Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
Cập nhật lúc: 06/09/2018

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 9/2018

1. Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945)

Cách mạng tháng tám thành công, Trung ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội.

Tại cuộc họp của chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Người một chính phủ thống nhất toàn quốc thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.

Buổi trưa ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình- Hà Nội, trong cuộc mít tinh của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!… Nước Việt Nam có quyền đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec - xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.

“Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày độc lập 02/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.

Từ đó, ngày 02/9 trở thành Ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phong trào hành động

2.1. Nội dung sinh hoạt

- Vận động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tập trung theo chủ điểm gắn với phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8 (19/8/1945 - 19/8/2018) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2018); Ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930); Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955); Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc (20/9/1977); Nam Bộ kháng chiến (23/9/1977).

- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

2.2. Hình thức tổ chức

- Tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa để đoàn viên, thanh niên tìm hiểu thêm về truyền thống cách mạng của dân tộc như: Tổ chức tuyên truyền về giá trị và ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc khánh 2/9; Tổ chức cho đoàn viên thanh niên nghe, tìm hiểu về bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày 2/9/1945; gặp mặt, tọa đàm cùng các cựu chiến binh, nói chuyện truyền thống, giao lưu giữa các thế hệ; tham quan di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ…

- Tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi địa bàn dân cư bằng hình thức tổ chức cho các em thiếu nhi giao lưu văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian, kể truyện... Khuyến khích các chi đoàn tổ chức bằng nhiều hình thức sáng tạo, tiết kiệm, hiệu quả.

- Ngoài ra, các Chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt Chi đoàn cho phù hợp.

3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn với việc tham gia thực hiện trật tự văn minh đô thị

3.1. Nội dung thực hiện trật tự văn minh đô thị của Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố

Đối với Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố, thực hiện trật tự văn minh đô thị là một trong những hoạt động góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Những nội dung liên quan đến việc thực hiện trật tự văn minh đô thị gồm:

- Đảm bảo trật tự lề đường, cổng trường, cổng chợ.

- Đảm bảo giao thông.

- Phòng chống đua xe trái phép.

- Xoá bỏ quảng cáo ngoài trời trái phép.

- Chống ngập, úng, lấn chiếm lề đường, vỉa hè.

Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố Ban Chấp hành Chi đoàn lựa chọn đưa những nội dung cần thực hiện vào chương trình hoạt động của Chi đoàn.

3.2. Giải pháp thực hiện đề án trật tự văn minh đô thị của Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố

3.2.1. Đảm bảo trật tự lề đường, cổng trường, cổng chợ:

- Ban Chấp hành Chi đoàn tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ, giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị.

- Vận động đoàn viên tham gia đội hình thanh niên tình nguyện vì trật tự an toàn giao thông; giữ gìn cổng trường sạch đẹp, an toàn; bảo đảm trật tự lề đường, cổng chợ… do Đoàn phường, xã tổ chức.

- Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia tìm hiểu luật và tuyên truyền pháp luật, tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông đường bộ do Đoàn phường, xã tổ chức.

3.2.2. Thực hiện công tác đảm bảo giao thông:

- Vận động đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân cùng chính quyền địa phương bê tông hóa các con đường, hẻm nhỏ.

- Theo dõi, kiểm tra phát hiện những đoạn đường bị hư hỏng, ổ gà… Chi Đoàn đề xuất chi bộ, tổ chức ra quân cùng tổ dân phố, khu phố sửa chữa, dặm vá đảm bảo mặt đường sạch sẽ, không có xà bần, không có vật chướng ngại cản trở giao thông.

- Báo cáo với Chi bộ Ban điều hành khu phố kịp thời thay thế những bóng đèn bị hư hỏng, lắp đặt mới ở những trọng điểm đảm bảo chiếu sáng.

3.2.3. Thực hiện công tác phòng chống đua xe trái phép:

- Thường xuyên vận động, giáo dục đoàn viên thanh niên thực hiện an toàn giao thông, không tụ tập đua xe trái phép, không cổ vũ, hưởng ứng đua xe. Vận động các gia đình không cho con em đi xe gắn máy phân khối lớn.

- Phối hợp cùng cảnh sát khu vực vận động những thanh thiếu niên có biểu hiện tham gia đua xe làm cam kết không tham gia đua xe. Đối với những thanh thiếu niên cố tình tham gia đua xe hoặc cổ vũ đua xe lập danh sách báo cáo với cảnh sát khu vực để có biện pháp răn đe, xử lý.

