Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 17/04/2015

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4: Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: 24h.com.vn)


Ngày hội đọc sách của trường Tiểu học Vinh Tân, thành phố Vinh thường diễn ra vào ngày 23/4 - ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Các thầy cô giáo sẽ thi trình bày và giới thiệu sách, học sinh đóng các trích đoạn trong các câu chuyện, kể chuyện theo sách, thi tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo nhân vật trong sách, viết cảm xúc về nhân vật mình yêu thích trong sách, giới thiệu về một cuốn sách mình yêu thích. Phụ huynh học sinh cũng tham gia quyên góp sách cho thư viện hoặc tặng sách cho các học sinh nghèo.

 

Những ngày này, học sinh lớp 5A của trường đang tích cực tập luyện cho một hoạt cảnh trong câu chuyện “Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng”. Được mặc áo bà ba, đứng giữa sân trường để nhắc lại từng câu nói mà Bác đã trò chuyện với các bạn ở trại Kim Đồng, em Phan Chiến Thắng - người được phân vai đóng nhân vật Bác Hồ xúc động: Em đã hiểu hơn nội dung câu chuyện mà người kể muốn truyền tải, đó là phải biết quý trọng những điều chúng ta có, dù là nhỏ, phải biết quan tâm, giúp đỡ những người nghèo khổ, phải biết thương yêu bạn bè cùng trang lứa…Cô giáo Nguyễn Thị Thảo – Hiệu phó nhà trường cho biết: Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để rèn thói quen này cho các em. Ở trường Tiểu học Vinh Tân, bên cạnh việc tổ chức Ngày hội đọc sách thì nhà trường còn xây dựng các tủ sách thư viện lưu động ở các lớp học; triển khai nhiều hoạt động thú vị tại thư viện trường như như đọc sách và ra những câu đố vui cho các em giải với mục đích tạo cho các em có thêm khả năng tư duy; giới thiệu sách hay trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, dưới thiệu dưới cờ…

Để có những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh vừa mang tính giáo dục cao thì việc phát triển vốn tài liệu ở trường học rất quan trọng. Xây dựng vốn tài liệu tại trường Tiểu học Thanh Khê, huyện Con Cuông là cách làm hay cần được nhân rộng. Điều đáng nói, Thanh Khê là xã miền núi đặc biệt khó khăn, dân số đông chủ yếu là giáo dân, đời sống người dân còn thấp. Trước kia, đối với giáo viên hầu như họ không có thời gian rảnh để đến thư viện chứ chưa nói gì đến tạo thói quen cho học sinh đọc sách.

Xác định Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách báo, tạp chí và các loại tài liệu, các văn bản mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa trong nhà trường góp phần thúc đẩy phong trào dạy và học tập của giáo viên và học sinh, xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu trong học sinh và xây nề nếp văn hóa mới cho mỗi thành viên trong nhà trường, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng vốn tài liệu tại thư viện trường. Nhà trường vận động giáo viên, học sinh quyên góp sách cho thư viện. Cán bộ thư viện lựa chọn, chỉ giữ lại và đưa vào kho những cuốn cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ của thư viện nhà trường. Với phương châm “Góp một cuốn sách để đọc nhiều cuốn sách hay và thú vị hơn”, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh phát động ủng hộ sách báo cho thư viện, đưa vào phong trào thi đua giữa các chi đội. Nhà trường cũng vận động phụ huynh ủng hộ tủ sách cho thư viện. Cùng với đó cán bộ thư viện khai thác tài liệu trên internet vừa làm phong phú nội dung hơn vừa cập nhật những thông tin mới mẻ cho thư viện.

Thư viện trường Tiểu học Thanh Khê là một thư viện nhỏ nhưng đã phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Thư viện hiện nay cơ bản có đủ các tài liệu đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Tại đây, ngoài việc tham gia đọc sách, học sinh được khuyến khích thể hiện suy nghĩ, cảm xúc ở góc sáng tạo. Nhà trường vừa tổ chức thành công cuộc thi “Sáng tác lại đoạn kết cho truyện cổ tích”, thu hút đông đảo học sinh trong trường tham gia. Nhiều bài viết đã biết xây dựng cốt truyện, biết tạo tình huống hấp dẫn, kịch tính thể hiện được sự sáng tạo tinh tế, cách nhìn mới mẻ, độc đáo mà vẫn mang màu sắc cổ tích của lứa tuổi học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Bắc – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Khê khẳng định Thư viện là nơi để xây dựng thói quen tự đọc, tự học, tự nghiên cứu của học sinh, từ đó khuyến khích các em học và làm nhiều việc tốt theo truyện. Đây cũng là giải pháp thay đổi phương pháp dạy và học phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.

Mỗi trường học ở Nghệ An có cách làm khác nhau nhưng cùng vì một mục đích chung nhằm giúp các em học sinh được tiếp cận với nhiều loại sách báo, từ đó giúp các em tìm được niềm vui trong đọc sách, hình thành thói quen đọc sách bổ ích để mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành kỹ năng sống và chuẩn bị hành trang tốt nhất cho tương lai. Bằng những cách làm này nhà trường cũng tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để chung tay nuôi dưỡng những mầm non tương lai./.

Nguồn dangcongsan.vn (VN)

 
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready