, Đại học Công nghiệp TPHCM, chủ trì cụm thi Đồng Nai, Đại học Ngân hàng TPHCM… cũng chuyển bài về TPHCM để chấm dưới sự áp tải của lực lượng công an.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Vận chuyển bài thi, chấm thi thế nào? - ảnh 1Thí sinh trao đổi về bài thi môn Sinh học sau khi kết thúc môn thi tại cụm thi số 3 ĐH Thủy lợi chiều ngày 4/7. Ảnh: Như Ý.

Vận chuyển bài 500 km về Hà Nội chấm

Tại Hà Nội, TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, chiều tối hôm nay (5/7), bài thi của hơn 2.000 thí sinh tại Điện Biên thi tại cụm thi do học viện chủ trì sẽ được vận chuyển bằng xe ô tô về Hà Nội. “Sáng sớm nay, các thầy cô giáo làm công tác tổ chức thi của Học viện đã lên xe di chuyển về Hà Nội. Dự kiến tối nay sẽ về đến nơi. Còn bài thi của thí sinh sẽ được vận chuyển bằng xe riêng, có ban thanh tra, ban thư ký của trường áp tải cùng PA83 hộ tống” - TS Trần Mạnh Dũng chia sẻ. 

Cũng theo ông Dũng, học viện đã có phương án phòng chống cháy nổ, lũ lụt trên đường vận chuyển bài thi. Các tình huống xấu nhất cũng đã được đưa ra để xử lý.  Ông Dũng cũng cho biết, ngày 7/7 bài thi sẽ được rọc phách, sau đó, ngày 8/7 sẽ được đưa đi chấm. “Học viện Ngân hàng sẽ thuê chấm thi. Trong đó, những bài thi trắc nghiệm sẽ nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT, còn các bài tự luận, sẽ thuê một trường ĐH khác chấm” - ông Dũng khẳng định.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho hay, trường tiến hành rọc phách ngay sau khi môn thi kết thúc. Ngày 6/7 sẽ bắt đầu chấm thi. Giáo viên của trường sẽ đảm nhận hai môn là Toán và tiếng Anh, các môn trắc nghiệm sẽ nhờ Cục Khảo thí của Bộ GD&ĐT.

Còn các môn tự luận, trường đã thuê giáo viên của 10 trường THPT trên địa bàn Hà Nội đến chấm. “Các giáo viên phổ thông đều đến từ những trường  THPT nổi tiếng của Hà Nội nên chúng tôi cũng rất yên tâm. Cũng không có chuyện giáo viên sẽ chấm bài thi của học sinh mình vì xác suất đó rất thấp. Hơn nữa, chấm hai vòng độc lập. Nếu chênh nhau 1 điểm đã phải ngồi đối thoại” - ông Điền cho hay.

Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cũng cho biết, các môn thi đã được rọc phách xong. Trường tiến hành chấm thi từ ngày 6/7. Trường chỉ có một số ít giảng viên chấm các môn tự luận, còn lại trường thuê giáo viên THPT và giảng viên các trường ĐH. Cụ thể, môn Toán thuê thêm 80 giáo viên, Ngữ văn thuê thêm 90 giáo viên, Ngoại ngữ thêm 60 giáo viên, Lịch sử 20 giáo viên, Địa lý 25 giáo viên. Những ngoại ngữ ít (như tiếng Nhật, tiếng Pháp...) trường nhờ ĐH Sư phạm Hà Nội chấm giúp.  Theo dự kiến, khoảng 15, 16/7 trường sẽ chấm xong.

Theo kế hoạch, năm nay, tất cả các cụm thi sẽ công bố điểm thi của thí sinh. Như thế, sẽ có 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi địa phương tự công bố điểm thi thay vì chỉ có 8 trường được phép như năm 2015. Không những thế, các trường không nhất thiết phải công bố trong cùng một thời gian. Vì vậy, chấm xong, các trường có quyền công bố điểm cho thí sinh. Dù mới tổ chức kỳ thi xong nhưng các cụm thi đều chuẩn bị đường truyền internet để có thể phục vụ thí sinh tốt nhất.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready