Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 03/06/2015

Hướng dẫn sinh hoạt chi đoàn (Tháng 6 năm 2015)

NỘI DUNG

1. Nội dung tìm hiểu

Tìm hiểu về: Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 (1949-2015).

Vào rạng sáng ngày 01/6/1942, bọn phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, sau khi bị đánh bật ra khỏi biên giới Liên Xô, tại Ô-ra-đua, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Gơ-la-ni ở miền trung nước Pháp, bọn phát xít Hítle lại gây ra những tội ác mới. Chúng bao vây Ô-ra-đua, dí súng đẩy từng người một vào nhà thờ rồi tưới xăng dầu thiêu chết 1.400 người, trong đó có 200 trẻ em.

Căm phẫn trước tội ác dã man của phát xít Đức, cả loài người tiến bộ trên toàn thế giới đã kịch liệt lên án và đấu tranh để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, Nhà nước Tiệp Khắc đã cho xây dựng lại làng Li-đi-xơ và Đài tưởng niệm để khắc sâu tội ác của bọn phát xít. Tháng 12/1949, Liên hiệp Hội phụ nữ Á Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đề nghị và được Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới nhất trí chọn ngày 01/6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhằm nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Li-đi-xơ và Ô-ra-đua của bọn phát xít, và hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Tháng 4/1952 tại Viên (Thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả Chính phủ các nước đặt ra những Pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.

Đến năm 1955, Đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxacơva đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.

Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 01/6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.

Ở nước ta từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 01/6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi, nhi đồng, coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

2. Phong trào hành động

- Các cơ sở Đoàn tổ chức các hoạt động thiết thực nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6. Phối hợp với gia đình để cùng thực hiện tốt luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phát hiện kịp thời và lên tiếng với xã hội những hành vi vi phạm đến nhân phẩm của trẻ em.

- Tiếp nhận ĐVTN ở các trường học về sinh hoạt hè tại địa phương, đồng thời tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút đoàn viên thanh niên, đặc biệt là đoàn viên thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt (văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cắm trại, tham quan, về khu căn cứ cách mạng, thăm hỏi và giúp đỡ các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng…).

- Đẩy mạnh tổ chức và hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư, vận động các em thiếu nhi tham gia sinh hoạt trong các loại hình đội nhóm năng khiếu, sở thích, lao động công ích thích hợp, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh trên địa bàn dân cư.

- Các cơ sở Đoàn tổ chức kiểm tra công tác thu chi đoàn phí và trích nộp đoàn phí lên đoàn cấp trên theo Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn. Tổ chức thống kê số liệu, tiến hành sơ kết công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi 6 tháng đầu năm.

- Đẩy mạnh hoạt động các loại hình câu lạc bộ đội, nhóm, đổi công giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. 

3. Sổ tay nghiệp vụ: “Quản lý đoàn viên về sinh hoạt tại nơi cư trú”

3.1. Đối tượng

- Đoàn viên là học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học, học viện.

- Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

- Đoàn viên là công nhân, lao động trẻ làm việc trong các doanh nghiệp

- Riêng đối với đoàn viên khối lực lượng vũ trang thực hiện theo Hướng dẫn riêng của ngành.

3.2. Thời điểm tham gia

- Đoàn viên là học sinh, sinh viên tham gia sinh hoạt, hoạt động Đoàn tại nơi cư trú trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết, hoặc các ngày thứ 7, chủ nhật.

- Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức tham gia sinh hoạt, hoạt động Đoàn tại nơi cư trú các ngày thứ 7, chủ nhật, các kỳ nghỉ lễ, nghỉ tết, hoặc thời điểm thuận lợi ngoài giờ làm việc.

- Đoàn viên là công nhân, lao động tham gia sinh họat, họat động Đoàn tại nơi cư trú trong các ngày nghỉ, kỳ nghỉ tết, hoặc thời điểm thuận lợi ngoài giờ lao động.

Ngoài ra, khuyến khích đoàn viên tham gia sinh hoạt vào các thời điểm thích hợp khác.

3.3. Mức độ tham gia

Trong 01 năm, đoàn viên tham gia ít nhất 03 lần sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.

