Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 6/2018
1. Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Thiếu nhi
Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Với trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của mình, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc thế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sáchgiáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.
Theo đó, hàng loạt những sự kiện liên quan đến quyền trẻ em cũng được đặt ra. Tháng 4/1952 tại Viên (thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả chính phủ các nước đặt ra pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.
Đến năm 1955, Đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxacơva đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.
Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 1/6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.
Ngày quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ 15/5 đến 30/6 được coi là Tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam.
Đất nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước, Bác gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành…”. Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày 1/6 và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác Hồ luôn hết sức quan tâm dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Ngày 1/6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Quốc tế thiếu nhi là một sự kiện hay một ngày lễ dành cho thiếu nhi được tổ chức vào ngày 1/6 hằng năm. Đây là dịp thế giới đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhi đồng và là ngày đoàn kết thiếu nhi quốc tế./.
2. Phong trào hành động
2.1. Nội dung sinh hoạt
- Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa Quốc tế thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; kỷ niệm 46 năm ngày môi trường thế giới (05/6/1972 - 05/6/2018); kỷ niệm 107 năm Ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2018); 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1968 – 11/6/2018); Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6); kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
- Tuyên truyền phòng chống ma túy và tăng cường công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng thông qua việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh thiếu niên tỉnh Đắk Lắk sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2015 – 2020” của UBND tỉnh Đắk Lắk.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2018 về “Rèn luyện tác phong cán bộ Đoàn sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, sâu sát cơ sở theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện chỉ thị 42 CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”; tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
- Tuyên truyền việc tổ chức các hoạt động thiết thực cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tỉnh Đắk Lắk năm 2018.
- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
2.2. Hình thức tổ chức
- Tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa tìm hiểu thân thế, sự nghiệp và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho đoàn viên, thanh niên hiểu sâu sắc hơn về một nhân cách lớn, một nhà cách mạng lỗi lạc, một con người ưu tú của dân tộc đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; tổ chức sinh hoạt chi đoàn xem phim tư liệu “Bác Hồ với thanh niên”…
- Chuẩn bị mọi thủ tục để tiếp nhận đoàn viên, thanh niên ở các trường học về sinh hoạt hè tại địa phương, đồng thời tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt (Văn hóa văn nghệ - Thể dục thể thao; cắm trại; về khu căn cứ cách mạng; thăm hỏi và giúp đỡ các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng…).
- Vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thông qua những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả cao tạo được sự lan tỏa trong thanh niên.
- Ngoài ra, các Chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt Chi đoàn cho phù hợp.
3. Sổ tay nghiệp vụ: Thực hiện công trình thanh niên ở Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố
3.1. Khái niệm công trình thanh niên:
Công trình thanh niên là một phương thức hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức nhằm tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện những việc thiết thực góp phần vào việc cùng địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đoàn viên thanh niên, khẳng định tính xung kích của Đoàn. Công trình thanh niên phải tạo ra những sản phẩm cụ thể và được xã hội thừa nhận.
Hiệu quả cần đạt khi thực hiện công trình thanh niên:
- Thể hiện vai trò xung kích của lực lượng trẻ tại địa phương, đơn vị trong việc góp phần giải quyết những việc thiết thực với năng suất, chất lượng hiệu quả cao.
- Công trình thanh niên phải là môi trường tốt giúp đoàn viên, thanh niên bộc lộ trí sáng tạo, phát huy được tính tập thể ở mỗi người thanh niên. Thông qua công trình thanh niên giúp tuổi trẻ rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, đồng thời đạt được một số hiệu quả nhất định về giáo dục, rèn luyện đoàn viên thanh niên trên các mặt: chính trị tư tưởng, trình độ kỹ thuật và tay nghề, góp phần giáo dục toàn diện người đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
- Tập hợp đông đảo đoàn viên thanh niên cùng tham gia các hoạt động tập trung của Đoàn, phát triển và bồi dưỡng nhân tố mới bổ sung lực lượng. Thông qua công trình thanh niên rèn luyện khả năng tổ chức và quản lý thực tiễn cho cán bộ Đoàn góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, đồng thời thể hiện rõ vai trò xung kích, nâng cao uy tín của tổ chức Đoàn trong thanh niên và trong xã hội.
- Tạo thêm nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động của Đoàn tại địa phương, đơn vị.
3.2. Quy trình thực hiện công trình thanh niên
Có 4 bước cơ bản sau:
Bước 1: Nghiên cứu chọn công trình thanh niên ở thôn, buôn, tổ dân phố và xây dựng kế hoạch thực hiện
Việc lựa chọn công trình và xây dựng kế hoạch thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện công trình thanh niên. Nếu chọn công trình với mục tiêu quá lớn thì sẽ khó thực hiện dẫn đến tình trạng chán nản, đoàn viên, thanh niên không có động lực để tiếp tục tham gia thực hiện.
Chi đoàn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chính trị của thôn, buôn, tổ dân phố để xác định công trình. Bàn bạc thảo luận ước lượng hiệu quả đạt được khi thực hiện công trình, khả năng thực hiện, những việc cần hỗ trợ từ phía chính quyền, các đoàn thể, cấp ủy. Chú ý chọn những công trình vừa sức với tập thể đoàn viên, hội viên của thôn, buôn, tổ dân phố. Công trình được chọn phải mang lại hiệu quả cụ thể góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thôn, buôn, tổ dân phố. Trong giai đoạn hiện nay các Chi đoàn nên chọn những công trình thanh niên gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các tiêu chí xây dựng khu dân cư xuất sắc, khu dân cư văn hóa. Ví dụ như: công trình trồng cây xanh, công trình khu phố sạch - đẹp, xây dựng tủ sách cho thiếu nhi...
