Kiểm tra học kỳ không gây áp lực cho học sinh tiểu học 25
Theo đó, Bộ yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo cần chỉ đạo việc hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức kiểm tra định kỳ không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu bài kiểm tra học kỳ không làm học sinh và phụ huynh lo lắng - Ảnh: Ng.Anh
|
Bài kiểm tra định kỳ phải được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, góp ý những hạn chế của học sinh và được chấm điểm. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để xếp loại học sinh hay để so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu để giáo viên, cha mẹ học sinh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh trong học kỳ, trong năm học.
Nếu kết quả bài kiểm tra định kỳ chưa phù hợp với các nhận xét, đánh giá thường xuyên, giáo viên cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn, giúp đỡ học sinh. Đồng thời, có thể cho học sinh làm lại bài kiểm tra để xác định thực chất năng lực học sinh hay hiệu quả của các giải pháp giáo dục đã được áp dụng. Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp học sinh học được và học tốt.
Bộ Giáo dục - Đào tạo còn yêu cầu mỗi Sở chọn 5 đề kiểm tra định kỳ học kỳ 1/môn học/lớp của 5 trường tiểu học ở địa phương, gửi về Bộ trong tháng 1.2015. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm cho việc ra đề và hướng dẫn kiểm tra định kỳ vào cuối năm học 2014 - 2015 và các năm tiếp theo.
Theo thanhnien