Khát vọng khởi nghiệp (Kỳ 1)
Kỳ 1: Những câu chuyện khởi nghiệp
Phong trào khởi nghiệp không chỉ lan tỏa trong đoàn viên thanh niên mà đã phát triển ở mọi giai tầng, mọi lĩnh vực, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Dẫu còn không ít khó khăn trên con đường khởi nghiệp nhưng họ luôn nỗ lực vươn lên khẳng định mình.
Thanh niên dám nghĩ dám làm
Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Phùng Văn Nghĩa (SN 1986) xuất ngũ trở về thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột làm nghề ươm cây giống. Tận dụng thế mạnh của địa phương và phát huy vai trò của một bí thư chi đoàn thôn, Nghĩa đã vận động các đoàn viên thanh niên cùng chung chí hướng thành lập hợp tác xã sản xuất cây giống. Tháng 5-2017, Hợp tác xã Giống cây trồng Thanh niên Hòa Thắng được thành lập với 10 thành viên, vốn điều lệ 700 triệu đồng.
Giám đốc Hợp tác xã Giống cây trồng Thanh niên Hòa Thắng Phùng Văn Nghĩa (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm làm vườn ươm cây giống với đoàn viên thanh niên. |
Để các loại cây giống được thị trường chấp nhận, Ban Giám đốc Hợp tác xã không ngại khó khăn đi đến nhiều nơi trong và ngoài nước tìm hiểu, mua chồi ghép, hạt giống về ươm, lai tạo. Khi bán cây giống cho nông dân, Hợp tác xã đều có bản cam kết chất lượng, đồng hành, tư vấn về cách trồng, chăm sóc trực tiếp hoặc qua điện thoại, mạng xã hội đến khi thu hoạch. Nhờ vậy, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2017, Hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường 130 vạn cây giống và cây rừng các loại, thu về lợi nhuận trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 thanh niên và lao động địa phương với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Hợp tác xã Phùng Văn Nghĩa cho biết, trong năm 2018, Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích làm vườn ươm lên 3 ha, cung cấp số lượng cây giống gấp đôi so với năm 2017. Hiện nay, Hợp tác xã đang phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Tây Nguyên sản xuất cây cà phê giống cung cấp cho dự án cây cà phê hỗ trợ giá của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Khi mua cây cà phê giống của Hợp tác xã theo dự án này, nông dân sẽ được hỗ trợ 1.500 đồng/cây.
Quyết tâm theo đuổi mục tiêu
Mặc dù đang kinh doanh giày dép với mức thu nhập khá ổn định nhưng sau khi được tham quan trại nấm của một người quen, Vũ Việt Dũng (SN 1992) ở thôn 7, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar đã tìm hiểu, học hỏi và quyết định đầu tư 60 triệu đồng xây dựng trại trồng nấm. Do không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên vụ đầu tiên Dũng thất bại hoàn toàn, thua lỗ 30 triệu đồng. Không nản chí, Dũng đã thuyết phục 2 người bạn đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana học nghề trồng nấm. Tháng 8-2017, sau khi có chứng chỉ nghề, nhóm đã rủ thêm một người nữa đóng góp vốn 200 triệu đồng và vay thêm 160 triệu đồng để thành lập Tổ hợp tác sản xuất nấm Phú Nông. Tổ hợp tác đã xây dựng lò hấp, trại nuôi trồng, mua sắm các vật tư để sản xuất 10.000 bịch nấm bào ngư, 45.000 bịch nấm mèo và nấm sò trắng. Vụ đầu tiên, Tổ hợp tác đã cung cấp sản phẩm cho thị trường dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Cán bộ Đoàn tham quan, tìm hiểu mô hình khởi nghiệp từ vườn ươm cây giống của Hợp tác xã Giống cây trồng Thanh niên Hòa Thắng. |
Để mở rộng sản xuất, Tổ hợp tác đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng thêm 10 trại nấm, sản xuất 100.000 bịch nấm các loại, đồng thời cung cấp bịch giống và hướng dẫn các nông hộ có nhu cầu xây dựng trang trại, bao tiêu sản phẩm cho họ. Dũng chia sẻ: “Để khởi nghiệp trước hết cần phải có đam mê, quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Hiện tại, Tổ hợp tác đã ký kết được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mục tiêu của Tổ hợp tác là sẽ thành lập hợp tác xã, rồi công ty nhằm xây dựng thương hiệu nấm sạch”.
(Còn nữa)
Theo baodaklak