Sau đó trao đổi với chi ủy, với Ban điều hành thôn, buôn, tổ dân phố về công trình mà Đoàn Thanh niên sẽ thực hiện, đặt ra những vấn đề cần được hỗ trợ nếu thực hiện công trình. Bàn bạc thảo luận thống nhất với các lực lượng tham gia.
Khảo sát, xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó phải xác định được: mục tiêu – yêu cầu, biện pháp thực hiện, điều kiện đảm bảo, tiến độ, cơ cấu tổ chức và lực lượng tham gia, dự toán kinh phí nếu có.
Hoàn thành kế hoạch, thông qua lãnh đạo và ban hành chính thức
Bước 2: Ký kết hợp đồng trách nhiệm, chuẩn bị điều kiện đảm bảo và đăng ký thực hiện
Thỏa thuận với các bộ phận có liên quan về các nội dung phối hợp và trách nhiệm của mỗi bên (nội dung, tiến độ, người chịu trách nhiệm). Tổ chức ký kết hợp đồng trách nhiệm với lãnh đạo địa phương theo các nội dung sau:
Trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị:
- Tác động với các ban ngành đoàn thể tại thôn, buôn, tổ dân phố cung cấp đầy đủ, kịp thời các điều kiện để thực hiện.
- Có quy định về chế độ khen thưởng động viên: cụ thể tiêu chuẩn.
Trách nhiệm của Đoàn Thanh niên:
- Tổ chức tuyên truyền, phát động nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của công trình.
- Thực hiện chức năng kiểm tra đôn đốc và kịp thời đề xuất tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn (nếu có).
- Đề xuất khen thưởng.
- Tùy theo quy mô công trình có thể tổ chức lễ ký kết.
- Thành lập ban chủ nhiệm và phân công chủ nhiệm công trình. Chủ nhiệm công trình: cử cá nhân có năng lực trong đội ngũ cán bộ Đoàn ở chi đoàn trực tiếp chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban chấp hành Đoàn cơ sở về công tác điều hành tổ chức thực hiện công trình.
- Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo: vật tư, vốn, phương tiện, thiết bị,… cơ chế thực hiện (nếu có).
- Đăng ký thực hiện công trình: tiến hành thủ tục đăng ký thực hiện công trình thanh niên với Đoàn cấp trên trực tiếp, có đầy đủ các văn bản: giấy đăng ký, kế hoạch tổ chức thực hiện, quyết định phân công phân nhiệm, đề nghị hỗ trợ,...
Bước 3: Tổ chức thực hiện công trình
Phân công thực hiện, theo dõi, nắm chắc tình hình tiến độ kết quả thực hiện, khả năng các điều kiện đảm bảo, có chế độ thông tin báo cáo định kỳ, kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn. Lắng nghe ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng công trình.
Bước 4: Tổ chức nghiệm thu, tổng kết và bàn giao công trình
Tổ chức nghiệm thu công trình: sau khi công trình hoàn thành phải thực hiện ngay công tác nghiệm thu.
Báo cáo trực tiếp với lãnh đạo địa phương và các bộ phận có liên quan về kết quả của công trình. Đề nghị được kiểm tra xác nhận bằng văn bản kết quả về mặt chất lượng, tiến độ và các tiêu chí khác mà mục tiêu đặt ra.
Tổ chức phân phối nguồn lợi có được từ thực hiện công trình sao cho công bằng và đảm bảo tinh thần chỉ đạo chung, công khai các khoản thu chi tài chính.
Tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác điều hành, tổ chức thực hiện công trình và xây dựng báo cáo mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Báo cáo với đoàn cấp trên và đề nghị kiểm tra công nhận công trình thanh niên đạt hiệu quả.
Tổ chức tổng kết khen thưởng và bàn giao công trình (nếu có).
3.3. Những vấn đề cần lưu ý:
- Về thời gian thực hiện công trình: tùy theo nội dung công trình mà xác định thời gian. Có thể ngắn hạn hay dài hạn.
- Công trình thanh niên có 2 đặc trưng cơ bản sau: góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và góp phần nâng cao tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cho đoàn viên thanh niên.
- Công trình thanh niên chỉ áp dụng đối với các hoạt động mang tính chất phong trào, không áp dụng đối với các nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng Đoàn.
4. Kỹ năng nghiệp vụ
Trò chơi “Biểu tượng”
- Mục đích: Tạo không khí vui tươi.
- Số lượng: Từ 30 người trở lên.
- Địa điểm: Ngoài sân.
- Thời gian: Từ 5 - 7 phút.
- Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn, tất cả vừa hát vừa nhảy múa. Khi nghe tiếng còi “te” các bạn đang đứng ở tư thế nào thì đứng ở tư thế đó – sau đó khi nghe tiếng còi “tích” các bạn lại tiếp tục nhảy múa. Khi nghe tiếng còi “tích” mà các bạn chưa đứng im thì bạn đó sẽ bị phạt.
Trò chơi “Bắn súng”
- Thể loại: Phản xạ
- Số lượng: Từ 30 người trở lên.
- Địa điểm: Ngoài sân.
- Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Quản trò sẽ đi vòng quanh và bất ngờ đứng trước một bạn nói "Đùng!" hoặc "Á!". Nếu người quản trò nói "Đùng!" thì người chơi phải nói "Á!" và ngược lại. Thực hiện động tác "Đùng!" bạn dùng tay làm như cây súng và chỉ vào người kia. Thực hiện động tác "Á!" bạn giang hai tay ra và hơi ngã về sau.
BAN BIÊN TẬP