3.4. Quy trình, thủ tục giới thiệu, tiếp nhận đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

- Đối với Chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên - quản lý sổ đoàn viên (thực hiện việc giới thiệu):

Bước 1: Ban Chấp hành Chi đoàn thống kê danh sách đoàn viên, điền đầy đủ thông tin vào giấy giới thiệu, đề nghị Đoàn cấp trên trực tiếp đóng dấu xác nhận giới thiệu đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú. Nếu là Chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện việc giới thiệu. Trường hợp, nếu có nhiều đoàn viên cư trú cùng một nơi, cùng một cơ sở Đoàn có thể giới thiệu bằng danh sách theo mẫu. Danh sách được Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên đóng dấu xác nhận đề nghị tổ chức Đoàn nơi đoàn viên cư trú tiếp nhận và tổ chức cho đoàn viên tham gia sinh hoạt.

Buớc 2: Chi đoàn, Đoàn cơ sở vào sổ theo dõi đoàn viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú của đơn vị khi đã thực hiện việc giới thiệu.

- Đối với Chi đoàn, Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn nơi cư trú (thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức cho đoàn viên sinh hoạt)

Bước 1: Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn tiếp nhận giấy giới thiệu của Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên; vào sổ theo dõi đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú, có ý kiến trực tiếp vào giấy giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt tại chi đoàn phù hợp với địa bàn cư trú của đoàn viên.

Buớc 2: Chi đoàn nơi cư trú tiếp nhận đoàn viên, vào sổ theo dõi đoàn viên tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú và tổ chức cho đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn theo quy định.

3.5. Nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

- Thời điểm nhận xét, đánh giá:

+ Hàng năm chi đoàn nơi cư trú nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú và gửi kết quả về chi đoàn nơi trực tiếp quản lý đoàn viên. Việc nhận xét, đánh giá phải được hoàn thành truớc tháng 4 hàng năm đối với đoàn viên khu vực trường học và trước tháng 11 hàng năm đối với đoàn viên các khu vực khác.

+ Ngoài ra, chi đoàn và Đoàn cơ sở nơi cư trú có trách nhiệm nhận xét, đánh giá khi đoàn viên có đề nghị (đặc biệt là đối tượng học sinh về tham gia sinh hoạt hè).

- Tiêu chí nhận xét, đánh giá và xếp loại:

+ Ý thức, thái độ tham gia sinh hoạt, hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú

+ Mức độ tham gia sinh hoạt, hoạt động của Đoàn  tại nơi cư trú

+ Kết quả tham gia sinh hoạt, họat động của Đoàn tại nơi cư trú

* Căn cứ vào 3 tiêu chí trên, sẽ xếp loại đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú theo các mức: tốt, khá, trung bình. Trường hợp đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú thì không tiến hành đánh giá hoặc ghi rõ không tham gia (nếu có yêu cầu nhận xét).

* Kết quả nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú được thông báo tới các đoàn viên trong chi đoàn. Bản nhận xét, đánh giá trước khi chuyển cho tổ chức Đoàn nơi trực tiếp quản lý đoàn viên hoặc các đơn vị có liên quan phải có xác nhận của Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn nơi đoàn viên cư trú. Trường hợp phải chuyển nhận xét, đánh giá cho nhiều đoàn viên trong cùng một đơn vị có thể thực hiện bằng danh sách theo mẫu.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Tổ chức trò chơi Team Building: “Bắt cá”

Không gian: Trong phòng hoặc ngoài trời

Ý nghĩa: Trò chơi giúp đối tượng chơi có phản ứng nhanh nhẹ, tạo không khí vui vẻ trong học tập sinh hoạt.

Số lượng: Dưới 100 người chơi, đứng thành vòng tròn.

Nội dung:

Quản trò quy định người bắt cá và cá.

- Người bắt cá: Đứng đối diện nhau, hai tay của hai người nắm vào nhau và đưa lên cao.

- Cá: Còn lại người chơi làm cá, nắm tay vào nhau tạo thành vòng tròn.

Cách chơi:

- Khi quản trò hô bắt đầu thì người chơi hát một bài hát tập thể, đi vòng tròn, chui qua tay của người bắt.

- Khi nghe tiếng còi (hoặc hô bắt) của quản trò, người bắt nhanh tay chụp xuống để bắt cá. Cá nhanh nhẹn thoát ra ngoài.

Luật chơi:

- Cá nào bị bắt là thua.

- Người bắt cá không bắt được cá cũng thua, thay người khác làm đôi bắt cá, trò chơi tiếp tục.

- Khi nắm tay hát không được đứt đoạn trong vòng tròn.

Chú ý:

Tùy theo số lượng người chơi để cử người bắt cho phù hợp, không ít quá, nhiều quá.

Ban Tổ chức - Kiểm tra

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready