Không khó để học sinh thích môn sử
Trao giải cho những học sinh thích môn sử tại cuộc thi “Em yêu lịch sử VN” - Ảnh: Diệu HIền
|
Giáo viên phải là người rất yêu lịch sử
|
Thí sinh tham dự cuộc thi “Em yêu lịch sử VN” do Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức năm 2014 đã hiến kế thay đổi cách dạy và học sử. Trong buổi trao giải ngày 5.2 vừa qua, Ban tổ chức đã công bố mong muốn của học sinh (HS) trong việc đổi mới môn học này.
Ngô Thị Phương Linh (Trường THPT chuyên Hạ Long, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), HS nhận giải đặc biệt tại cuộc thi, nhìn nhận: “Em thấy rất nhiều thầy cô dạy sử nhưng ngại sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho bài giảng, trong khi nếu sử dụng power point sẽ làm cho bài giảng về lịch sử sinh động, cuốn hút hơn rất nhiều”. Phương Linh cho rằng bảo tàng lịch sử chính là những chứng tích sống động nhất nên nếu được tận mắt tham quan thực tế ngoài bài giảng sẽ giúp HS nhớ sâu hơn những sự kiện lịch sử, khơi gợi cảm hứng học sử. “Giáo viên cần biết cách làm cho HS hiểu rằng lịch sử là môn học hướng về cội nguồn dân tộc thì HS sẽ học với một nhận thức, ý thức hoàn toàn khác”, Linh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Minh Phương (Trường THCS Dương Liễu, H.Hoài Đức, Hà Nội), cũng nhận giải đặc biệt, lại góp ý cho chính Bộ GD-ĐT về việc thay đổi kết cấu bài giảng trong sách giáo khoa. “Chương trình sách giáo khoa quá nặng về sự kiện khiến nhiều bạn cảm thấy nản khi phải học thuộc, trong khi tinh thần, ý nghĩa của sự kiện, nhân vật lịch sử mới là quan trọng. Cùng với bài giảng, những video clip về những sự kiện lịch sử là vô cùng quan trọng, đó là cách mà môn sử đi vào chúng em nhanh chóng và gần gũi nhất”, Phương nói.
Hơ Râm Thị Đào (Trường THPT Dân tộc nội trú Quảng Nam) chia sẻ: “Nếu những bài học lịch sử hướng về ý chí, tinh thần của nhân vật sẽ khiến cho HS cảm thấy yêu thích môn học hơn. Và quan trọng hơn, để HS yêu thích môn lịch sử, thì giáo viên phải là người rất yêu lịch sử VN. Có vậy mới truyền tình yêu đến với học trò thành công nhất”.
Dạy theo chuyên đề
Từ giữa năm học 2014 - 2015, một số trường THPT tại TP.HCM đã triển khai dạy lịch sử theo chuyên đề. Điều này giúp HS học sử bằng cách hiểu, vận dụng khả năng phân tích, đánh giá chứ không thuộc lòng những con số, ngày tháng như trước.
Trong học kỳ 1, giáo viên Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) thực hiện chuyên đề: “Đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Theo bà Bùi My Thúy, Tổ trưởng bộ môn lịch sử, khi học xong chuyên đề này, HS hiểu bài sâu hơn, có cái nhìn toàn diện để phân tích, so sánh. Trong học kỳ 2, các giáo viên dự kiến sẽ tiếp tục phát triển các chuyên đề như “Những chiến thắng quân sự tiêu biểu”.
Tại buổi sơ kết học kỳ 1 môn sử THPT năm học 2014 - 2015 của ngành giáo dục TP.HCM diễn ra vào đầu tháng 2.2015, nhiều giáo viên cho rằng việc dạy sử theo chuyên đề giúp HS tự chủ động tìm hiểu thông tin, tư liệu. Nhờ đó HS sẽ hiểu và nhớ bài lâu hơn.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong học kỳ 2, với môn lịch sử, nhiều trường THPT tại TP.HCM đẩy mạnh giảng dạy theo chuyên đề. Bà Trần Thị Hà, Tổ trưởng bộ môn sử Trường THCS - THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) nói: “Trong tháng 3, chúng tôi sẽ thực hiện chuyên đề “Những chiến thắng về quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp”. Đồng thời có thể triển khai rộng các chuyên đề ở lớp 11 như phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2), cho biết tổ sử của trường đang lên kế hoạch để đẩy mạnh giảng dạy các chuyên đề sử trong học kỳ này.
Theo thanhnien