Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
Cập nhật lúc: 01/07/2015

Hướng dẫn sinh hoạt chi đoàn (Tháng 7 năm 2015)

NỘI DUNG

1. Nội dung tìm hiểu

Tìm hiểu về: Kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ  (27/7/1947 - 27/7/2015)

Cách mạng tháng tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội….. mở đường cho việc xâm lược cả nước ta.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là hội trưởng danh dự của hội.

Ngày 28/5/1946, “hội giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ tịch đã đến dự. Ngày 7/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, tại đây Hồ chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung Ương hội phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung Ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý Uống Nước Nhớ Nguồn.

Lichsuvietnam.vn

2. Phong trào hành động

- Các cơ sở Đoàn tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7); Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15/7); Tổ chức cho đoàn viên thanh niên chăm sóc tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ, động viên thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình Thương binh Liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn.

- Đồng loạt tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” trong toàn tỉnh nhân ngày 27/7.

- Thực hiện và chuẩn bị tốt mọi điều kiện và lực lượng đối ứng để phối kết hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện hè làm tốt công tác tình nguyện tại địa phương. Đẩy mạnh công tác dân quân tự vệ, an ninh xung kích bảo vệ trật tự an toàn thôn, xóm.

- Đẩy mạnh kiện toàn, củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Đội, trên địa bàn dân cư, đặc biệt là tổ chức Hội.

- Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên thanh niên, các em thiếu nhi trong dịp hè. Tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tình nguyện hè hoàn thành tốt nhiệm vụ tại địa phương.

- Đoàn thanh niên phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động thanh thiếu nhi thực hiện văn hoá ứng xử, về an toàn giao thông, đuối nước trong mùa mưa lũ, tác hại của ma túy, HIV/AIDS, bia rượu…

- Tiếp tục tổ chức sinh hoạt chi đoàn gắn với việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp khoá X.

- Tập trung thảo luận các nội dung, góp ý văn kiện Đại Đảng các cấp

3. Sổ tay nghiệp vụ:  “Khôi phục hồ sơ đoàn viên”

a. Trường hợp mất sổ đoàn viên (nhưng còn Nghị quyết kết nạp đoàn viên, thẻ đoàn viên)

Chi đoàn hướng dẫn đoàn viên làm đơn xin cấp lại sổ đoàn viên, trong đó nêu rõ lý do và thời gian mất sổ, đề nghị Đoàn cấp trên cấp lại sổ cho đoàn viên (gửi kèm đơn xin cấp lại sổ của đoàn viên).

b. Trường hợp mất sổ đoàn viên (nhưng không còn nghị quyết kết nạp đoàn, thẻ đoàn viên

- Nếu đoàn viên xin được giấy xác nhận đã kết nạp Đoàn tại nơi được kết nạp và giấy xác nhận của cơ sở Đoàn mà đoàn viên sinh hoạt trước khi chuyển đến đơn vị hiện tại (đối với đoàn viên mới chuyển đến) thì Ban Chấp hành chi đoàn gửi văn bản đề nghị cấp lại sổ đoàn viên gửi về Đoàn cấp trên.

- Hồ sơ gồm: Đơn xin cấp lại sổ đoàn viên, sổ đoàn viên mới khai đầy đủ thông tin, giấy xác nhận đã được kết nạp Đoàn tại nơi kết nạp, giấy xác nhận sinh hoạt Đoàn của cơ sở cũ, văn bản của chi đoàn đề nghị Đoàn cấp trên cấp lại sổ mới, trong đó xác nhận về việc sinh hoạt và đóng Đoàn phí đầy đủ của đoàn viên ấy đến thời điểm hiện tại.

- Trường hợp không xin được giấy xác nhận đã được kết nạp Đoàn tại nơi được kết nạp và giấy xác nhận của cơ sở Đoàn mà đoàn viên sinh hoạt trước khi chuyển đến đơn vị hiện tại thì tiến hành kết nạp lại (không cần tham gia lớp cảm tình Đoàn).

Lưu ý: Đối với chi đoàn cơ sở, sau khi có đầy đủ thủ tục thì trực tiếp tiến hành cấp lại sổ đoàn viên.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Tổ chức trò chơi: “Tôi là ai”

- Không gian: Trong phòng hoặc ngoài trời

- Mục tiêu: Rèn luyện trí nhớ và tăng phản xạ

- Số lượng thành viên: 8 người trở lên

- Vật dụng cần thiết:

                  + Nhãn tên x số thành viên

                  + Bút bi x số thành viên

- Hoạt động:

+ Phát cho mỗi thành viên 1 nhãn tên và yêu cầu viết họ tên mình vào.

+ Người quản trị thu lại tất cả nhãn tên, xáo trộn thứ tự của chúng, rồi dán vào lưng áo mỗi bạn nhưng không để họ nhìn thấy họ tên trên nhãn. Phải chắc rằng mỗi thành viên đều mang 1 họ tên khác

+ Mỗi thành viên phải đặt câu hỏi đúng hoặc sai, nhưng nội dung không được liên quan trực tiếp đến họ tên trên lưng mình, và từ đó suy ra tên ai đang dán sau lưng mình.

Ví dụ: Tôi cao hay không, tôi có đeo kính không…

+ Nếu nhóm quá đông, quy ước rằng mỗi thành viên chỉ được đặt 1 câu hỏi với 1 bạn.

+ Thành viên nào đoán chính xác tên sau lưng mình sẽ dán nhãn lên trước ngực áo.

- Biến thể:

+ Cho cả nhóm xếp thành vòng tròn và phát nhãn tên cho mỗi thành viên

+ Chuyền bút lông và yêu cầu mỗi bạn viết tên mình vào nhãn tên

+ Thu lại tất cả nhãn tên, xáo trộn vị trí của chúng rồi phát lại cho mỗi thành viên. Nếu thành viên nào nhận nhãn có ghi tên mình thì phải đổi cái khác

+ Tất cả thành viên không để lộ tên mình đang giữ.

+ Yêu cầu mỗi thành viên dán nhãn tên của mình vào lưng áo của bạn đứng bên phải

+ Khi có hiệu lệnh “Bắt đầu”, mỗi thành viên phải cố gắng tìm ra nhãn ghi tên mình và giật lấy, dán lên trước ngực áo. Đồng thời cũng phải tránh né không để các bạn khác giật nhãn tên sau lưng mình.

+ Những thành viên tìm được tên của mình mà vẫn giữ được nhãn tên sau lưng sau 20 phút sẽ chiến thắng.

BAN TỔ CHỨC - KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready