Kinh nghiệm cho đổi mới giáo dục
|
Yêu cầu cấp bách
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK). Theo đó, đối với giáo dục phổ thông thì chương trình, SGK sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu.
Về chương trình ở bậc giáo dục phổ thông, theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT. Số chủ đề và các hoạt động giáo dục trải nghiệm tự chọn được tăng lên nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo tiền đề để phân luồng sau THCS và THPT.
Có thể thấy, với khung chương trình quá nặng nề như hiện nay, tích hợp để giảm tải chương trình là một trong những yêu cầu cấp bách của chủ trương đổi mới giáo dục lần này.
Phát biểu về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng chấn hưng giáo dục thì có rất nhiều nội dung, yêu cầu nhưng cần đột phá nhất ở 3 điểm. Thứ nhất, đó là đổi mới chương trình. Sau nhiều năm tổng kết lại thì thấy rằng chương trình GD-ĐT đã quá lạc hậu so với yêu cầu đổi mới đất nước, yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thứ hai là chương trình giáo dục phổ thông và SGK nói chung chưa đáp ứng được. Ngay cả chương trình ĐH cũng lạc hậu. Vì thế, chương trình đào tạo của chúng ta và bằng của chúng ta cấp không tương thích với bằng nước ngoài nên không được các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới công nhận. Vì chương trình và SGK còn lạc hậu như vậy nên chúng ta không có được những trường đứng ở những tốp đầu của thế giới. Một vấn đề nữa là, bên cạnh đổi mới chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy thì phải cần đổi mới hệ thống đánh giá khảo thí kiểm định chất lượng và cấp văn bằng chứng chỉ.
|
Chương trình tích hợp và những cơ hội mới cho người học
Với lợi thế luôn đi đầu cả nước với nhiều sáng kiến giáo dục, hiện TP.HCM đang cân nhắc để cho phép triển khai chương trình dạy và học 3 môn toán, tiếng Anh, khoa học theo phương pháp tích hợp giữa chương trình quốc gia Anh và chương trình của Bộ GD-ĐT VN. Đây được đánh giá thực sự là bước đi cần thiết, phù hợp với thực tiễn giáo dục VN hiện tại.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn. “Chúng ta tận dụng tri thức của nhân loại được các nước đúc kết lâu nay là điều rất tốt. Tại sao chúng ta không tiếp thu, học tập và phát huy những tinh hoa tốt đẹp của thế giới, nhất là các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, khoa học... Tuy nhiên chúng ta không bê nguyên xi mà phải tiếp thu có chọn lọc sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, con người VN. Tôi ủng hộ chủ trương của TP.HCM và mong rằng sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác trong cả nước”, ông Lê Như Tiến nói.
Trên thực tế, việc học hỏi và rút tỉa những ưu việt của mô hình giáo dục tiên tiến của các nước để vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp vào bối cảnh giáo dục nước ta là điều cần thiết. Trong góc nhìn đó, nhiều ý kiến cho rằng, với việc triển khai những chương trình như chương trình tích hợp nói trên là bước thử nghiệm cần thiết và có thể xem là kinh nghiệm tham chiếu đầy hữu ích.
Một số nhà giáo dục cho rằng, do thời gian qua việc người học phải trải qua nhiều “cú sốc” thay đổi nhưng không đưa đến những hiệu quả tương xứng khiến phần nào gây nên tâm lý e dè, thậm chí phản ứng tiêu cực với những chủ trương đổi mới giáo dục được đưa ra thời gian gần đây. “Tôi cho rằng cái gì mới thì cũng cần có thử nghiệm bước đầu. Tuy nhiên chúng ta không nên nói là đem học sinh ra làm thí nghiệm mà ở đây là thử nghiệm hoặc thí điểm, nghĩa là chúng ta đã có lý thuyết rồi và chúng ta đưa vào thực tiễn, qua thực hành ở thực tiễn chúng ta đúc rút ra đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu để từ đó biết được cần phải rút kinh nghiệm cái gì rồi chúng ta bổ sung… Nếu như không có bước mạnh dạn đưa vào thử nghiệm hoặc thí điểm ở một số trường thì chúng ta không thể có bài học thực tiễn. Vì thế tôi cho rằng nên làm và thử nghiệm là bước cần thiết, tất nhiên nên thận trọng. Khi có kết quả tốt rồi thì chúng ta sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác”, ông Lê Như Tiến nhận định.
Giảm tải áp lực cho học sinh Một trong những điểm căn bản nhất của chương trình tích hợp là nhằm giảm tải áp lực cho học sinh bởi chương trình được chọn để thay thế là chương trình tích hợp, phần kiến thức nào trùng lặp sẽ không học lại nữa. Bên cạnh đó vấn đề đầu ra cũng là một bước tiến đáng chú ý. Nếu trước đây học sinh học chương trình chỉ thi lấy chứng chỉ của Hội đồng khảo thí CIE Cambridge thì với chương trình mới này học sinh có thể được kiểm định bởi nhiều hội đồng khảo thí trên thế giới như Anh, Úc, Mỹ, VN và học sinh có thể thi lấy các chứng chỉ đầu ra như IELTS, TOEFL, Cambridge English… Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những học sinh THPT bởi với các chứng chỉ này, các em có thể rộng mở cơ hội để tiếp cận các trường ĐH uy tín của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Việc các hội đồng khảo thí quốc tế Anh, Úc, Mỹ cung cấp đề thi 3 môn toán, tiếng Anh, khoa học cho học sinh chương trình tích hợp sẽ được điều phối bởi các cơ quan quản lý giáo dục, tránh trường hợp vì lợi nhuận hoặc tăng phí mà các hợp đồng giữa các đơn vị bị ngừng hoặc thay đổi, ảnh hưởng đến người học, do vai trò của các cơ quan quản lý giáo dục sẽ nhiều hơn trong việc xét duyệt và cho phép các chuẩn khảo thí này được tham gia đánh giá học sinh của chương trình. |
Theo thanhnien