Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nhiều thí sinh chọn môn hóa, địa
So với năm trước, nhiều học sinh chọn môn địa lý, còn môn lịch sử vẫn xếp cuối.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) trong giờ học toán - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Môn địa tăng gấp 3
Theo thống kê của hầu hết các trường THPT tại TP.HCM mà chúng tôi tìm hiểu, học sinh (HS) chọn môn hóa học chiếm số lượng cao nhất, kế là môn địa lý, sau đó đến môn vật lý, sinh học. Môn thi có ít thí sinh lựa chọn nhất vẫn là môn lịch sử. Như vậy, năm trước môn địa lý chỉ đứng trên môn lịch sử thì năm nay có sự thay đổi về thứ tự. Theo lý giải của hiệu trưởng nhiều trường THPT, đông HS đăng ký môn địa lý do môn này thí sinh được sử dụng Atlat khi làm bài, dễ có điểm hơn những môn còn lại.
|
Lãnh đạo Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7) cho biết 80% HS lớp 12 của trường chọn môn hóa học do trường có thế mạnh về môn này và vì công thức của môn hóa dễ nhớ hơn, các phản ứng na ná nhau, so với môn vật lý có nhiều dạng bài tập về cơ, điện, quang phức tạp.
Theo thạc sĩ Ngô Thanh Sơn, phụ trách học vụ Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú), ở trường này môn vật lý dẫn đầu với 131 lựa chọn, sau đó đến hóa học 54, địa lý 21, sinh học 12, và lịch sử ít HS chọn nhất, chỉ 4 em. So sánh với năm trước, ông Sơn cho biết số HS chọn môn hóa học giảm, còn môn địa lý tăng gấp 3 lần.
Tương tự, qua khảo sát một số trường THPT tại các quận 7, Tân Phú…, tỷ lệ HS lựa chọn môn địa lý để xét tốt nghiệp cũng cao hơn năm trước. Đáng lưu ý, số HS chọn môn địa lý hầu như không thi khối C và đều có học lực khá.
Hiệu trưởng các trường THPT đánh giá số liệu thống kê này tuy chỉ bước đầu nhưng độ chính xác đạt khoảng 90%. Đến thời điểm chính thức đăng ký chắc sẽ có thay đổi nhưng không lớn và thường chỉ rơi vào số HS khá giỏi. Những HS trung bình thường xác định ngay môn thi từ thời điểm này để tập trung chuẩn bị ôn thi.
Phần lớn học sinh thi 5 - 6 môn
Tại Hà Nội, hầu hết các trường THPT công lập đều cho biết chưa tiến hành khảo sát việc chọn môn thi cho HS cho đến khi có “lệnh” của cấp trên.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Q.Hoàn Kiếm, cho biết: “Tuy chưa tiến hành cho HS đăng ký hay khảo sát một cách chính thức nhưng qua trao đổi và nắm bắt nguyện vọng thì thấy phần lớn HS của trường dự định sẽ thi 5 - 6 môn. Ngoài 3 môn bắt buộc văn, toán, ngoại ngữ; 2 môn mà nhiều HS dự định sẽ chọn nhất là vật lý và hóa học”.
Điều này cũng trùng với tìm hiểu của chúng tôi với HS các trường tốp đầu của Hà Nội như Thăng Long, Kim Liên, Chu Văn An, Trần Phú, Nguyễn Gia Thiều..., nơi mà HS chủ yếu chọn học ban Cơ bản A và D ngay từ lớp 10.
Đại diện nhiều trường cũng cho biết trước khi dự thảo công bố, HS lo rằng sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn thi “lạ” chưa ôn tập trước đó. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT quy định tổ hợp môn thi khác với các khối thi truyền thống, chỉ được phép chiếm không quá 25% ngành nghề đào tạo của các trường thì HS đã yên tâm với những môn học đã ôn thi vào ĐH lâu nay.
Khác với trường công lập, các trường ngoài công lập, đặc biệt là những trường có chất lượng đầu vào không cao đã khá chủ động cho HS chọn môn thi và có kế hoạch ôn thi từ rất sớm. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết HS trường này đã đăng ký các môn thi tự chọn ngoài 3 môn bắt buộc. Kết quả cho thấy môn vật lý và địa lý là 2 môn HS dự kiến lựa chọn nhiều nhất; 2 môn có ít học sinh chọn là lịch sử và sinh học.
Ôn thi sớm hơn và theo năng lực
Dù quy định thời gian HS đăng ký môn tự chọn đến hết tháng 3 và kỳ thi diễn ra vào đầu tháng 7, trễ hơn mọi năm nhưng hầu như các trường tại TP.HCM đều bắt đầu kế hoạch ôn thi từ tháng 1. Hiệu trưởng các trường cho biết sở dĩ phải làm việc này sớm vì năm nay kỳ thi quốc gia sử dụng cho 2 mục đích nên chắc chắn đề thi sẽ khó hơn, đòi hỏi ôn tập phải kỹ hơn. Trường phổ thông dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) lên kế hoạch phân chia thời lượng như sau: Môn toán, theo quy định của Bộ là 4 tiết/tuần, trường sẽ tăng lên thành 7 tiết/tuần đối với HS trung bình, 10 tiết/tuần cho HS yếu, 12 tiết/tuần cho HS có nguyện vọng vào ĐH. Còn các môn ngữ văn, tiếng Anh tăng gấp đôi số tiết quy định của Bộ. Năm học trước, đến hết học kỳ 2, HS Trường THPT Tân Phong (Q.7) mới ôn thi tốt nghiệp nhưng năm nay trường lên kế hoạch thực hiện ngay từ đầu học kỳ 2. Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) dự kiến ôn thi giữ nguyên lớp với các môn bắt buộc, 5 môn còn lại sẽ căn cứ vào số lượng HS đăng ký để chia lớp. Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) dự kiến thời lượng ôn thi môn toán 4 tiết/tuần, ngữ văn và tiếng Anh 3 tiết/tuần, các môn còn lại là 2 tiết/tuần. Trong khi đó, hiệu trưởng các trường THPT công lập ở Hà Nội vẫn khẳng định việc học tập đang diễn ra bình thường và chờ hướng dẫn của Bộ, của Sở mới triển khai ôn tập cho HS. Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng việc ôn tập diễn ra trong suốt quá trình học chứ không phải chờ đến khi có hướng dẫn mới cấp tập ôn thi. Ngược lại, đại diện các trường ngoài công lập cho biết đã cho ôn tập từ đầu năm học. Ông Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Lương thế Vinh, thông tin: “Tuy chưa khảo sát về việc lựa chọn môn thi nhưng trường đã tăng tiết (mỗi môn từ 1 - 2 tiết) cho HS theo các ban”. Tương tự, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã dành toàn bộ buổi học thứ 2 trong ngày để ôn tập cho HS theo nguyện vọng môn thi mà các em đã đăng ký. Tuy nhiên, ông Tùng Lâm băn khoăn: “Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ lùi thời gian thi đến tháng 7, vậy có hướng dẫn cho các trường THPT tổ chức ôn tập cho HS không? Có tiếp tục ôn tập hay để các em tự học ở nhà? Nếu ôn tập thì có quy định thu học phí không, chế độ giờ dạy của giáo viên ai chịu trách nhiệm chi trả trong cả tháng 6?”. B.T - T.N |
Theo thanhnien