- Vận động mọi người thực hiện an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, tham gia giao thông công cộng nhằm giảm bớt tình trạng giao thông quá tải hiện tại.

3.2.4. Thường xuyên tổ chức ra quân trên địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố tháo bỏ các bảng quảng cáo sai quy định, những băng rôn, biểu mẫu có nội dung xấu hoặc treo không đúng vị trí làm mất mỹ quan đô thị:

- Ban Chấp hành Chi đoàn, đoàn viên thanh niên lưu ý phát hiện những bảng quảng cáo, băng rôn, biểu mẫu …sai quy định báo cáo chi bộ, tham mưu và xin ý kiến xử lý.

- Nhắc nhở hộ dân không đổ, xả rác, thả súc vật ra đường …

- Phối hợp với cảnh sát khu vực, dân quân tự vệ vận động xóa bỏ những nhà tạm, lều, bạt tạm trên trên lề đường làm mất mỹ quan, vệ sinh đường phố. Kiên quyết tháo dỡ nếu vi phạm nhiều lần.

3.2.5. Đối với những thôn, buôn, tổ dân phố thường xuyên xảy ra ngập úng vào mùa mưa:

- Ban Chấp hành Chi đoàn báo cáo với Chi bộ, phản ánh lên Đảng bộ, Ủy ban Nhân dân phường để có kế hoạch giải quyết, khắc phục. Ban Chấp hành Chi đoàn khu thôn, buôn, tổ dân phố chủ động tổ chức cho đoàn viên thanh niên ra quân khai thông cống rãnh, gia cố bờ bao bảo đảm an toàn trước khi mùa mưa đến.

- Phối hợp cùng cảnh sát khu vực, các thành viên của Ban Mặt trận khu phố tuyên truyền vận động những hộ dân không lấn chiếm vỉa hè, không xả rác ra sông, suối làm cản trở dòng chảy, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường.

- Đối với Chi đoàn tổ chức cho đoàn viên thanh niên phát hoang cỏ dại ven đường, trồng cây xanh, bảo vệ đường xá, khai thông cống rãnh đảm bảo thông thoát nước.

- Vận động đoàn viên thanh niên, gia đình và nhân dân trong thôn, buôn, tổ dân phố thực hiện nghiêm chỉnh những quyết định của Nhà nước và địa phương về việc di dời, đền bù, giải toả và tái định cư… Hướng dẫn nhân dân làm những thủ tục theo quy trình khiếu nại, khiếu kiện. Không nghe lời kẻ xấu kích động, không tham gia khiếu kiện tập thể làm mất an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Với những giải pháp trên, Ban Chấp hành Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố cần nghiên cứu xây dựng những công trình thanh niên gắn với phong trào “An toàn – Sạch đẹp – Văn minh – Nghĩa tình”, gắn với nhiệm vụ mục tiêu xã hội của địa phương và phân công đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi Con thỏ ăn cỏ”

- Mục đích: Rèn luyện trí nhớ, sự khéo léo.

- Số lượng: 30 người trở lên, có thể chia nhiều nhóm.

- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.

- Thời gian: Từ 5 - 7 phút

- Cách chơi: Khi quản trò đưa bàn tay chụm lại hô “Con thỏ”, người chơi lặp lại theo lời quản trò nói “Con thỏ”. Quản trò đưa tay này qua tay kia hô “ăn cỏ”, người chơi làm theo và nói “ăn cỏ”. Quản trò đưa tay lên miệng hô “Uống nước”, người chơi làm theo và nói “Uống nước”. Quản trò đưa tay lên lỗ tai hô “chui vô hang”, chấp tay lại hô “thỏ ngủ”… Người chơi phải làm theo quản trò nếu làm sai sẽ bị phạt, quản trò chú ý phải làm dần dần nhanh (có thể nâng lên bằng cách nói và làm khác nhau).

Trò chơi “Mưa rơi”

- Mục đích: Tạo không khí sinh động.

- Số lượng: Không hạn chế số người.

- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.

- Thời gian: Từ 2 - 3 phút.

- Cách chơi: Quản trò giơ tay lên cao nói “Mưa rơi mưa rơi” thì người chơi phải vỗ tay. Quản trò đưa tay càng cao thì người chơi vỗ tay càng lớn, quản trò đưa tay thấp xuống thì người chơi vỗ tay càng nhỏ. Quản trò phải nhanh nhẹn đưa tay lên xuống liên tục – ai làm sai sẽ bị mời ra và chịu hình phạt do người quản trò áp dụng.

Ban Biên tập

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready